Tiếng Việt | English

13/12/2022 - 13:30

Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại

Thời gian qua, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh, các hành vi buôn lậu (BL), gian lận thương mại (GLTM), sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng được phát hiện, xử lý kịp thời, triệt phá nhiều đường dây BL quy mô lớn.

Phá nhiều đường dây buôn lậu

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, sau thời điểm mở lại các cửa khẩu, hoạt động BL qua biên giới trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng. Hàng hóa nhập lậu như đường cát, quần áo, giày dép, đồ sành sứ, gia dụng, hàng điện tử, điện lạnh qua sử dụng tuồn qua biên giới thuộc địa bàn huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường tăng, diễn biến phức tạp, nhất là mặt hàng đường cát.

Hàng loạt vụ vận chuyển, buôn lậu đường cát được phát hiện trong năm 2022

Trước tình hình đó, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các lực lượng, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn. Sau thời gian theo dõi, mật phục, ngày 29/6/2022, tại ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh triệt phá thành công đường dây BL đường cát quy mô lớn, bắt giữ 11 đối tượng liên quan. Tang vật thu giữ: 1.831 bao đường cát nhãn hiệu Thái Lan, tương đương trên 91 tấn, 8 xe ôtô tải, 1 xe ôtô loại 16 chỗ và 14 xe môtô cùng 1 phà gỗ.

Mở rộng điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế bắt thêm 4 đối tượng. Khám xét cơ sở sang chiết, đóng gói đường cát tại ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, lực lượng công an thu giữ thêm 105 tấn đường cát nhập lậu, 4 xe tải, 2 hệ thống băng chuyền, 1 bồn sang chiết, pha trộn và nhiều thiết bị đóng gói đường cát. Số đường cát bắt giữ trong vụ án trên có tổng trọng lượng 196,5 tấn, trị giá khoảng 3,5 tỉ đồng.

Tiếp đó, ngày 20/9/2022, lực lượng chống BL Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ phương tiện đang vận chuyển 3.769 chai rượu ngoại các loại trên địa bàn thị xã Kiến Tường, trị giá tang vật vi phạm trên 3 tỉ đồng.

Hội đồng tiêu hủy thuốc lá các huyện phối hợp Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tổ chức, giám sát tiêu hủy 648.811 gói thuốc lá điếu nhập lậu

Hoạt động BL, vận chuyển hàng cấm qua biên giới cũng có dấu hiệu diễn biến phức tạp trở lại tại một số địa bàn thuộc các huyện biên giới: Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng với mặt hàng chủ yếu là thuốc lá ngoại. Ngày 17/12/2021, tại khu vực ấp 4, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Đức Huệ bắt quả tang đối tượng Huỳnh Văn Thanh (47 tuổi, ngụ phường An Lạc, quận 11, TP.HCM) có hành vi BL, tang vật thu giữ: 39kg vàng, trên 1,5 tỉ đồng, 280.925 USD, tạm giữ 2 xe ôtô và 1 xe môtô. Ngày 23/9/2022, tại khu vực ấp 2, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, Công an huyện Đức Huệ bắt đối tượng Nguyễn Tấn Danh (34 tuổi, ngụ tỉnh Phú Yên) đang vận chuyển 11.000 gói thuốc lá ngoại, tạm giữ 1 xe ôtô. Thời gian qua, các lực lượng chức năng triệt phá thành công tụ điểm giao, nhận thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn huyện Đức Huệ, thu giữ 43.000 gói thuốc lá ngoại các loại.

Kiên quyết đấu tranh với hành vi gian lận thương mại

Trước tình hình giá cả thị trường có nhiều biến động kéo theo tình trạng GLTM, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng tăng so với trước đây, gây bức xúc trong dư luận. Năm 2022, các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 62 vụ về hàng giả, kém chất lượng, tăng 50% so với năm 2021. Trong đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, vi phạm về nhãn; sản xuất, kinh doanh phân bón không có giấy chứng nhận phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam; đồng thời, truy xuất nguồn gốc, xử lý nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón.

Đáng chú ý là vụ việc xử lý Công ty (Cty) TNHH Thương mại Hóa Nông Mùa Vàng và các Cty có liên quan về sản xuất, kinh doanh phân bón giả với tổng số tiền phạt 531 triệu đồng; vụ truy xuất, xử lý Cty Tân Trí Phát vi phạm về buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng với số tiền phạt 714,6 triệu đồng; vụ truy xuất, xử phạt vi phạm hành chính đối với chi nhánh của Cty Phân bón Năm Sao về sản xuất phân bón giả với số tiền phạt 130 triệu đồng. Ngoài xử lý vi phạm hành chính, Cục Quản lý thị trường tỉnh còn chuyển cơ quan Công an huyện Đức Huệ và Công an huyện Thủ Thừa xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự 2 vụ kinh doanh phân bón giả.

Ngoài mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian qua, do nguồn cung xăng, dầu hạn chế, có dấu hiệu khan hiếm, chiết khấu thấp kéo dài dẫn đến nhiều doanh nghiệp, cửa hàng giảm thời gian bán hàng, tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Tuy nhiên, qua công tác quản lý, giám sát chặt chẽ của các lực lượng chức năng và sự hỗ trợ duy trì nguồn hàng thường xuyên từ các doanh nghiệp cung ứng xăng, dầu đầu mối nên nguồn xăng, dầu trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn duy trì, bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Qua công tác kiểm tra, giám sát, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện cửa hàng kinh doanh xăng, dầu có hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh - Nguyễn Văn Út, năm 2023, giá cả hàng hóa và nguồn cung một số mặt hàng nhập khẩu như xăng, dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tiếp tục có nhiều biến động, ảnh hưởng đến thị trường. Vì vậy, các ngành chức năng có liên quan và địa phương phải xác định công tác đấu tranh, phòng, chống BL, GLTM và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và kiên quyết thực hiện, không có vùng cấm. "Trong đó, các sở, ngành, địa phương chủ động đánh giá đúng, sát thực trạng, tình hình, nhận diện, chỉ rõ những vấn đề nổi cộm, phức tạp về đối tượng, luồng, tuyến, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, phương thức, thủ đoạn mới về BL, GLTM và hàng giả nhằm kịp thời tham mưu, đề xuất, xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh, kiểm tra, điều tra xác minh và tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đúng đối tượng chủ mưu cầm đầu, đường dây, ổ, nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe, phòng ngừa chung" - ông Nguyễn Văn Út nhấn mạnh./.

Năm 2022, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thanh, kiểm tra 4.956 lượt, qua đó phát hiện, xử lý 3.529 trường hợp vi phạm.

Các hành vi vi phạm chủ yếu: 687 trường hợp buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu; 36 trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng; 26 trường hợp kinh doanh phân bón giả; 4 trường hợp giả nhãn hiệu; 2.506 trường hợp vi phạm trong hoạt động thường mại, thuế, hải quan, thu nộp ngân sách, số tiền trên 88 tỉ đồng.

Hàng hóa tịch thu, gồm: 1.170.200 gói thuốc lá ngoại, 252 tấn đường cát, 39kg vàng, 280.925 USD, 6,2 tấn đồ gốm sứ các loại, 145 chai thuốc bảo vệ thực vật 24D, 4.041 chai rượu ngoại và nhiều hàng hóa khác.

Cơ quan điều tra khởi tố điều tra 67 vụ/57 đối tượng có hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu và kinh doanh hàng giả.

Nhật Minh

Chia sẻ bài viết