Tiếng Việt | English

05/05/2024 - 14:56

Những người thợ sửa giày bên hè phố 

Giữa cuộc sống hiện đại và đầy đủ tiện nghi hiện nay, những đôi giày, dép hư hỏng dễ dàng thay thế bằng những đôi giày dép mới. Tuy nhiên, trên những con đường, góc phố giữa lòng TP.Tân An, tỉnh Long An vẫn có những người thợ gắn bó với nghề làm mới lại những đôi giày, dép hư hỏng.

Nằm nép mình bên con đường Võ Văn Tần, phường 2, TP.Tân An, chiếc tủ nhỏ chứa lỉnh kỉnh đồ nghề cùng vài ba cái ghế, ông Trương Hùng (60 tuổi) có thâm niên gắn bó với nghề sửa giày dép gần 20 năm qua

 Trước khi đến với nghề sửa giày, ông Hùng từng sở hữu 1 cửa hàng giày dép. Tuy nhiên, do kinh doanh thất bại, sau này, ông chuyển sang nghề sửa dày và gắn bó đến nay

Không cửa tiệm, bảng hiệu chỉ là tấm decal nhỏ gắn trước tủ nhưng điểm sửa giày, dép của ông Hùng được rất nhiều người biết đến, nhiều khách hàng từ các huyện thậm chí còn gửi giày lên để cho ông sửa

 Theo ông Hùng, nghề sửa giày, dép đòi hỏi sự chính xác cao. Người thợ phải thật tỉ mỉ, cẩn thận và có tâm huyết mới có thể gắn bó với nghề

Hộp đồ nghề đã gắn bó với ông Hùng trong suốt gần 20 năm qua

Để sửa được đôi giày đẹp, người thợ sửa dày phải chuẩn bị nhiều cây giữ phom bảo đảm mỗi size giày khi nhận sửa đều giữ được phom giày

 Theo thời gian, đôi bàn tay ông Hùng đầy những vết thô ráp vì thường xuyên tiếp xúc với kim, kiềm, keo, đục trong quá trình sửa chữa giày, dép

Sau khi sửa xong, ông Hùng cẩn thận kiểm tra lại đôi giày, bỏ trong túi nylon sạch sẽ trước khi bàn giao lại cho khách

Ông Thành – anh vợ ông Hùng cũng trở thành thợ sửa giày, dép 5 năm qua sau thời gian ra phụ ông Hùng sửa giày và học nghề

Ông Thành cho biết: “Nếu thoạt nhìn, nghề sửa dày trông khá đơn giản. Tuy nhiên, để sửa được đôi giày đẹp, hài lòng khách hàng cũng lắm kỳ công, yêu cầu độ chính xác cao”

Các chi tiết lỗi, hư hỏng của giày, dép đều phải sửa thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ

“Khi sửa giày, cũng cần giữ tâm trạng thoải mái thì đường may, mũi kim mới đều, thẳng hàng và đẹp”, ông Hùng cười nói

Theo ông Hùng, giày sau khi sửa xong phải không để lại dấu tích nào. Do đó, người thợ thật sự phải có tay nghề cao và có tâm với nghề mới gắn bó lâu dài được với công việc

Giữa cuộc sống hiện đại và đầy đủ tiện nghi hiện nay, những đôi giày, dép hư hỏng dễ dàng thay thế bằng những đôi giày dép mới với đầy đủ mẫu mã, kiểu dáng. Tuy nhiên cũng có không ít người lựa chọn việc sửa chữa nhất là những đôi giày đắt tiền

 Hiện nay, còn ít người theo nghề sửa chữa giày, dép, nhưng với những người như ông Hùng, ông Thành vẫn gắn bó với nghề, cần mẫn theo từng đường kim, mũi chỉ để làm mới lại những đôi giày. Đây cũng là công việc mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Hùng, ông Thành

Kiên Định – Võ Thành Nguyễn

Chia sẻ bài viết