Tiếng Việt | English

14/10/2021 - 09:35

Hỗ trợ thanh niên tái khởi nghiệp sau dịch

Dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Long An được kiểm soát, cuộc sống dần trở về trạng thái “bình thường mới”. Nhiều hoạt động kinh tế khởi động trở lại. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ loay hoay không biết phải khởi nghiệp thế nào sau dịch. Trước thực tế đó, tuổi trẻ Long An có nhiều hoạt động nhằm định hướng, kịp thời hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống, KT-XH, trong đó có vấn đề lao động, việc làm, khởi nghiệp, lập nghiệp của TN. Nhiều ĐVTN thất nghiệp trong thời gian dài; nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp của TN bị ngưng trệ; việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sản phẩm nông nghiệp không có đầu ra.

Trưởng ban Công tác TN Tỉnh đoàn - Lê Thị Hồng Kết cho biết: “Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, để tập trung phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển KT-XH, cần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong TN”.

Tập huấn trực tuyến, trang bị kiến thức cho thanh niên khởi nghiệp

Thực hiện chủ đề năm 2021: “TN khởi nghiệp, lập nghiệp” của tổ chức Đoàn, Hội các cấp trên địa bàn tỉnh, vừa qua, Tỉnh đoàn tổ chức buổi tập huấn trực tuyến nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản và nâng cao nhận thức cho cán bộ, ĐVTN về khởi nghiệp. Trong buổi tập huấn trực tuyến, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh được diễn giả, chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM, trao đổi một số nội dung cơ bản, khuyến khích, hỗ trợ TN lập thân, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho bản thân. ĐVTN cũng nêu lên những vấn đề cần tư vấn về khởi nghiệp trong bối cảnh “sống chung” với Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

Qua buổi tập huấn, ĐVTN trong tỉnh có thêm kiến thức, mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế, tạo nên thương hiệu với những sản phẩm có sức cạnh tranh trên các thị trường trong và ngoài tỉnh. Qua đó, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển về nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước.

Chuyển giao khoa học - kỹ thuật

Thời gian qua, nhằm trang bị cho ĐVTN kiến thức về khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp TN Việt Nam huyện Cần Đước tổ chức 3 đợt tập huấn về chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hơn 60 ĐVTN tại Cụm thi đua vùng thượng.

Đoàn viên, thanh niên huyện Cần Đước tham quan thực tế mô hình trồng rau

Qua các buổi tập huấn, ĐVTN được thông tin về các nội dung như trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, chương trình OCOP; việc sử dụng chế phẩm sinh học IMO để bảo vệ môi trường và làm phân bón; kỹ thuật trồng, chăm sóc rau sạch trong nhà kín và trồng thủy canh; cách chọn giống cây trồng, thời vụ gieo hạt, cách chọn đất trồng, nguồn nước tưới, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón bảo đảm thời gian cách ly trước khi sử dụng; thời gian thu hoạch rau ăn lá, rau ăn quả;...

Phó Bí thư Huyện đoàn Cần Đước - Đặng Vũ Khánh cho biết: “Ngoài các buổi học lý thuyết, ĐVTN còn được thực hành, tham quan Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa, trải nghiệm quy trình: Chăm sóc rau thủy canh, xuống cây giống, thu hoạch và đóng gói sản phẩm; tham quan mô hình trồng rau trong nhà lưới với hệ thống tưới tự động tại xã Long Hòa và xã Long Khê,...”.

Thông qua hoạt động, ĐVTN nắm được những kiến thức về khoa học - kỹ thuật, những giải pháp trồng rau sạch và an toàn, chống và hạn chế tối đa bị hư hỏng do mưa, bão và sâu, bệnh gây ra; ứng dụng kỹ thuật thủy canh vào trồng rau. Đây là một trong những mô hình tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, qua đó tăng thu nhập cho ĐVTN.

Huyện đoàn Thạnh Hóa tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật mô hình ốc bươu đen

Để hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế, Huyện đoàn Thạnh Hóa tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật mô hình nuôi ốc bươu đen. Theo đó, cán bộ, ĐVTN và hộ TN nuôi ốc trên địa bàn xã Tân Đông được cán bộ chuyên môn chia sẻ về lợi ích kinh tế của mô hình, kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng và trị bệnh trên ốc bươu đen. Bên cạnh đó, Huyện đoàn còn hỗ trợ 10.000 con ốc giống cho 3 hộ TN trên địa bàn xã Tân Đông để thực hiện mô hình.

Theo Phó Bí thư Huyện đoàn - Nguyễn Châu Kim Ngân, thời gian tới, Huyện đoàn tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn để TN nông thôn tiếp cận các mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Qua đó, thúc đẩy TN khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu chính đáng cho bản thân.

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, lực lượng ĐVTN, trí thức trẻ ngày càng có nhiều mô hình mới, cách làm hay ứng dụng vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp để phát triển kinh tế gia đình cũng như góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

Năm 2021, Đoàn TN cấp tỉnh tổ chức được 7 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - công nghệ cho hơn 1.500 ĐVTN. Hiện nay, 15/15 đơn vị huyện, thị xã, thành phố duy trì và thành lập mới được các mô hình TN phát triển kinh tế. 6 tháng đầu năm 2021, Hội LHTN Việt Nam tỉnh, huyện phối hợp hỗ trợ và thành lập được 2 hợp tác xã TN và 1 tổ hợp tác sản xuất tại huyện Bến Lức, Thủ Thừa.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết