Tiếng Việt | English

14/02/2021 - 10:35

Học và học suốt đời

Được học, cần học, tự giác học và học thường xuyên, suốt đời là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người dân trong xây dựng xã hội học tập.

Học là con đường tiến thân bền vững

Luôn tâm niệm tài sản lớn nhất cha mẹ dành cho con là tri thức, bản lĩnh và sự trưởng thành nên ông Trần Ngọc Oanh và bà Đặng Thị Mong, ngụ ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, cho con học hành đến nơi, đến chốn. Hiện 2 người con của ông bà đều thành đạt. Chị Trần Đặng Tố Quyên (33 tuổi) tốt nghiệp đại học ngành Du lịch lữ hành; anh Trần Đặng Bảo Ân (31 tuổi) là Tiến sĩ Vật lý - giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM và hiện là nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh. Chị Quyên, anh Ân đều là niềm tự hào của gia đình, nhất là anh Ân - người mang ước mơ, hoài bão lớn trong việc chinh phục tri thức để làm tốt hơn nữa công tác truyền dạy kiến thức cho các thế hệ sinh viên sư phạm.

Ông Oanh tâm sự: “Tài sản để lại cho con bao nhiêu cũng không bằng đạo đức và tri thức. Có những thứ đó, con có thể tự làm giàu về vật chất lẫn tinh thần cho bản thân. Do vậy, dù kinh tế thời điểm ấy có hạn hẹp, tôi và vợ vẫn cố gắng nuôi dạy con trưởng thành và học hành nên người”.

Gia đình ông Trần Ngọc Oanh, dòng họ Huỳnh, Cộng đồng học tập ấp Ao Gòn là 3 trong 4 mô hình tiêu biểu xuất sắc của tỉnh trong xây dựng xã hội học tập

Ông Oanh và vợ luôn là tấm gương sáng cho con noi theo. “Nói đi đôi với làm là bí quyết giúp con tôn trọng và học tập theo cha mẹ để trở thành người uy tín trong xã hội. Ngoài ra, tôi và vợ cũng không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức. Tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để phục vụ việc phát triển kinh tế gia đình. Nhờ tham gia học tập như vậy, tôi sản xuất rau, quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Vợ tôi là giáo viên nên cũng thường xuyên cập nhật kiến thức mới để phục vụ công tác giảng dạy” - ông Oanh chia sẻ.

Rạng danh dòng họ

Về ấp 1, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, nhắc đến dòng họ Huỳnh có lẽ ai cũng biết. Dòng họ Huỳnh có hội đồng gia tộc, trưởng tộc, gia phả 7 đời và có những người con học tập giỏi làm rạng danh dòng họ. Và đây cũng là một trong những Dòng họ học tập tiêu biểu của tỉnh. Với truyền thống hiếu học, được kế thừa từ tổ tiên nên hội đồng gia tộc dòng họ Huỳnh luôn đặc biệt quan tâm đến việc học của con cháu, xem đó là tài sản vô giá của mỗi gia đình và dòng họ. Năm 2012, hội đồng gia tộc thành lập Ban Khuyến học và lập quỹ của dòng họ để khen thưởng con cháu có thành tích trong học tập và công tác. Những người có thành tích nổi bật được báo công trước bàn thờ tổ tiên và ghi danh vào sổ vàng của dòng họ.

Họ Huỳnh là một trong những dòng họ học tập tiêu biểu của tỉnh

Hiện dòng họ Huỳnh có 40 hộ gia đình, 168 nhân khẩu với 10 thạc sĩ, 45 người cử nhân và hơn 70 người đang học mầm non, phổ thông. Theo đó, nhiều người là công chức, viên chức có thành tích tốt trong công tác như: Chiến sĩ thi đua, được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt có 1 người là Nhà giáo Ưu tú. Ngoài ra, có nhiều cháu đậu đại học, cao đẳng và đạt học sinh giỏi các cấp trong mỗi năm học.

Trưởng ban Khuyến học dòng họ Huỳnh - ông Huỳnh Quốc Quang cho biết: “Có truyền thống hiếu học lâu đời nên mỗi gia đình đều hiểu rõ trách nhiệm phải giáo dục con học tập, khám phá tri thức, nâng cao trình độ. Mỗi năm, Ban Khuyến học khen thưởng các cháu đạt thành tích tốt để động viên và ghi nhận công sức, tinh thần hiếu học của các cháu. Ngoài ra, các gia đình cũng đoàn kết, giúp đỡ nhau học tập, phát triển kinh tế và tham gia xây dựng quê hương. Theo đó, dòng họ 2 lần đứng ra làm đường bêtông tại khu xóm Đình, ấp 1”.

Ông Huỳnh Quốc Quang - thành viên của dòng họ Huỳnh, luôn duy trì việc học 

Cùng nhau học tập

Trẻ em được tạo điều kiện cho học tập đến nơi, đến chốn, người lớn duy trì việc học phục vụ nhu cầu, sở thích bản thân và công việc, từ đó góp phần nâng cao dân trí và phát triển kinh tế cho mỗi gia đình. Đó là “quả ngọt” sau 5 năm xây dựng cộng đồng học tập của ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước - mô hình học tập tiêu biểu xuất sắc của tỉnh.

Bắt tay thực hiện mô hình, Chi bộ ấp ban hành nghị quyết, Trưởng ấp xây dựng kế hoạch và Ban Chỉ đạo ấp triển khai, thực hiện. Các gia đình được thông tin, tuyên truyền để nắm rõ về ý nghĩa của việc xây dựng mô hình Cộng đồng học tập, từ đó xây dựng mỗi gia đình là một gia đình học tập và từng bước phát triển Dòng họ học tập.

Bí thư Chi bộ ấp Ao Gòn - Nguyễn Văn Bánh tâm sự: “Để mô hình Cộng đồng học tập được thành công, ngoài sự quyết tâm, đoàn kết của tập thể, Ban Chỉ đạo ấp cũng đồng hành, sát cánh với các gia đình. Đối với trẻ em, chúng tôi tạo mọi điều kiện để các em đến trường, kịp thời giúp đỡ và phát thưởng cho những học sinh khó khăn, học sinh giỏi của ấp. Riêng người lớn, chúng tôi khuyến khích duy trì việc học và động viên họ tham gia các lớp tập huấn để phục vụ phát triển kinh tế gia đình”.

Ngoài ra, nhà văn hóa ấp cũng có cụm loa phát thanh thông tin thời sự, có tủ sách pháp luật và không gian sinh hoạt để tất cả thành viên trong ấp học tập, cập nhật kiến thức.

Nhờ các cá nhân nhận thức được tầm quan trọng của việc học, chất lượng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng học tập được nâng lên, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trình độ dân trí./.

Đặng Tuấn

Chia sẻ bài viết