Tiếng Việt | English

04/04/2024 - 09:35

Khu mộ cổ giữa dòng Cổ Chiên

Cù lao Dài gồm 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Vào thời chúa Nguyễn, cù lao này được gọi là Trường Châu vì nó đẹp và quý như hạt châu ngọc dài. Nơi đây hiện lưu giữ di tích Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu như một minh chứng cho giá trị lịch sử - văn hóa vô giá của vùng đất Nam bộ.

Cổng chính di tích Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu

Di tích Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu được ông xây dựng và hoàn thiện đầu năm 1828. Sau khi ông Thoại Ngọc Hầu mất năm 1829, triều đình nhà Nguyễn ghép tội oan, ông và gia đình bị tịch thu tài sản, khu mộ không còn ai chăm nom, thờ tự.

Năm 1969, một quả bom của Mỹ rơi xuống gây hư hại một phần trụ cổng khu mộ. Từ đó, nơi đây dần bị lãng quên.

Phó Trưởng ban quản lý Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiêm nhiệm quản lý Di tích Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu - Lê Trần Hạnh Phúc cho biết, với những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, ghi nhận công lao của gia đình ông Thoại Ngọc Hầu, ngày 15-6-2017, UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định xếp hạng khu mộ là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Đến năm 2019, Nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo các ngôi mộ cổ, nhà thờ họ Nguyễn, nhà thờ họ Châu, lớp học của thầy giáo Châu Vĩnh Huy,...

Ngoài ra, bia công đức cũng được dựng lên và cầu bêtông nhỏ nối liền hai khu mộ được xây dựng, giúp du khách dễ dàng tham quan, chiêm bái.

Bình phong trong khu mộ họ Nguyễn được xây bằng cát, đá, ô dước, có hình chữ nhật, cao 2,4m, ngang 3,9m, dày 0,9m. Mặt trước đắp phong cảnh, mặt sau có đắp chữ Hán và bài thơ nổi tiếng đời nhà Đường “Phù Dung Lâu Tống Tân Tiệm” của thi sĩ Vương Xương Linh. Tác phẩm được khảm bằng gốm sứ, hết sức công phu, tỉ mỉ

Hiện nay, di tích khu mộ dù được tu sửa, trở nên khang trang nhưng vẫn giữ được nét cổ kính xưa của khu mộ cổ gần 200 năm tuổi. Khu mộ trải rộng trên diện tích 6.300m2, bao gồm hai khu vực: Khu mộ họ Nguyễn (4.100m2) và Khu mộ họ Châu (2.200m2).

Hai khu vực này được nối liền bởi con đường nội bộ và cầu bêtông bắc ngang con rạch nhỏ.

Khu mộ họ Nguyễn hình chữ nhật, có tường bao quanh theo kiểu truyền thống, được gọi là “uynh thành”, kích thước 30,15m x 16,8m. Trước cửa khu mộ có 2 trụ hình vuông, cao 2,84m và ngang 1,1m. Mặt trước và sau có chữ Hán, 2 mặt bên được đắp hoa văn tinh xảo.

Bên cạnh hai mặt trụ chính còn có 2 trụ thấp hơn, cao khoảng 1,3m và bờ tường cao 0,5m, bề mặt rộng 0,75m, mỗi bên có 3 ngôi mộ nhỏ.

Bên trong khu mộ có 3 ngôi mộ lớn, một số mộ gió và ngôi miếu Hậu thổ. Từ cổng vào trong là mộ Thượng đạo Cai đội họ Nguyễn (nằm bên trái cổng), tiếp đến là bình phong tiền, mộ bà Nguyễn Thị Tuyết (mẹ ông Thoại Ngọc Hầu) và bà Nguyễn Thị Định (con ruột bà Tuyết). Góc trái khu mộ là miếu Thổ Thần và cuối cùng là bình phong hậu.

Khu mộ họ Châu cũng có kiến trúc xây dựng tương tự với kích thước 16,82m x 15,25m. Từ đó có thể khẳng định cả 2 khu mộ đều được Thoại Ngọc Hầu xây trong cùng một thời gian. Bên trong khu mộ họ Châu có 2 phần, một của ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán cùng một miếu Hậu thổ.

Hiện nay, họ Châu vẫn được con cháu cúng tế vì hậu duệ họ Châu còn sinh sống tại đây.  Được biết, lễ giỗ được tổ chức vào ngày 7 -7 (âm lịch) hàng năm.

Là người dân địa phương, sinh ra và lớn lên tại vùng đất cù lao Dài, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Vũng Liêm - Huỳnh Tấn Đức cho biết, theo sử sách địa phương, ông Thoại Ngọc Hầu trước kia lập ra 5 thôn gồm: Phú Thái, Phước Khánh, Thái Bình, Thanh Lương và Bình Thạnh tại cù lao Dài. Bên cạnh đó, ông Thoại Ngọc Hầu và bà Châu Thị Vĩnh Tế còn dẫn dắt dân binh trấn Vĩnh Thanh xưa đào kênh trị thủy, mở rộng vùng đất Phương Nam như ngày nay.

“Người đời còn ca tụng bà Châu Thị Vĩnh Tế  là “Nước Nam gái sắc trai tài, gương bà Châu Thị lưu đời ngàn năm”. Lúc còn sống, ông bà được vua đặt cho tên sông, tên núi. Tuy nhiên, nếu không có sự hy sinh của người mẹ thì có lẽ sẽ không có ông Thoại sau này.

Bà Tuyết vì tương lai của các con mà rời xa quê hương, xuôi thuyền về phương Nam đến định cư ở đây. Chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn di tích, nhớ ơn và tôn vinh công lao các bậc tiền nhân có công khai hoang vùng đất này” - ông Huỳnh Tấn Đức chia sẻ.

Sắc phong của vua Minh Mệnh ban cho bà Nguyễn Thị Tuyết năm 1822. Bà được truy tặng danh hiệu “Thục Nhân” - danh hiệu lớn thứ 2 trong hệ thống phong tặng danh hiệu cho phụ nữ lúc bấy giờ

Trải qua gần 200 năm, Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu vẫn hiên ngang như một minh chứng cho giá trị lịch sử, văn hóa vô giá. Vùng đất có bề dày lịch sử này không chỉ là nơi an nghỉ cuối cùng của người thân vị quan triều Nguyễn mà còn mang đậm dấu ấn và sự nghiệp hiển hách của Thoại Ngọc Hầu - người được ca tụng là “danh thần mở cõi”, có công lao to lớn trong việc khai khẩn và phát triển vùng đất Nam bộ trước kia./.

Ông Nguyễn Văn Thoại sinh năm 1761 tại làng An Hải, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, chúa Nguyễn tiếp tục chiêu mộ lưu dân từ nhiều nơi đến phương Nam khai hoang, lập ấp. Năm 1776, bà Nguyễn Thị Tuyết đưa các con xuống thuyền vào Nam, sau nhiều ngày rẻ vào dòng Cửu Long, cập bến ở cù lao Dài. Từ đó, Nguyễn Văn Thoại lớn lên và đi học ở trường làng, trưởng thành tham gia việc nước và trở thành một bậc khai quốc công thần triều Nguyễn. Ông là người có công lao trong khai hoang, lập ấp và giữ gìn biên giới Tây Nam. Những công trình gắn liền với tên tuổi ông như kênh Long Xuyên - Rạch Giá (kênh Thoại Hà), kênh Châu Đốc - Hà Tiên (kênh Vĩnh Tế),... đến nay vẫn còn giá trị vô cùng to lớn trong quốc phòng, an ninh, thông thương, vận tải, dẫn nước ngọt,...

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết