Bộ Chính trị khóa X có Quyết định số 158-QĐ/TW, ngày 12-5-2008 về ban hành Quy chế chất vấn trong Đảng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành Hướng dẫn số 07-HD/UBKTTW, ngày 30-7-2012 về thực hiện chất vấn của cấp ủy viên tại các kỳ họp của Ban chấp hành Đảng bộ các cấp.
Thời gian qua, nhiều tổ chức cơ sở Đảng triển khai thực hiện quy chế, bước đầu đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, gần đây, chất vấn trong Đảng, nhất là trong sinh hoạt cấp ủy cơ sở được thể hiện nhưng thiếu thường xuyên, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng; tình trạng ngại hỏi, ngại tham gia để làm rõ nội dung trong sinh hoạt của cấp ủy viên còn phổ biến, đa số thống nhất nội dung đã được ban thường vụ hoặc bí thư cấp ủy chuẩn bị nên nghị quyết của cấp ủy định kỳ vẫn theo khuôn mẫu và sau khi có nghị quyết, việc tổ chức thực hiện đôi lúc kết quả chưa cao,... Vì vậy, phải nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn trong sinh hoạt Đảng.
Trước hết, ban chấp hành chi bộ, đảng bộ cơ sở quán triệt kỹ nội dung, phương pháp chất vấn trong sinh hoạt cấp ủy và thực hiện đồng bộ một số giải pháp thiết yếu, phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng đơn vị để bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu cấp bách đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Thứ hai, cấp ủy cơ sở phải thường xuyên bồi dưỡng nhận thức cho từng cấp ủy viên; tập thể cấp ủy cần quan tâm đến nội dung chất vấn trong sinh hoạt định kỳ cũng như đột xuất, cần được bàn, thống nhất để thực hiện sát tình hình cụ thể ở từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng. Đồng thời, bí thư cấp ủy, cấp ủy viên là cán bộ lãnh đạo phải biết cách lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư của đảng viên và tìm cách giải quyết nguyện vọng, đề xuất chính đáng của họ một cách thấu tình, đạt lý.
Thứ ba, người chất vấn cũng cần lưu tâm đến cách hỏi, đặt vấn đề như thế nào để cấp ủy và từng thành viên trong cấp ủy nhận thấy được nội dung và cách hỏi là có trách nhiệm, với tinh thần xây dựng; trong sinh hoạt cấp ủy, kiên quyết tránh xu hướng hỏi theo kiểu đánh đố hoặc qua hỏi để chỉ trích nhau,.../.
Đoàn Xê