Tiếng Việt | English

22/01/2021 - 17:13

Đại hội XIII của Đảng: Lời giải cho bài toán về giảm nghèo

Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đáp ứng mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đặt ra.


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhận được sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời của Đảng, Nhà nước, nhiều tỉnh trên cả nước đã triển khai hàng loạt giải pháp, chương trình nhằm giúp người dân khó khăn tìm hướng thoát nghèo.

Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, việc cấp ủy, chính quyền và các cấp, ngành đồng hành cùng đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực miền núi, biên giới, hải đảo trong lao động, sản xuất và tìm cách phát huy tập quán văn hóa, thế mạnh địa phương để phát triển các mô hình sinh kế phù hợp đã từng bước giúp người dân vượt qua khó khăn, thực hiện ước mơ làm giàu.

Nỗ lực thoát khó

Tám năm trước, Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé triển khai Dự án Phát triển sinh kế dưới tán rừng tại năm xã vùng đệm. Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - vùng đất xa xôi nhất về phía Tây của Tổ quốc, nằm trong vùng dự án được hỗ trợ giống cây sa nhân tím, trồng trên diện tích 1 ha dưới tán rừng.

Lúc mới triển khai, do chưa hiểu rõ giá trị kinh tế của giống cây sa nhân, nhiều người dân xã Sín Thầu ngần ngại, từ chối tham gia. Nhưng hiệu quả từ mô hình điểm của gia đình ông Pờ Dần Sinh, người dân tộc Hà Nhì ở bản Tả Kố Khừ - nguyên Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sín Thầu giai đoạn 2000-2015, đã truyền cảm hứng cho người dân Sín Thầu.

Bà con đã tìm mua giống cây sa nhân về trồng dưới tán rừng. Mô hình này nhanh chóng phát triển khắp Sín Thầu rồi phổ biến đến Nậm Pồ, Mường Chà, Ðiện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa… khi cây sa nhân tím dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao.

Đặc biệt ngoài hiệu quả kinh tế, sa nhân trồng dưới tán rừng có độ ẩm cao, hạn chế cháy rừng trong mùa khô cũng như tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

Nối tiếp “trái ngọt” từ mô hình cây sa nhân tím là hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng khi Mường Nhé thực hiện theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã giúp người dân Sín Thầu từng bước thoát nghèo, nghĩ đến ước mơ làm giàu. Nhớ lại những năm gian khó, nhiều đồng bào vui mừng nói: "Đây chính là cách làm ăn bền vững để giúp người dân bớt khổ !"

Đề cập đến công tác xóa đói giảm nghèo ở huyện biên giới phía Tây Tổ quốc, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Mường Nhé cho biết huyện xác định để giúp người dân sinh kế lâu dài, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thì nhiệm vụ tiên quyết là triển khai kịp thời các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành.

Đáng mừng là sau 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững, Mường Nhé đã có nhiều thành tựu, đời sống nhân dân ngày càng ổn định hơn; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 74,02% vào năm 2015 xuống còn 58,43% vào năm 2020.

Tỷ lệ giảm hộ nghèo ấn tượng

Mường Nhé - Điện Biên chỉ là một trong địa phương trên cả nước nhận được sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong triển khai hàng loạt giải pháp, chương trình giúp người dân lao động, sản xuất, phát triển các mô hình sinh kế phù hợp.

Giới thiệu sản phẩm nông sản sạch của phụ nữ dân tộc thiểu số. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội luôn được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng và thể hiện đậm nét trong các văn kiện của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình của Chính phủ.

Trong đó, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 ở Trung ương và địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết. 63 tỉnh, thành phố chủ động ban hành bổ sung nhiều chính sách đặc thù lĩnh vực giảm nghèo trên địa bàn để hỗ trợ người nghèo.

Điển hình như tỉnh Bắc Kạn với chính sách riêng hỗ trợ, khuyến khích các hộ nghèo phát triển các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao.

Hà Nội đã ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống. Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Đề án chiến lược giảm nghèo bền vững trong trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội.

Nỗ lực bền bỉ giảm nghèo đã để lại những dấu mốc quan trọng với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo. Thu nhập bình quân của người nghèo đến cuối năm 2019 đã tăng 1,6 lần so với trước đó. 32 huyện nghèo và 103 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong giai đoạn này như huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai giảm 40,66%; huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai giảm 39,96%; huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái giảm 34,51%; huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giảm 33,52%.

Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao và đáp ứng mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đặt ra gồm tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0-1,5%/năm.

Điều đặc biệt hơn là Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những thành tựu, thực tế cũng cho thấy kết quả giảm nghèo những năm qua còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp.

Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm còn cao. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện nay chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 ngày 11/12 tại Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trước tình hình trên, cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025. Việc này sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức bởi với cách tiếp cận mới, cả nước sẽ có khoảng 16,6% hộ dân có thu nhập dưới chuẩn nghèo với gần 4,5 triệu hộ dân, tương ứng với trên 17 triệu người.

Thế nhưng, đây là căn cứ để xác định, nhận diện chính xác hơn, toàn diện hơn hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều và đối tượng khác thụ hưởng các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời cũng là phương pháp và giải pháp giải quyết nghèo đa chiều.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo.

Nỗ lực, sự bền bỉ thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo đó như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Những việc Việt Nam đã làm được tuy là điểm sáng trên thế giới nhưng còn khiêm tốn so với những thách thức, nhất là những thách thức trước mắt. Chính vì vậy, “giảm nghèo trong thời gian tới là công việc của cả trí tuệ và trái tim”./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết