Tiếng Việt | English

07/10/2024 - 08:28

Sức mạnh từ 'dân vận khéo'

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặt công tác dân vận ở tầm chiến lược. Thực tiễn công tác dân vận 94 năm qua là minh chứng khẳng định lời dạy sâu sắc của Người: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(1).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác vận động quần chúng. Theo Người, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì quý bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, “Có dân là có tất cả”. Câu nói ngắn gọn, mộc mạc của Người nhưng chứa đựng tư tưởng lớn “Dân là gốc nước”.

Ý chí, sức mạnh của lòng dân kết hợp đường lối lãnh đạo đúng đắn chính là thành lũy để giữ nước, do vậy, Đảng cần phải làm thật tốt công tác dân vận. Những chỉ dẫn quan trọng của Người là cơ sở, “kim chỉ nam” cho công tác dân vận của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định những nội dung cơ bản nhất của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của dân tộc và nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân, đề ra sách lược thu hút, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân làm thành lực lượng cách mạng đi theo lá cờ tiên phong của Đảng.

Cách đây 75 năm, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở vào giai đoạn cam go, quyết liệt nhất, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Dân vận, đăng trên Báo Sự Thật, số ra ngày 15/10/1949. Tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắn gọn, súc tích và hàm chứa cô đọng tư tưởng của Người về công tác dân vận, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc; trong đó, Người khẳng định bản chất của “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2).

Thấm nhuần lời của cổ nhân “chở thuyền cũng là dân”, “lật thuyền cũng là dân”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, muốn tuyên truyền, vận động và phát huy nguồn sức mạnh nội lực của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và cả hệ thống chính trị phải gắn bó mật thiết với Nhân dân; phải làm tốt công tác dân vận. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thường xuyên “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”(3).

Theo Người, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dù đúng đắn nhưng nếu không được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân thì rất khó đi vào hiện thực cuộc sống; cho nên, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gần dân, hết lòng yêu dân, kính dân, hiểu dân, “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(4).

Gần 40 năm đổi mới, công tác dân vận của hệ thống chính trị góp phần rất quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Thời gian qua, Đảng ban hành nhiều văn bản quan trọng lãnh, chỉ đạo công tác dân vận, chú trọng các vấn đề: Quyền làm chủ của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp; dân chủ ở cơ sở; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; công tác dân tộc, tôn giáo; quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; phát huy vai trò nhân dân tham gia góp ý, giám sát, phản biện góp phần xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng, chỉnh đốn Đảng,... tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước ngành Dân vận, được cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hàng ngàn mô hình, điển hình, kinh nghiệm hay trong công tác vận động nhân dân.

Công tác dân vận gắn liền với thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần thiết thực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, nêu gương của cán bộ, đảng viên,...

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ.

Nghị quyết cũng xác định rõ: Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận.

Tuy nhiên, công tác dân vận vẫn còn những hạn chế, tồn tại, đó là quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi bị vi phạm, tệ nạn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, nhất là “tham nhũng vặt” vẫn còn không ít ở địa phương, cơ sở đã làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở chưa được đào tạo bài bản; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống;...

Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, các cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tăng cường quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng về vai trò của nhân dân, dân vận và công tác dân vận.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận theo hướng sát cơ sở, thực chất, hiệu quả.

Thứ ba, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thứ tư, tiếp tục rà soát và phân công, bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn cao phụ trách công tác dân vận.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân.

Thứ sáu, cán bộ dân vận phải có trí tuệ; phải có uy tín, giỏi tuyên truyền, thuyết phục; phải có tác phong quần chúng, nêu gương.

Thứ bảy, thực hiện tốt công tác khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác dân vận./.

'Dân vận khéo' trong công tác Hội Chữ thập đỏ

'Dân vận khéo' trong công tác Hội Chữ thập đỏ 

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ từ tỉnh đến cơ sở đều chú trọng công tác dân vận trong hoạt động nhân đạo, từ thiện. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp.

Nguyễn Thanh Hoàng

---------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 234.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5. tr. 326.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 65.

Chia sẻ bài viết