Tiếng Việt | English

24/08/2015 - 15:54

Chủ tịch Quốc hội: “Dân kêu sao lại từ chối?“

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Nhân dân đặt ra Nhà nước để giải quyết việc của dân, xưa nay vẫn thế nhưng dân kêu sao lại từ chối?

Quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, cụ thể là toà không được từ chối giải quyết tranh chấp dân sự với lý do không có điều luật quy định mà phải áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng để xử lý là vấn đề còn ý kiến trái chiều tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về Bộ luật Dân sự (sửa đổi), diễn ra sáng 24/8.

Có luật xử còn sai huống chi không có điều luật

Bày tỏ không đồng tình với quan điểm của ban soạn thảo, Đại biểu Trần Đình Nhã băn khoăn: “Liệu đây có phải là bước lùi vì xây dựng nhà nước pháp quyền là đảm bảo công dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Cơ quan nhà nước cũng phải xử lý theo pháp luật chứ không phải theo cái không phải pháp luật”.

Cho rằng “cứ thả ra” thì nhiều vấn đề hệ luỵ rất khó xử lý, ông Trần Đình Nhã đề nghị nên chăng thành lập một toà kiểu Toà án Hiến pháp để xử lý những vấn đề này, để sau khi xét xử những vụ việc chưa có điều luật áp dụng thì tổng hợp thành án lệ.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách họp phiên sáng 24/8

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cũng cho rằng pháp luật phải thống nhất trong khi vận dụng tập quán thì mỗi nơi lại khác nhau. Điều đó vô hình chung khuyến khích những tập quán có khi không tốt.

“Áp dụng tập quán, lẽ công bằng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân là tốt nhưng phải đặt trong hoàn cảnh của chúng ta. Chúng ta rất tin thẩm phán nhưng liệu đội ngũ này có đủ trình độ, điều kiện để thực hiện không, nếu không lại rối”, ông Hồng băn khoăn.

Cũng theo đại biểu này, việc xử lý vấn đề dân sự không hề đơ giản và theo báo cáo của toà án thì số lượng án chưa xử được, án tồn đọng rất nhiều dù có điều luật nên cần cân nhắc khi quy định toà xử cả những việc chưa có điều luật.

Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hoá) cho rằng nhiều quy định trong dự thảo có sự đổi mới cũng như thể hiện sự hội nhập nhưng trong điều kiện Việt Nam giao toàn quyền cho thẩm phán chủ động quyết định áp dụng tương tự pháp luật, tập quán pháp lại chưa bảo đảm khả thi vì nước ta có nhiều dân tộc và đặc điểm vùng miền cũng khác nhau. Đó là chưa kể qua thực tiễn cho thấy trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh của thẩm phán giữa cấp huyện và các cấp cao hơn chưa đồng đều.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TPHCM) cũng cho rằng dự luật này không nên quy định vì Nhà nước pháp quyền là cơ quan nhà nước chỉ được làm cái gì mà luật quy định .

“Nói một câu toà vẫn phải xử thì rất hay, người dân nào nghe cũng thích nhưng thực tế có phải vậy dâu. Công lý phải là sự thật và theo pháp luật, phải có “cái cân”. Hơn nữa chưa thấy ai nêu ra việc gì là chưa có điều luật. Có gì đó còn rất trừu tượng”, ông Đương nói và đề nghị nếu chưa có điều luật thì giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh hoặc Hội đồng thẩm phán khẩn trương tổng hợp, hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ cho việc xét xử.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) cũng bày tỏ: “Quy định giao cho thẩm pháp quyết định áp dụng với sự tự tin rất cao nhưng thực tế chẳng thẩm phán nào dám nhận trách nhiệm to lớn này. Họ không dại gì tuyên nội dung mà chưa có quy định trong pháp luật. Vấn đề là tìm ra chỗ dựa, cái gậy để thẩm phán có thể dựa vào đó mà tuyên vì thực tế pháp luật quy định rồi mà họ tuyên còn chưa đúng”.

Từ chối giải quyết cho dân là không thể chấp nhận được

Đánh giá cao cách tiếp cận của ban soạn thảo và hướng đổi mới trong dự thảo, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) cho rằng toà án từ chối giải quyết vì chưa có điều luật là không thể chấp nhận được.

“Nhân danh công lý, lẽ phải mà nói thẩm phán không biết xử kiểu gì thì không nên làm thẩm phán. Cứ nói do tình độ này kia nhưng có việc người ta làm vài trăm năm rồi không lẽ Việt Nam nay không làm được. Người dân không chấp nhận ông làm thẩm phán mà từ chối giải quyết. Nên gút lại vấn đề này”, ông Lịch đề nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nói: “Toà phải thụ lý chứ để dân chạy lòng vòng thì chết. Có thời dân cứ lên Viện thì Viện lại đẩy sang toà. Anh phải thụ lý còn anh tuyên thua hay thắng là khác”.

Ở góc độ toà án, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào nhấn mạnh Hiến pháp quy định toà bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân nên toà phải xử lý.

“Nhà nước không xử lý thì rồi người dân vẫn phải tự xử lý thì dẫn đến vấn đề trật tự xã hội. Do đó quy định toà không được từ chối giải quyết là bước tiến để toà thực hiện quyền tư pháp, đáp ứng thực tế”, ông Tống Anh Hào nói. 

Chủ tịch Quốc hội: Phải tính để toà có thể xử được chứ không phải bàn "đuổi" dân về

Trước nhiều ý kiến băn khoăn rằng không có điều luật cụ thể thì thẩm phán xử lý thế nào, ông Tống Anh Hào cho biết luật hiện hành vẫn cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng. Với những tập quán ở các vùng miền đã được thừa nhận và pháp luật không điều chỉnh thì có nghĩa không trái pháp luật, toà có thể trên cơ sở đó để giải quyết. Lẽ công bằng thuộc về nguyên tắc chung của cuộc sống, của xã hội, chính sách chung của Đảng, Nhà nước... thì thẩm phán cũng có thể căn cứ mà xét xử.

Đề cập trình độ thẩm phán, Phó Chánh án Toà tối cao cho rằng sẽ từng bước được nâng lên và đó là trách nhiệm của toà án trong đào tạo, quy hoạch. Hơn nữa, việc xét xử là theo tập thể và có các cấp nên khó có việc thẩm phán “lộng quyền”.

“Toà án nhận việc này là trách nhiệm nặng nề nhưng vì bảo vệ công lý thì toà không thể từ chối”, ông Tống Anh Hào bày tỏ.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Nhân dân đặt ra Nhà nước để giải quyết việc của dân, xưa nay vẫn thế nhưng dân kêu sao ông lại từ chối? Dân sự cốt ở hai bên, không kêu nhà nước là tốt nhất nhưng đây là trường hợp người ta không tự giải quyết được, giờ toà từ chối và nói người ta về tự giải quyết thì có được không?”

“Hiến pháp giao toà thực hiện quyền tư pháp, quyết định đúng-sai, phải- trái. Nói không có điều luật thì không nhận, cơ quan nhà nước bảo dân về để tự giải quyết với nhau thì chẳng có trách nhiệm gì cả. Việc toà có giải quyết được hay không là của toà và ta phải tính để đảm bảo cho toà làm được. Cần bàn cái này chứ không phải bàn “đuổi” dân về”, Chủ tịch Quôc hội nêu quan điểm.

Về ý kiến cho rằng xây dựng nhà nước pháp quyền thì phải sống và làm việc theo pháp luật, ông Nguyễn Sinh Hùng phân tích: “Người dân sống theo pháp luật là nếu không giải quyết được thì phải có chỗ đến nhờ giải quyết còn nếu bị từ chối họ sẽ phải tự xử thì lại không theo pháp luật. Các đồng chí chọn cách nào? Phải có nơi cho người ta đến chứ. Lập luận cứng nhắc không được đâu”.

“Có ý kiến nói luật quy định đầy đủ mới xử, nhưng lập luận giỏi như nước Mỹ thỉnh thoảng vẫn phải ra điều luật. Hiến pháp giao toà rồi mà anh không nhận giải quyết thì anh từ chối luôn chức năng của anh đi. Không thực hành quyền tư pháp, không xét xử thì bất thành toà án. Một khi toà xử rồi là phải theo, như thế dân mới sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật được. Còn toà xử oan thì có pháp luật điều chỉnh rồi. Toà không xử thì dân phải xử, lúc đó họ lại không coi Hiến pháp, luật pháp và anh ra gì”, Chủ tịch Quốc hội nói./.

Ngọc Thành/VOV.VN
 

Chia sẻ bài viết