Tiếng Việt | English

03/01/2020 - 08:28

Quyết tâm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia

Kể từ ngày 01/01/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 đã chính thức có hiệu lực. Đây là luật mới, có nhiều điểm liên quan mật thiết với đời sống văn hóa - xã hội.

Đã từ lâu đời, uống rượu, bia trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người Việt. Rượu, bia luôn có mặt trong tập tục truyền thống: Lễ hỏi, cưới, giỗ, tết, tiệc, mừng công, chúc thọ,... Rượu là ghi thức xã giao, tạo không khí rôm rả, vui tươi trong các lễ hội, buổi tiệc.

Tuy nhiên, rượu, bia ngày càng bị lạm dụng. Người ta sử dụng rượu, bia mọi lúc, mọi nơi. Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu. Việc hiếu, việc hỷ đều nhậu. Khi nhậu thì lôi kéo, ép nhau uống tới say mới thể hiện nghĩa tình. Nhiều người nhậu không biết giới hạn, điểm dừng dẫn đến say xỉn, nát rượu. Từ nhậu nảy sinh biết bao điều phiền hà trong cuộc sống. Từ uống rượu, bia để mọi người thân tình, gần gũi nhau hơn đã dẫn đến tranh cãi, đánh nhau gây thương tích, mất an ninh, trật tự, thậm chí dẫn đến án mạng, tù tội...

Ở góc độ an toàn giao thông, từ “nam vô tửu như kỳ vô phong” đã dẫn đến mất an toàn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông: Nồng độ cồn trong máu cao, chạy xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ cho phép, không đội nón bảo hiểm, đua xe,... từ đó, gây tai nạn giao thông và nhiều hệ lụy khác. Khi tỉnh rượu thì đã muộn!

Hội nghị toàn quốc về tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2019 cung cấp thông tin năm 2019, toàn quốc xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 7.624 người, bị thương 13.624 người. Trên địa bàn tỉnh Long An, năm 2019 (từ ngày 15/12/2018 đến 14/12/2019), toàn tỉnh xảy ra 189 vụ TNGT làm chết 111 người, bị thương 160 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 4,6 tỉ đồng. Trong rất nhiều vụ TNGT, có nguyên nhân từ uống rượu, bia. Phía sau những vụ TNGT là những câu chuyện buồn, những gia đình tan nát, những cảnh đời bất hạnh và những thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, tình cảm,...

Do vậy, khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 ra đời và chính thức có hiệu lực, nhiều người rất đồng thuận. Luật này nghiêm cấm nhiều hành vi, từ xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, kể cả phương tiện thô sơ như xe đạp,...

Đã đến lúc thông điệp “uống rượu, bia thì không lái xe”, “không lái xe khi đã uống rượu, bia”, “say xỉn lái xe là tội ác”... trở thành nét văn hóa giao thông, chuẩn mực ứng xử của xã hội.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đã mở rộng phạm vi, đối tượng tác động, điều chỉnh. Luật nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, kể cả với người điều khiển xe đạp. Trong quá trình thi hành luật, lúc đầu vẫn khó khăn do liên quan trực tiếp đến nhiều người, nhất là việc sử dụng phương tiện cá nhân vẫn chủ yếu, trong khi văn hóa giao tiếp bằng bia, rượu khá phổ biến.

Trước đây, quy định đội nón bảo hiểm khi đi xe môtô, xe máy, xe đạp điện khi mới ra đời vẫn chưa được sự đồng thuận của nhiều người trong xã hội, nhưng qua công tác tuyên truyền, giáo dục kết hợp với xử lý răn đe, quy định trên đã từng bước đi vào đời sống, trở thành một thói quen tốt, bảo vệ sự an toàn cho người tham gia giao thông.

Tương tự, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào đời sống thì các cấp, các ngành, MTTQ và đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

“Tính mạng con người là trên hết”, vì “an toàn cho bạn và an toàn cho xã hội” nên mọi người cần phải chấp hành nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia./.

Tân An

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích