Tiếng Việt | English

16/10/2017 - 09:07

Muốn bán được hàng hóa nông sản, phải biết cách "chào mời"

Kinh tế hàng hóa ở bước phát triển cao đó là kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế ấy, mục đích của nhà sản xuất là để bán nhằm thu lại giá trị đầu tư và lợi nhuận. Điều này gắn liền với cách thức chào mời trong buôn bán. Với phương thức kinh doanh truyền thống đã vậy thì kinh doanh trong thời hiện đại, hội nhập càng phải đề cao hoạt động xúc tiến thương mại. Đó là tăng cường hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ.

Tỉnh Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông sản phong phú, nổi tiếng, nhất là gạo, thanh long, khóm, chanh, thủy sản,... Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi liền với các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, Long An rất quan tâm công tác xúc tiến thương mại. Công tác này được tỉnh tổ chức bằng nhiều hình thức: Từ tham gia các hội chợ, trưng bày, giới thiệu, triển lãm hàng hóa trong tỉnh, trong nước và ở nước ngoài; thông qua các đoàn công tác ra nước ngoài và đón các đoàn nước ngoài đến tỉnh; qua việc tiếp cận cán bộ làm công tác ngoại giao trong nước, tiếp xúc, làm việc với các cơ quan ngoại giao, kinh tế, doanh nghiệp của nước ngoài. Gần đây, Long An tổ chức nhiều đoàn cán bộ đi nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ và ký kết tuyên bố chung, cam kết, ghi nhớ hợp tác.

Mới đây, với sự kiện thanh long Châu Thành được xuất khẩu vào thị trường Úc là một tin vui, mở ra triển vọng cho sản phẩm này thâm nhập vào các thị trường khó tính khác. Ngoài ra, hạt gạo Long An còn có mặt ở thị trường nhiều nước, mở thêm đầu ra cho vùng nguyên liệu thanh long, gạo cho tỉnh. Đó chỉ là bước khởi đầu, chúng ta phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, đóng gói, mẫu mã, bao bì, bảo quản theo tiêu chuẩn của các thị trường mới nâng được giá trị kinh tế, thương hiệu.

Để làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tỉnh cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, nhất là thị trường tiêu thụ nông sản. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường hàng hóa, dịch vụ, theo dõi chặt chẽ tình hình tiêu thụ nông sản nhằm kịp thời hỗ trợ, khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Phát triển mạnh cánh đồng lớn, mô hình liên kết 4 nhà, hợp tác xã để tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Nông dân cần tích cực tham gia Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh về chất lượng, chủng loại, an toàn thực phẩm, giá thành,... Có thế mới hỗ trợ tích cực công tác xúc tiến thương mại.

Trên thương trường, mỗi nông dân, hộ sản xuất, đơn vị sản xuất và các ngành chức năng phải gắn kết với nhau, kết hợp chặt chẽ giữa khâu sản xuất và xúc tiến thương mại. Muốn bán được hàng hóa, nông sản, phải biết cách chào mời./. 

Kim Quy

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích