Tiếng Việt | English

02/11/2017 - 17:53

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Hướng đến xây dựng con người có nhân cách tốt

Những câu chuyện kể về Bác, những nội dung lồng ghép vào một số môn học và hoạt động phong trào của trường là bài học đạo đức cốt lõi giúp học sinh hiểu điều hay lẽ phải, tích lũy kỹ năng sống. Đó cũng là hoạt động thiết thực mà các trường thực hiện nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh hiện nay.


Thảo luận nhóm giúp học sinh nêu được ý kiến, suy nghĩ của mình về những vấn đề liên quan nội dung trong bài học

Từ những bài học làm người!

Từng kể mẩu chuyện về Bác trong tiết sinh hoạt lớp và dưới cờ, Lâm Ngọc Thy, học sinh lớp 12.1 Trường THCS và THPT Lương Hòa (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) tâm đắc nhất là chuyện “Bài học của thầy Mo”. Bởi, theo Ngọc Thy, câu chuyện là bài học bổ ích về cách đối nhân xử thế. Ngoài biết quan tâm, đối xử thân thiện, lễ độ với người xung quanh, câu chuyện còn dạy về sự khéo léo ứng xử, giải quyết khi gặp những tình huống khó.

Mỗi câu chuyện về Bác là một bài học đạo đức mà sau khi kể, học sinh phải rút ra được ý nghĩa để bản thân và các bạn khác cùng hiểu, tiếp thu. Những câu chuyện ấy mang tính giáo dục sâu sắc, toàn diện các phẩm chất đạo đức con người. Đặc biệt, nó dễ đi vào lòng người vì phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Bí thư Đoàn trường THCS và THPT Lương Hòa – Đường Phước An cho biết: “Những mẩu chuyện này trích trong quyển sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”. Hơn 1 năm trước, quyển sách này được Huyện ủy Bến Lức đưa về trường. Lúc đầu, sách chưa phổ biến rộng rãi nhưng đến nay được triển khai trong toàn thể học sinh”.

Hiện tại, tất cả 1.143 học sinh của trường đều có quyển sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”. Hàng tháng, vào tiết sinh hoạt dưới cờ và lớp của tuần đầu tiên và tuần thứ 3, học sinh luân phiên kể một mẩu chuyện. Sau khi kể và rút ra bài học, các học sinh thảo luận nhóm, đóng góp ý kiến xung quanh câu chuyện. Điều này giúp các em ghi nhớ những bài học đạo đức thật lâu.

Anh Đường Phước An chia sẻ thêm: “Từ ngày thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua những câu chuyện kể về Bác, các em có chuyển biến tích cực, chuyên cần học tập, rèn luyện hạnh kiểm vì rút ra được những bài học làm người bổ ích”.

Tuy nhiên, hiện nay, sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” chưa phổ biến trong tất cả các trường. Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh chủ yếu vẫn thực hiện bằng hình thức lồng ghép nhiều câu chuyện, vấn đề thực tế vào bài giảng một số môn: Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục Công dân,...

Theo cô Đỗ Thị Liêm Chính - giáo viên môn Giáo dục Công dân của Trường THPT Đức Hòa: “Đối với môn Giáo dục Công dân, ngay từ đầu năm học, trường dành một tiết để giáo viên sinh hoạt cho học sinh về quy tắc ứng xử với thầy cô, bạn bè, phụ huynh, người lạ,... Còn trong giảng dạy, mỗi tiết học đều lồng ghép nội dung về Bác Hồ, môi trường, an toàn giao thông, vấn đề tham nhũng. Những kiến thức lồng ghép này phải là thông tin mới, phù hợp và tạo được tình huống để các em giải quyết nên giáo viên thường xuyên cập nhật, dẫn chứng trong bài giảng. Qua đó, học sinh vừa tiếp thu kiến thức vừa học được những bài học thực tiễn áp dụng trong cuộc sống: Biết chấp hành pháp luật; cư xử, nói năng đúng chuẩn mực...”.

Ngoài ra, các phong trào, hoạt động của trường cũng là môi trường giúp học sinh rèn luyện, hình thành nhân cách tốt. Ở Trường THCS và THPT Hà Long (TP.Tân An), ngoài hoạt động ngoại khóa, trường tổ chức các lớp “Em làm chiến sĩ”, “Học làm người hiếu thảo” và nói chuyện chuyên đề về tình cảm gia đình, tình yêu thương con người và trách nhiệm cá nhân,... Từ đó, học sinh hiểu thêm về giá trị cuộc sống, nâng cao ý thức và rèn luyện, trở thành những người tốt.

Có thể nói, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ở trường học rất đa dạng. Tất cả đều là những bài học dạy làm người rất ý nghĩa và thực tế!


Các hoạt động ngoại khóa của trường là môi trường giúp các em rèn luyện tốt

Phải phối hợp chặt chẽ

Theo Trưởng phòng Pháp chế, Sở Giáo dục và Đào tạo – Huỳnh Văn Hiệp: “Hiện nay, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được triển khai đồng bộ bằng việc giảng dạy tích hợp vào các môn: Đạo đức, Giáo dục Công dân, Lịch sử, Ngữ văn và các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp từ cấp tiểu học đến THPT. Đặc biệt, năm học 2016-2017 đến nay, ngành triển khai sử dụng tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” từ lớp 2 - 12. Ngoài ra, năm 2016, Sở phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thực hiện Chương trình “Ai hay hơn ai” và phối hợp Nhà Thiếu nhi Long An thực hiện mô hình sân chơi lưu động kỹ năng sống năm 2017. Qua đây, giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh”.

“Dù triển khai rộng rãi nhưng hiện tại, khó khăn nhất trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là sự phối hợp chưa đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội”- ông Hiệp cho biết thêm. Nhiều phụ huynh còn suy nghĩ, việc giáo dục là của nhà trường nên chưa quan tâm đến con và phó thác cho nhà trường. Ngành Giáo dục thì chưa có đội ngũ chuyên sâu về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, chưa có giáo viên chuyên trách thực hiện tư vấn tâm lý cho học sinh để kịp thời can thiệp những trường hợp học sinh có hành vi đạo đức, lối sống chưa tốt. Trong khi đó, môi trường xã hội có nhiều cái xấu dễ ảnh hưởng đến lứa tuổi học sinh.

Vì vậy, để làm tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội phải phối hợp chặt chẽ. “Ngoài hình thức sổ liên lạc, điện thoại, phụ huynh cần quan tâm thời gian biểu của con. Khi nhà trường gửi thư mời, phụ huynh nên sắp xếp đến để nghe và tìm hiểu tình hình học tập của con mình. Về phía nhà trường, phải xây dựng môi trường lành mạnh, tăng cường nhiều sân chơi bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú để học sinh tham gia, đồng thời khen thưởng những học sinh có hạnh kiểm, việc làm tốt nhằm tạo sự lan tỏa. Còn ngoài xã hội, nhất là chính quyền địa phương phải quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự nhằm hạn chế những điều xấu ảnh hưởng đến học sinh”- anh Đường Phước An bày tỏ.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường giáo dục là cốt lõi, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cũng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. “Trong đó, ngành tiếp tục triển khai, thực hiện Quyết định số 706/QĐ-UBND, ngày 29/02/2016 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh , thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2015-2020”” - ông Huỳnh Văn Hiệp nhấn mạnh.

Theo đó, ngành tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh về: Đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến đời sống, học tập, việc làm; các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam; gương người tốt, việc tốt,... Đồng thời, xây dựng nội dung giáo dục thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học, tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ để hình thành và phát triển ý thức, hành vi, thói quen tốt, phù hợp với độ tuổi trong việc thực hiện nội quy, quy định của trường, lớp học, trong gia đình và cộng đồng. Đối với giáo dục phổ thông, thực hiện nội dung dạy học các môn: Đạo đức, Giáo dục Công dân trong chương trình sách giáo khoa hiện hành trên cơ sở rà soát, tinh giản những nội dung khó, trùng lắp, phù hợp với tâm lý độ tuổi học sinh; lựa chọn các nội dung giáo dục có giá trị và phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý, tình cảm và sự phát triển của học sinh, xã hội và thời đại; giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh đó, giáo viên phải thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, nhất là môn Đạo đức và Giáo dục Công dân theo hướng phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, phát huy tính tích cực của học sinh; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, cộng tác viên phụ trách công tác giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng trong các đơn vị trường học,...

Trước thực trạng về sự xuống cấp của đạo đức xã hội thì việc giáo dục đạo đức, lối sống càng trở nên quan trọng nhằm tạo chuyển biến, hướng đến phát triển toàn diện về nhân cách cho học sinh. Làm tốt các giải pháp trên là làm tốt nhiệm vụ vừa dạy chữ vừa dạy làm người của ngành giáo dục./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết