Tiếng Việt | English

23/04/2016 - 22:41

Nắng tháng tư

Chị Liên quày quả vô nhà, lấy cái nón lá quạt phành phạch. Nắng gì mà nắng dữ vậy nè! Ở đây hơn 40 năm chị mới thấy năm nay thời tiết khắc nghiệt đến vậy. Ruộng đồng thiếu nước, khô nứt nẻ. Mà nói chi đến cây cối, con người còn thiếu nước ngọt để xài thì lấy đâu đủ cho lúa, cho cây? Bao đời nay, vụ Đông Xuân coi như ăn chắc vậy mà năm nay khô hạn, nước mặn, nhiều đám lúa coi như mất trắng. Xót! Xót đến quặn lòng.

Hồi sáng, trên xã có xuống đi thực tế, nói Nhà nước xem xét hỗ trợ dân mình một ít. Ai cũng mừng, mừng vì được Nhà nước quan tâm, vì giữa lúc này, 1 đồng, 2 đồng cũng quý... Hôm qua, nghe xã báo xả đập cứu lúa, chị lật đật qua nhà ông ba coi sao để còn kịp lấy nước vô ruộng. Ruộng ông ba sát đám ruộng nhà chị, 2 người lấy nước một lượt cho tiện.

Minh họa: Thiện Mỹ

Tiếc đám lúa hùi hụi mà không biết làm sao, thôi thì ráng lấy nước cứu lúa, được phần nào hay phần đó. Đám ruộng chị còn đỡ chứ đám nhà chị hai coi như mất trắng. Ông bà ta nói “Nghèo còn mắc cái eo”, mất mùa, chị hai lấy gì lo cho tụi nhỏ. Không khéo, con Hường, con Nụ lại phải nghỉ học. Thằng Tí năm trước cũng bỏ không thi đại học. Tội nghiệp, thằng nhỏ học giỏi nhất xóm, năm nào cũng được lãnh thưởng, được học bổng. Nó nói thích học Nông lâm để sao này giúp bà con mình ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nghe thằng nhỏ nói thấy mà thương, vậy mà nó bỏ, không thi.

Chị Liên biết được, khuyên can hết sức, nó nói, sang năm sẽ ôn thi lại, còn năm nay tranh thủ làm kiếm tiền phụ mẹ với để dành sang năm có tiền đóng học phí. Vậy mà năm nay hạn hán, mất mùa không biết thằng nhỏ chịu đi thi không hay thương mẹ lại ở nhà lo kiếm tiền. Chị Liên dự định, thôi thì mình khó còn có người khó hơn nên chị định đem hết số tiền hỗ trợ tặng lại chị hai. Dù gì đám ruộng nhà chị cũng còn vớt vát được 30%, còn đám nhà chị hai coi như mất trắng. Với lại, chị hai còn 3 đứa con, còn chị một thân, một mình sống sao cũng được.

Chị Liên về làm dâu xứ này ngót nghét 40 năm, bà con xóm trên, xóm dưới chị quen mặt hết. Hồi đó, ba mẹ chồng cho mấy công ruộng, vợ chồng làm ăn, tích cóp, chị mua thêm cả mẫu. 2 đứa con của chị cũng lớn lên từ miếng vườn, miếng ruộng này. Để có tiền cho con ăn học, nhiều lúc khó khăn quá, anh định bán ruộng nhưng chị cản, nông dân mà bán ruộng thì coi như hết, lấy gì lo cái ăn. Chịu khổ bao nhiêu cũng được chị ráng giữ lại đám ruộng kiếm cái ăn cho cả nhà.

Được cái, 2 thằng con chị ngoan ngoãn, chịu thương, chịu khó y như cha mẹ nó nên nó vừa học vừa tranh thủ làm thêm để trang trải cuộc sống. Khi nào khó khăn lắm mới xin tiền cha mẹ. Anh chị tằn tiện, cứ mỗi mùa lúa mua năm ba chỉ vàng để dành. Mấy chục mùa lúa, vàng cũng kha khá. Tụi nhỏ tốt nghiệp, ở lại thành phố làm việc, anh chị gom hết tiền, vàng mua cho con căn nhà nho nhỏ. Vậy mà chưa kịp hưởng niềm vui, hạnh phúc với con, anh đột ngột ra đi… Bao nhiêu năm tháng dầm mưa, dãi nắng quần quật ngoài đồng không sao, đến khi mắc cảm lạnh, ông lại đi, nhẹ nhàng như lời ông từng nói: Ai rồi cũng phải về với cát bụi…

Còn lại một mình nhưng chị cũng quyết không bỏ ruộng. Bao đời nay, gia đình chị gắn bó với ruộng đồng, giờ bỏ đi sao đành, thế nên, hết mùa này đến mùa khác, chị lại quần quật ngoài đồng. Nhiều người nói con cái thành đạt cần gì làm nhiều, vậy mà chị vẫn cứ làm, làm có phải cho cho chị đâu… Từ ngày anh mất, làm ra đồng nào, chị đóng góp từ thiện đồng đó, chỉ để lại một ít trang trải cuộc sống cá nhân. Có người nói chị “hâm”, có người nói “bao đồng”, ai nói gì chị cũng cười “Làm được thì ráng làm, mình hổng cần thì người khác cần”. Cứ thế sau mỗi vụ mùa, chị lại rong ruổi theo các chuyến từ thiện, rồi lại làm, rồi lại đi…

Tụi nhỏ bây giờ giỏi thiệt, như 2 đứa con chị, từ ngôi nhà nhỏ cha mẹ mua ban đầu, tụi nó làm lụng, ky cóp đổi căn nhà lớn hơn, mua xe hơi. Thằng lớn giờ mở công ty riêng chuyên sản xuất nhựa. Thằng nhỏ làm cho công ty nước ngoài. Ai cũng nói chị có phước, con cái thành đạt, vậy mà không hưởng phước, cứ thích chuyện “bao đồng”, chị lại cười

Hôm rồi ra ruộng, chị trật chân, vậy mà phải băng bột gần 2 tháng. Thằng lớn nhất quyết đón mẹ lên thành phố. Chị lên năm ba ngày rồi lại về vì nhớ ruộng đồng quá, chịu không nổi. Thấy vậy, thằng nhỏ lại rước mẹ lên ở với gia đình nó. Thương con, chị theo nhưng lần này cũng đúng 1 tuần chị lại quay về “Đi hoài, ai nhang khói cho ổng!”.

Năm nay, hạn nặng, bà con mất mùa. Mấy lần về quê thấy mẹ phải đi đổi từng thùng nước ngọt, thằng con xót nhưng thuyết phục mãi, chị vẫn không theo con. Mấy hôm trước, chị bị cảm nắng, nằm cả tuần, nhờ có chị hai, thằng Tí, con Hường qua lại chăm sóc chị mới đỡ nhưng xem ra còn xanh xao lắm! Thằng con biết được, nhất quyết rước mẹ lên thành phố, lần này nó nói mẹ không đi, nó bỏ việc về chăm sóc mẹ. Chị lo tương lai của con nên ừ hử.

Hồi sáng, sau khi trên xã xuống xem xét hỗ trợ, thằng con điện về nói mai sẽ về rước mẹ, chị buồn rười rượi. Chị cũng tính rồi, nếu đi, chị để đám ruộng lại cho chị hai canh tác, có đồng ra, đồng vô nuôi mấy đứa nhỏ. Còn cái nhà thì thằng Tí, con Hường rảnh rỗi chạy qua coi chừng. Chị rước anh lên đó luôn, chứ để dưới này ai nhang khói…

Rằm, trăng vằng vặc, chị Liên trải tấm đệm ra sân, thằng con xách cái gối chạy theo như thời còn nhỏ. Mùa này, ra ngoài còn có chút gió chứ ở trong nhà nóng không chịu nổi. Chị kể nó nghe chuyện ngày xưa, nó loắt choắt theo mẹ đi mót lúa, lặt khoai. Chính hạt lúa, củ khoai nơi đây nuôi anh em nó khôn lớn. Mắt thằng nhỏ ươn ướt… Chị nói chị không thể xa quê, nơi có quá nhiều kỷ niệm, nơi ông bà và cả cha nó còn nằm lại, cần có người chăm sóc phần mộ. Với chị, quê hương rất thiêng liêng, nếu một ngày buộc phải rời xa chắc chị phải sống cuộc đời không còn là của chị nữa.

Sáng hôm sau, chiếc xe hơi nổ máy, chị lúi cúi nào gà, nào vịt, thêm bao gạo, mấy củ khoai, mớ rau vườn… rồi vẫy tay chào con. Thằng con chạy xuống ôm mẹ “Mỗi tuần con sẽ về với mẹ, với quê hương mình”. Mắt chị cay cay, thằng nhỏ đi xa rồi mà chị vẫn đứng đó nhìn ra phía cánh đồng khô cằn, nứt nẻ… Rồi mưa sẽ đến và nước ngọt sẽ về…/.

Tuyết Nhi

Chia sẻ bài viết