Tiếng Việt | English

16/04/2021 - 03:30

Người mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào trồng chanh

Những năm gần đây, chanh được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Từ cây chanh, nhiều hộ dân trở thành triệu phú, không ít người còn là tỉ phú. Đặc biệt, nông dân trồng chanh dần chuyển hướng ứng dụng công nghệ cao vào canh tác nhằm cung ứng nông sản bảo đảm chất lượng cho thị trường xuất khẩu. Trong đó, anh Trần Duy Thuận - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức (ấp 6A, xã Lương Hòa), là người tiên phong cơ giới hóa trồng chanh trong nhiều công đoạn như tưới, phun thuốc và đầu tư dây chuyền sơ chế, phân loại chanh.

Anh Trần Duy Thuận - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức, tiên phong cơ giới hóa trồng chanh

Anh Trần Duy Thuận - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức, tiên phong cơ giới hóa trồng chanh

 

Việc cơ giới hóa nhiều công đoạn trồng chanh mang lại hiệu quả trong sản xuất, giúp tiết kiệm công lao động và tăng năng suất chanh. Việc đưa phân bón vào hệ thống tưới tự động cho từng gốc chanh đã tiết kiệm được 30% công lao động, 70-75% công tưới nước, bón phân, tiết kiệm 40-50% lượng nước tưới; giảm các chất độc hại có trong đất, giúp cây phát triển tốt. Đặc biệt, mô hình này còn giúp nông dân sản xuất hiệu quả trên các vùng đất thiếu nguồn nước tưới. Để ứng phó với hạn và xâm nhập mặn, anh Thuận không phun thuốc diệt cỏ xung quanh cây chanh mà để cỏ phát triển tự nhiên nhằm giữ nước, giữ ẩm gốc chanh và giữ phân bón. Biện pháp này giúp HTX tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 20 triệu đồng/ha trong mùa hạn, mặn.

Năm 2020, anh Thuận đầu tư dây chuyền sơ chế và phân loại chanh. Máy có công suất 40 tấn/ngày với nhiều công đoạn liên kết với nhau như rửa, lau bóng, làm khô và sau cùng là phân loại theo kích cỡ. Nhờ có dây chuyền này mà chanh sau phân loại đạt tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. So với phân loại chanh thủ công, máy cho năng suất cao hơn 2-3 lần, tiết kiệm được chi phí nhân công. Sau khi có máy phân loại chanh, anh Thuận mạnh dạn liên kết với nhiều doanh nghiệp để tiêu thụ chanh của các thành viên trong HTX và các HTX khác như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Lương Bình, HTX Nông nghiệp Thạnh Hòa,... Bình quân mỗi ngày, HTX sơ chế, phân loại, đóng gói theo hình thức ủy thác từ 20-25 tấn chanh.

Hiện nay, HTX của anh Thuận có khoảng 50ha trồng chanh, trong đó có khoảng 10ha chanh bông tím và khoảng 40ha chanh không hạt. HTX tạo việc làm cho khoảng 50 lao động các khâu chuyên chở, sơ chế, đóng gói,... với thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Dù là mùa mưa hay nắng hạn, cánh đồng chanh của anh Thuận vẫn xanh tốt và trĩu quả. Sản phẩm chanh của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Trung Đông, Singapo. Đây là minh chứng cho hiệu quả từ sự đổi mới tư duy của anh Trần Duy Thuận trong sản xuất chanh.

Việt Hằng - Lê Hạnh

Chia sẻ bài viết