Tiếng Việt | English

29/11/2018 - 08:41

Đằng sau tai nạn giao thông là những nỗi đau dai dẳng - Bài 2: Trở thành tàn phế, gánh nặng cho cả gia đình

Từ những người khỏe mạnh, tương lai đang rộng mở phía trước nhưng vì tai nạn giao thông (TNGT) đã biến họ trở thành những người tàn phế, sống đời thực vật. Hậu quả TNGT không chỉ gây ra nỗi đau đớn, mất mát cho chính nạn nhân mà còn để lại nhiều hệ lụy cho gia đình, người thân.

Bà Huỳnh Thị Hoa Lệ trải qua nhiều vất vả vì tai nạn giao thông đã làm người chồng bị liệt suốt 16 năm đến khi mất

Bà Huỳnh Thị Hoa Lệ trải qua nhiều vất vả vì tai nạn giao thông đã làm người chồng bị liệt suốt 16 năm đến khi mất

Gồng gánh cả gia đình

16 năm chồng bị TNGT phải sống đời thực vật, 5 năm mẹ chồng bị tai biến nằm một chỗ đều được bà chăm sóc chu đáo. Cũng một tay bà nuôi nấng con gái và cho học hành đàng hoàng. Đó là bà Huỳnh Thị Hoa Lệ (53 tuổi), ngụ ấp 4, xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An. Chúng tôi tìm đến nhà bà trong một chiều nắng gắt. Căn nhà tình thương do một đơn vị xây tặng gia đình cách đây gần 10 năm, cửa mở hờ. Ở bãi đất nhỏ trước nhà, bà Lệ đang loay hoay cắt cỏ cho bò ăn. “Từ khi chồng, mẹ chồng mất, ngoài đi làm mướn, tôi nuôi 3 con bò để cải thiện kinh tế” - bà Lệ cho biết.

Khi nghe tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình những năm trước, bà nói, "trong hoàn cảnh ấy, bao nhiêu vất vả, khó nhọc, tôi nhận về mình để giữ cho mái ấm gia đình không sụp xuống, con gái được đi học, lên giảng đường". Đó là trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, con dâu trong gia đình khi gia đình gặp biến cố. Dù không muốn nhắc lại quá khứ nhưng khi nghe tôi đề cập đến nỗi đau TNGT gây ra, bà cũng mở lòng chia sẻ đôi điều, “TNGT thật khủng khiếp! Chính TNGT là nguồn gốc làm cho gia đình tôi cơ cực”.

Chồng bà là ông H.V.K công tác ở Công ty Công trình đô thị TP.Tân An. Cuộc sống gia đình đang yên bình thì một ngày trong năm 2002, chồng bà điều khiển xe máy từ nơi làm trở về nhà, bị một thanh niên điều khiển xe tông trúng. Hậu quả, chồng bà bị chấn thương sọ não và kể từ đó  sống đời thực vật.

Bà Lệ kể: “Kinh tế gia đình vốn đã eo hẹp, chủ yếu dựa vào số tiền trợ cấp liệt sĩ của mẹ chồng, lại càng túng thiếu trầm trọng sau những chuyến đưa chồng đi nằm viện dài ngày. 0,3ha đất lúa, bà phải bán đi 0,2ha với giá 70 triệu đồng để lo thuốc thang cho chồng. Thời điểm chồng bà bị TNGT, đứa con gái duy nhất đang học cấp 2 nên có những lúc bà nghĩ đến chuyện cho con ở nhà, dù biết con học rất giỏi. Vậy mà khi thấy con khóc, bà lại không nỡ lòng nên cố gắng lo cho con tiếp tục đi học. Khi không có tiền, bà đến trường trình bày hoàn cảnh, xin miễn, giảm học phí.

“Thế rồi, con gái đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Long An. Để con được đi học, tôi lại tiếp tục lên trường xin miễn, giảm những khoản đóng góp” - bà Lệ kể lại. Thấy cuộc sống gia đình khó khăn, hàng xóm, láng giềng, chính quyền vẫn thường quan tâm hỏi thăm, động viên và hỗ trợ một số nhu yếu phẩm.

Khi cuộc sống đang khó khăn, thiếu thốn, năm 2012, mẹ chồng đã lớn tuổi ở cùng nhà lại bị tai biến nằm liệt một chỗ, bao gian khó lại chồng chất lên vai người phụ nữ này. Kể từ đó, hầu như bà chẳng còn chút thời gian nào để đi làm mướn vì phải ở nhà chăm lo cho chồng và mẹ chồng. Hàng ngày, chỉ việc làm vệ sinh cá nhân cho chồng và mẹ chồng cũng thấy bà đã vất vả. Sau 16 năm nằm một chỗ được vợ chăm sóc chu đáo, đầu năm 2018, người chồng mất; còn mẹ chồng sau 5 năm nằm liệt giường cũng vừa qua đời.

Dù bà Lệ luôn nói “chăm chồng, chăm mẹ chồng khi bệnh tật, lo cho con được học hành là trách nhiệm, bổn phận” nhưng có lẽ, đối với nhiều người, bà là đức hy sinh, tảo tần, tấm gương đầy nghị lực vượt lên sóng gió để gồng gánh cả gia đình, giúp mái ấm ấy không đổ sập trong giông tố cuộc đời.

Giờ đây, con gái bà là giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường tiểu học ở TP. Tân An, đã lập gia đình riêng và vợ chồng về chung sống cùng nhà với bà. Chia sẻ với chúng tôi, bà Lệ bảo, thấy con gái có việc làm ổn định, gia đình riêng hạnh phúc, lại đối xử tốt với mẹ, bà cảm thấy được sưởi ấm sau những năm dài mất mát, nhiều khi tưởng chừng gục ngã, không thể vượt qua.

Nỗi lo của người cha già

“Nửa đêm nghe điện thoại, Công an xã báo tin con trai bị TNGT nghiêm trọng ở ngoài Quốc lộ N2 và được đưa đi cấp cứu rồi, khi đó tôi như người mất hồn” - ông Tạ Văn Đực, ngụ ấp 6, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, bàng hoàng kể lại. Nói rồi, ông thừa nhận, bây giờ cứ mỗi lần biết có người thân dắt xe Honda đi lâu chưa về là ông ở nhà nơm nớp lo sợ.

Người con bị TNGT mà ông Đực nói đến là anh Tạ Thanh Cần (SN 1980). Vào đêm khuya, cách đây 4 năm, anh Cần điều khiển xe máy chạy trên Quốc lộ N2 về nhà nhưng bị va quẹt với xe tải, té xuống đường bất tỉnh. Anh được người dân phát hiện kịp thời, tức tốc đưa đi bệnh viện cấp cứu, rồi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Sau nhiều tháng cứu chữa, do chấn thương sọ não, ảnh hưởng đến hệ thần kinh nên khi tỉnh lại, anh không còn như trước nữa. Nhiều bữa anh đi lang thang, có những lần còn la hét ầm ĩ cả khu vực, ngay cả cha ruột và anh trai cũng lúc nhận ra, lúc không, còn chuyện vệ sinh cá nhân thì hoàn toàn do người thân làm thay. 

Dù đã đưa đi chữa trị nhiều nơi, tốn kém rất nhiều tiền nhưng rồi bệnh tình vẫn vậy. Mỗi lần gia đình đưa đến bệnh viện tâm thần thì bác sĩ đều lắc đầu khẳng định, anh Cần không còn khả năng hồi phục. “Vì sợ không trông nom được nên lúc đầu, người nhà định gửi nó ở bệnh viện tâm thần chăm sóc. Thế nhưng, chi phí cao mà nhà lại không có tiền, hơn nữa vì thương con, tôi quyết định đưa trở về” - ông Tạ Văn Đực kể.

Khu vực gần nhà nhiều kênh, mương, vì vậy, để chăm nom anh Cần an toàn cũng là một thách thức đối với gia đình; trong khi đó, người thân còn phải đi làm công nhân, làm ruộng. Thế là, để tránh xảy ra những điều bất trắc, gia đình phải luôn cố gắng giữ anh lại trong nhà; khi đi vắng thì dùng dây xích dài khóa chân anh lại với giường, chỉ để anh loay hoay một khu vực. “Dù thương con nhưng tôi không còn cách nào khác. Nhìn thấy đứa con do mình sinh ra, nuôi lớn nhưng chỉ vì TNGT mà giờ ngây ngô, ốm yếu như thế này, tôi đau lòng lắm!” - ông Đực rầu rĩ nói.

Ông Tạ Văn Đực (phải) đau khổ khi nhìn đứa con trai Tạ Thanh Cần ngây ngô, khờ dại vì bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não

Ông Tạ Văn Đực (phải) đau khổ khi nhìn đứa con trai Tạ Thanh Cần ngây ngô, khờ dại vì bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não

Theo gia đình, ngày trước, anh Cần là người khỏe mạnh lại rất hăng say lao động. Nhà có mấy công đất, anh đều khai phá, lên liếp trồng chanh, thậm chí còn thuê mướn làm thêm. Từ sau vụ tai nạn, gia đình phải bán đất để lấy tiền chữa chạy, điều trị cho anh. TNGT đã cướp đi của anh Cần sức khỏe, ý chí và ngay cả gia đình riêng nhỏ bé của mình cũng tan rã. Vì hoàn cảnh nghèo khó, anh thường lên cơn nên người vợ đã mang theo đứa con còn nhỏ bỏ về nhà mẹ đẻ sinh sống.

“Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, nhiều hôm nằm suy nghĩ mãi chuyện sau này ai sẽ lo cho con. Chuyện này hồi bà xã tôi còn sống cũng thường xuyên lo lắng. Tuy nhiên, mỗi lần nghe tôi nói, vợ chồng đứa con trai lớn đều bảo tôi yên tâm và hứa sẽ cố gắng chăm sóc cho em tử tế”.

Nghe cha nói như thế, anh Cần ngồi trước thềm nhà cứ nhìn chằm chằm nhưng chẳng hiểu gì, thỉnh thoảng cứ gật gù, lúc lắc, cười một mình. Nhìn đàn chim tung cánh bay qua trước nhà, anh hướng mắt theo trong sự vô hồn. Nhìn thấy con trong bộ dạng đó càng làm người cha già như ông Đực thêm thắt lòng.

(còn tiếp)

Bài 3:  Tai nạn giao thông luôn “rình rập”

Lê Ðức

Chia sẻ bài viết