Tiếng Việt | English

27/04/2022 - 14:25

Phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 27/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ hai của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số. Phiên họp được tổ chức bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tại điểm cầu Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh - Phạm Tấn Hoà chủ trì hội nghị.

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Long An

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Nhân dân cũng rất quan tâm vấn đề này vì chuyển đổi số tác động toàn dân.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia với 3 mục tiêu chính: Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số rất nặng nề, vì vậy Thủ tướng yêu cầu Ủy ban phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; đồng thời tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu cần rà soát lại thể chế vì đây là 1 trong 3 đột phá việc cụ thể hoá thể chế; bổ sung, hoàn thiện thể chế phải có hạ tầng công nghệ, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển công nghệ số, ứng dụng công nghệ số; phải huy động được nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, huy động sự đóng góp của người dân. Thủ tướng nhấn mạnh cần phải quản trị như thế nào để chuyển đổi số vừa hiện đại, vừa phù hợp tình hình, nền kinh tế, năng lực; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng đề nghị Ủy ban tập trung làm một số việc. Đó là rà soát thể chế, tháo gỡ vướng mắc cũng như hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số; đầu tư công nghệ, hạ tầng để phát triển chuyển đổi số, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin; huy động nguồn lực, trong đó thúc đẩy hợp tác công-tư, huy động sự đóng góp của người dân; có cơ chế chính sách phù hợp với cơ chế chung nhưng cũng có những ưu tiên để tạo ra động lực phát triển nhanh chuyển đổi số; đổi mới quản trị theo hướng hiện đại để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số; và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý chuyển đổi số gắn với đầu tư, nâng cấp hạ tầng, công nghệ, dễ xuất hiện tiêu cực, do đó cần thường xuyên kiểm tra, giám sát; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm liên quan đến quá trình chuyển đổi số.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Huy Dũng cho biết, thời gian qua, chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét. 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban (có 6 địa phương do Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo là Bến Tre, Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Lào Cai, Bình Định).

Tốc độ truy cập mạng băng rộng ở Việt Nam quí I/2022 được cải thiện so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là chỉ số tải xuống ở mạng di động băng rộng tăng khoảng 26%, ở mạng cố định băng rộng tăng khoảng 44%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 85,08%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,8%.

Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, là điều kiện tiên quyết để triển khai Chính phủ số. Trong đó, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 23 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; trên 4,5 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 3,2 triệu dữ liệu đăng ký khai tử. Tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3% (chiếm 52,33% tổng số thủ tục hành chính); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 17,17%, tương đương quí I/2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 24,75%, tăng 8,82% so với quí I/2021.

Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp với 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp truy cập thuận tiện (một cửa) đến dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước các cấp. Trong quí I/2022, cổng đã có trên 167.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 332.000 lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 510.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng; trên 163.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 366 tỉ đồng.

Doanh thu kinh tế số quí I/2022 đạt khoảng 53 tỉ USD. Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tăng 500 doanh nghiệp so với năm 2021.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, có hiệu quả. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp,…

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban đã thảo luận về nội dung báo cáo tình hình triển khai chuyển đổi số quí I/2022 và thông tin những nhiệm vụ đã đạt được của các bộ, ngành, đồng thời đề xuất các kiến nghị, giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong thời gian tới./.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết