Tiếng Việt | English

25/02/2019 - 09:56

Tập trung phòng, chống dịch bệnh

Năm 2018, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 4,88%, trong đó lĩnh vực thủy sản tăng cao nhất, đạt 6,32%. Kết quả này góp phần tích cực phát triển KT-XH, nâng cao mức sống nông dân, động viên người dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất,...

Hiện nay, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp một số khó khăn, vụ Đông Xuân 2018-2019 đến mùa thu hoạch nhưng giá lúa thấp; cây mía cũng chung “cảnh ngộ” khi không tiêu thụ được, một số hộ phải chặt phá, đốt bỏ để vệ sinh đồng ruộng. Trong hoàn cảnh đó, ngành nông nghiệp và nông dân đang kỳ vọng vào lĩnh vực chăn nuôi. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GS, GC), đặc biệt là bệnh lở mồm long móng trên heo đang xảy ra tại một số tỉnh lân cận có nguy cơ lây lan, đòi hỏi ngành chức năng và người chăn nuôi phải chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, phát sinh gây tác hại cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường công tác quản lý, giám sát dịch bệnh, đôn đốc, chỉ đạo chính quyền cơ sở và người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trước hết, chính quyền, ngành chức năng chú trọng thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống; các cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm động vật; các cơ sở chăn nuôi để xử lý các trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thú y. Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống để người dân tích cực tham gia như thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, chủ động tiêm phòng cho vật nuôi. 

Về phía các hộ chăn nuôi, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đàn GS, GC, bảo vệ kinh tế chính của gia đình, cần chủ động tiêm phòng và phối hợp ngành chức năng để bảo vệ đàn vật nuôi, tránh nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh; không bán GS, GC mắc bệnh, không vứt xác GS, GC mắc bệnh bừa bãi ra môi trường. Khi phát hiện GS, GC bệnh, chết bất thường hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phải báo ngay cho cơ quan thú y để có biện pháp xử lý thích hợp. Cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh,... 

Trước tình hình dịch bệnh xuất hiện ở những địa phương lân cận, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán sản phẩm gia súc trên thị trường, nếu phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm theo quy định. Phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, giám sát tuyến biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào nước ta. 

Chăn nuôi là ngành nghề chính, là nguồn sống chính của nhiều gia đình, cũng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giáp ranh thị trường tiêu thụ rất lớn là TP.HCM. Do vậy, các cấp chính quyền, ngành chức năng và hộ chăn nuôi cần quan tâm, tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động bảo vệ đàn GS, GC nuôi trên địa bàn tỉnh./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết