Tiếng Việt | English

22/08/2023 - 09:44

Tiếp tục nâng chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp

Ngay từ đầu năm, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Long An tập trung xây dựng chương trình công tác năm 2023. Nội dung xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong từng lĩnh vực công tác và từng mục tiêu, nhiệm vụ để phân công cán bộ, công chức thực hiện. Quá trình thực hiện gắn rà soát, đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm 100% chương trình đưa ra hoàn thành đúng tiến độ.

6 tháng đầu năm 2023, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp tỉnh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 629 vụ/1.197 bị cáo trong các vụ án hình sự sơ thẩm

Hoàn thành cơ bản chỉ tiêu nghiệp vụ

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh được bảo đảm. Tuy nhiên, tội phạm còn diễn biến phức tạp; nhiều vụ việc được dư luận xã hội quan tâm; phát sinh nhiều loại tội phạm với phương thức, thủ đoạn tinh vi như đánh bạc qua mạng, lừa đảo qua mạng,... 6 tháng đầu năm 2023, VKSND 2 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 607 vụ án/1.079 bị can, tăng 117 vụ/321 bị can so cùng kỳ. Bên cạnh đó, tình hình tranh chấp dân sự, hôn nhân - gia đình; khiếu kiện hành chính cũng có xu hướng tăng. Trong đó, tranh chấp dân sự, hôn nhân - gia đình, tổng số án sơ thẩm thụ lý mới trong toàn tỉnh là 5.464 vụ, tăng 1.263 vụ, tăng 30,06%.

Loại tranh chấp chiếm số lượng nhiều nhất là tranh chấp về ly hôn, nuôi con, chia tài sản sau khi ly hôn; các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất và các giao dịch dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất. Tình trạng ly hôn xảy ra phần lớn ở những người trẻ tuổi do họ chưa có sự chuẩn bị kỹ về tâm lý, kinh tế khi kết hôn. Đối với án dân sự, tranh chấp quyền sử dụng đất khá phổ biến và phức tạp, liên quan đến nhiều chính sách về nhà, đất và văn bản pháp luật qua các thời kỳ. Đây cũng là loại tranh chấp khó giải quyết, thủ tục tố tụng kéo dài với số lượng ngày càng tăng.

Thông tin từ VKSND tỉnh, ngay từ đầu năm 2023, VKSND 2 cấp tỉnh triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, xác định nhiệm vụ đột phá trong từng khâu công tác nhằm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, qua đó, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành. Trong đó, thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án hình sự đối với 1.104 vụ/1.836 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố đối với 538 vụ/1.079 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 629 vụ/1.187 bị cáo trong các vụ án hình sự sơ thẩm. Đặc biệt, trong kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự, VKSND 2 cấp phối hợp Tòa án nhân dân (TAND) tổ chức thực hiện được 57 phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm đáp ứng yêu cầu công tác cải cách tư pháp (CCTP), nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ kiểm sát viên. Qua hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, VKSND ban hành 5 kiến nghị TAND khắc phục vi phạm, 8 kháng nghị phúc thẩm và báo cáo đề nghị VKSND cấp trên xem xét 3 kháng nghị giám đốc thẩm.

Ngoài ra, VKSND 2 cấp tỉnh còn thực hiện tốt công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, dân sự, án hành chính, giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và công tác giải quyết, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 48, 49 của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP, VKSND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình trọng tâm công tác CCTP năm 2023 và chỉ đạo VKSND 2 cấp tỉnh có giải pháp thực hiện hiệu quả công tác này, nhất là việc phối hợp TAND chọn và đưa ra xét xử các phiên tòa rút kinh nghiệm hình sự, dân sự theo đúng tinh thần CCTP.

Theo Viện trưởng VKSND tỉnh - Trương Văn Nghị, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, VKSND 2 cấp tỉnh hoàn thành cơ bản một số chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành. Điển hình, kiểm sát việc giải quyết tin báo đúng hạn 100%; ban hành 86 kiến nghị khắc phục vi phạm đối với các cơ quan tư pháp; nhiều đơn vị VKSND cấp huyện phối hợp các cơ quan hữu quan ký kết được các quy chế phối hợp trong các lĩnh vực công tác kiểm sát;...

Nâng chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện số hóa hồ sơ vụ án để trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa, mang tính thuyết phục cao

Thông tin từ VKSND tỉnh, những kết quả đã đạt là nhờ VKSND 2 cấp tỉnh thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; tổ chức quản lý, điều hành kế hoạch công tác của đơn vị theo chương trình trọng tâm của VKSND Tối cao và VKSND tỉnh bảo đảm chất lượng, hiệu quả; quá trình thực hiện luôn bám sát chương trình đề ra và các chỉ tiêu nghiệp vụ được giao. Trong thực hiện, mỗi cán bộ, công chức, người lao động chấp hành tốt chỉ thị của Viện trưởng VKSND Tối cao về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong ngành KSND.

Các phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho VKSND cấp huyện trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2023, ngành tập trung xây dựng chương trình công tác trọng tâm năm 2023. Nội dung xác định rõ từng nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong lĩnh vực công tác và xác định chi tiết từng mục tiêu, nhiệm vụ để phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, công chức để thực hiện. Trong thực hiện gắn rà soát, đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm hoàn thành 100% chương trình theo đúng tiến độ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp còn những hạn chế khi để xảy ra án bị cấp phúc thẩm hủy, điều tra lại, án trả hồ sơ điều tra bổ sung có lỗi của kiểm sát viên. Một số vụ việc phức tạp, kiểm sát viên thực hiện báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, dự thảo bản phát biểu ý kiến của kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, hôn nhân - gia đình chưa đạt chất lượng như yêu cầu của ngành.

Viện trưởng VKSND tỉnh - Trương Văn Nghị cho rằng, trước hết, ngành tập trung rà soát các chỉ tiêu, yêu cầu công tác của năm 2023, nhất là những tồn tại, hạn chế để xây dựng giải pháp khắc phục phù hợp nhằm thực hiện đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội và hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành, bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2023. Trong đó, VKSND 2 cấp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhất là việc thực hiện số hóa hồ sơ kiểm sát án hình sự, dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính bảo đảm đáp ứng cho việc trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa và công tác số hóa lưu trữ hồ sơ; triển khai ứng dụng việc báo cáo án bằng sơ đồ tư duy;… nhằm nâng chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác CCTP./.

6 tháng đầu năm 2023, VKSND 2 cấp tỉnh phối hợp Tòa án nhân dân tổ chức 112 phiên tòa rút kinh nghiệm hình sự, dân sự, hành chính. Trong đó, có 57 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm.

Các phiên tòa rút kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng các phiên tòa xét xử, bảo đảm tính công khai, dân chủ, giảm tỷ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, nâng cao tính thuyết phục của bản án, xét xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần tích cực trong bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân.

Ngoài ra, các phiên tòa rút kinh nghiệm còn góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết