Tiếng Việt | English

18/06/2015 - 09:30

Giữ lửa

Báo giới chia sẻ người làm báo hiện nay không đơn giản, nhất là trước áp lực về nhu cầu thông tin trên mọi lĩnh vực, trước sự bùng nổ thông tin cùng sự tiến bộ vượt trội của công nghệ thông tin, mỗi “công dân toàn cầu” đều có thể, có quyền mở và trao đổi thông tin qua trang thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, báo chí chính thống đang đối mặt với nhiều vấn đề vừa bức xúc, vừa gai góc với những thuận lợi và khó khăn đan xen,... Vì vậy, đòi hỏi nhà báo không chỉ “thắp lửa”, “giữ lửa” mà còn “canh lửa” đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm của đất nước, các địa phương và cả cộng đồng doanh nghiệp.

“Chất lửa” được thể hiện qua ngôn ngữ, bên cạnh sự đanh thép, sắc sảo, thuyết phục trên tinh thần xây dựng còn là sự vận dụng kinh nghiệm người xưa “lạt mềm buộc chặt” thay cho “đao to búa lớn”. Qua đó, người làm báo vừa góp phần vào sự ổn định của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người đọc, người nghe, người xem. Từ khi Bác Hồ sáng lập ra Báo Thanh niên, đánh dấu sự ra đời của báo chí Việt Nam, trải qua 90 năm truyền thống vẻ vang, “chất lửa” của báo chí cách mạng được ví như “mỗi tờ báo là tờ hịch cách mạng”, cổ vũ, động viên phong trào hành động cách mạng trong quần chúng. “Chất lửa” ấy luôn được các thế hệ người làm báo “giữ lửa”, “thắp lửa”, để xứng đáng là “người xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng”, “chất lửa” ấy tồn tại và sống mãi trong mỗi tờ báo, người làm báo, cho hoạt động báo chí.

Mừng 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, chúng ta mong mỏi “chất lửa” luôn nồng ấm qua mỗi dòng thông tin hữu ích trong xu thế hội nhập và phát triển./.

Song Nguyễn

Chia sẻ bài viết