Tiếng Việt | English

20/06/2024 - 08:46

Trách nhiệm và vai trò của nhà báo trước thách thức mạng xã hội

Trong dòng chảy của sự phát triển, hoạt động báo chí cũng thay đổi không ngừng. Trước đòi hỏi và yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng cùng với những thách thức của thời cuộc, sứ mạng và trọng trách đặt ra đối với đội ngũ làm báo ngày càng lớn, đặc biệt trong việc đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội (MXH) và các nền tảng xuyên biên giới trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng, nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang.

Trách nhiệm của người cầm bút

Không thể phủ nhận báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mọi mặt đời sống xã hội và phát triển kinh tế. Trong bất cứ giai đoạn nào, mặt trận nào, báo chí luôn đi trước mở đường, tạo dựng niềm tin cho công chúng. Trách nhiệm và sứ mạng ấy đã tạo nên sức mạnh đặc biệt của báo chí. Sức mạnh gần dân, phản ánh tiếng nói của người dân, mang “hơi thở” cuộc sống vào từng trang báo, bài viết của mỗi nhà báo. Nhìn từ cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng ta đang thực hiện mạnh mẽ với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”, báo chí đã thể hiện được vai trò xung kích. Đã có nhiều thông tin báo chí phản ánh được các cơ quan chức năng vào cuộc, tháo gỡ. Nhiều vụ việc điều tra công phu của các nhà báo đã cung cấp cho các cơ quan chức năng nhiều thông tin giá trị.

Trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19, báo chí đã phát huy vai trò định hướng và làm chủ dòng chảy thông tin trên MXH. Trong bối cảnh tin giả, sai sự thật, khiến dư luận hoang mang, nhiều nhà báo đã chủ động thông tin chính xác, kịp thời; đăng tải những hành vi thông tin không đúng sự thật, góp phần “nắn dòng” thông tin sai lệch, tạo tinh thần lạc quan, tin tưởng trong xã hội. Tuy nhiên, trước sự phát triển như “vũ bão” của MXH và các nền tảng thông tin xuyên biên giới, những thông tin độc hại, trái chiều, bóp méo sự thật lan tràn trên MXH, gây xáo trộn niềm tin trong nhân dân thì vai trò tiên phong của báo chí cách mạng vẫn chưa được phát huy.

Không thể để công chúng lạc vào “ma trận” của những thông tin “hỏa mù” là trách nhiệm định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội từ mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí. Vì vậy, báo chí không thể để mất “trận địa” này. Đây chính là “điểm nóng”, là nơi đang hừng hực “hơi thở” cuộc sống; là nơi mà người dân lẫn doanh nghiệp đang cần tiếng nói của báo chí trước những vấn đề nổi cộm, bức xúc, kinh tế tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, giữ vững an sinh xã hội; là những vấn đề cần báo chí cổ vũ, động viên;... Những tấm gương sáng, người tốt, việc tốt từ các phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân đang cần được lan tỏa hay những mặt trái của cơ chế thị trường, những bất cập trong quá trình thực thi chủ trương, chính sách càng cần được báo chí thông tin mạnh mẽ, chính xác để độc giả hiểu rõ bản chất từng vấn đề, từng vụ việc.

Thách thức của mạng xã hội và các nền tảng xuyên biên giới

Trên thực tế, rất nhiều thông tin cần biết thì người dân vẫn thiếu và MXH, các nền tảng xuyên biên giới dường như đang thỏa mãn “cơn khát” thông tin đó. MXH đã và đang là kho thông tin đồ sộ, khổng lồ mang lại nhiều lợi ích cho báo chí. Có khi “tâm bão” trên MXH trở thành đề tài “nóng” được khai thác triệt để mọi ngóc ngách trên báo chí.

Tuy nhiên, chính sự phát triển bùng nổ của MXH cũng gây không ít khó khăn, thách thức và cả sự cạnh tranh khốc liệt đối với vai trò của báo chí chính thống. Từ vị trí gần như độc quyền về thông tin, báo chí truyền thống đang bị MXH chia sẻ thị phần một cách nhanh chóng. Nhiều tên tuổi báo chí lớn trên thế giới đang biến mất hoặc giảm về số lượng phát hành và ảnh hưởng trong xã hội. Theo đó, lợi ích kinh tế (đặc biệt là nguồn lợi từ quảng cáo) của báo chí truyền thống cũng đang suy giảm một cách thê thảm. Trước tình hình đó, không thể yêu cầu Nhà nước cấm hoặc thu hẹp hoạt động của MXH; cũng không thể tăng cường bao cấp cho báo chí để cạnh tranh với MXH. Chỉ có một con đường duy nhất là báo chí phải tự đổi mới để tồn tại và phát triển. Trong khuôn khổ pháp luật, báo chí và MXH nên và phải đồng hành, hợp lực vì mục tiêu tiến bộ xã hội. Cùng tồn tại trong mối quan hệ tương tác qua lại để cùng nhau phát triển là xu hướng không còn bàn cãi giữa báo chí và MXH trong thời đại số hóa. MXH là nơi xuất phát những manh mối thông tin ban đầu, nhưng đó chỉ là thông tin ở dạng quặng, giá trị này phải được xử lý để biến thành sản phẩm. Vì vậy, nhà báo phải có khả năng tiếp cận thông tin và đạo đức nghề nghiệp mới nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, đưa tin chính xác, chân thật. Mỗi thành viên trên MXH có thể xem là “nguồn tin” hấp dẫn. Và “nguồn tin” ấy giúp cơ quan báo chí trong việc phát hiện sự kiện và “chính thống hóa” bằng cách khai thác, mở rộng, thẩm định lại thông tin đúng hay không đúng, sau đó mới đăng tải, giúp độc giả, người dân hiểu rõ được bản chất vấn đề.

Trên thực tế, nhiều nhà báo rất nhanh nhạy theo dõi và có khả năng thâu tóm, xử lý thông tin. Họ chia sẻ lên MXH không ít những chủ đề nào đó cho bài báo của mình. Thông qua MXH, các bài viết đã tạo ra những cuộc thảo luận, bình luận xung quanh nội dung của bài báo, khuyến khích các “cư dân mạng” cung cấp thêm thông tin, tạo ra những “bài báo mở” có tác dụng phản hồi với tác giả và cơ quan báo chí. Tuy nhiên, MXH như “con dao hai lưỡi”, do vậy, mỗi nhà báo cần tỉnh táo, nhận thức rõ ràng và lựa chọn đúng đắn. MXH cũng là kênh tuyệt vời để quảng bá cho các tờ báo, để những tác phẩm báo chí có chất lượng đi xa hơn, đến với nhiều người hơn, gây ảnh hưởng và tác động tốt hơn. Mỗi nhà báo cũng phải và nên là một thành viên của các MXH. Qua đó, không chỉ nắm bắt thông tin, phổ biến thông tin, quan điểm mà còn để rèn luyện phong cách báo chí theo hướng sát đời sống, gần gũi và thân thiện hơn với công chúng. MXH cũng là nơi các tờ báo phát triển, lựa chọn và xây dựng đội ngũ cộng tác viên của mình, nhất là đội ngũ cộng tác viên cơ sở, chuyên gia trong các lĩnh vực và những người có uy tín, ảnh hưởng trên các diễn đàn xã hội.

Nếu chúng ta nhìn lại báo chí những năm trở lại đây sẽ nhận thấy có rất nhiều vấn đề. Đó là mặt trái nảy sinh, nhất là cơ chế thị trường đã đan xen vào nỗi lo “cơm áo gạo tiền” của từng tòa soạn khiến cho hoạt động báo chí đang diễn biến phức tạp. Nhiều cơ quan báo chí thành lập thêm chuyên trang, chuyên đề với mục đích kiếm thêm nguồn thu, bất chấp việc đó có mang lại lợi ích cho cộng đồng hay không. Tình trạng đưa những thông tin giật gân, câu khách, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đưa tin không đúng sự thật, thiếu kiểm chứng, thiếu nhạy cảm về chính trị; một số trường hợp “sáng đưa, trưa gập, chiều gỡ”; quản lý bình luận chưa tốt, gây bức xúc trong dư luận. Thậm chí, một số nhà báo không thực hiện trách nhiệm đưa tin chính thống mà thể hiện quan điểm tiêu cực trên MXH. Những hạn chế trên nếu không được khắc phục sẽ làm giảm lòng tin của công chúng đối với báo chí. Một khi lòng tin bị sụt giảm thì những gì báo chí muốn tuyên truyền sẽ không có giá trị, vô tình tạo điều kiện cho thông tin độc hại có cơ hội len lỏi, ảnh hưởng đến tư tưởng xã hội và dẫn đường cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” để xuyên tạc, chống phá.

Báo Long An tổ chức Cuộc thi viết phóng sự, ký sự và ảnh báo chí lần thứ I - năm 2024

 

Báo Long An tổ chức Cuộc thi viết phóng sự, ký sự và ảnh báo chí lần thứ I - năm 2024 

Ban Biên tập Báo Long An xây dựng kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết phóng sự, ký sự và ảnh báo chí trên báo Long An lần thứ I - năm 2024.

Vấn đề đặt ra và giải pháp

Có thể thấy, nhu cầu lập lại trật tự, kỷ cương để báo chí thực sự phụng sự xã hội là vấn đề cấp thiết. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, nhất là báo điện tử, trang tin điện tử, MXH và các loại hình truyền thông khác trên nền tảng Internet,... cần được tăng cường. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định: “Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, Internet, MXH. Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong tuyên truyền”. Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 17/4/2009 của Ban Bí thư về “Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa”, nhấn mạnh: “Tăng cường công tác lãnh đạo và quản lý báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, cổ vũ, khuyến khích những tác phẩm có nội dung và nghệ thuật tốt, ngăn chặn những tác phẩm có quan điểm lệch lạc, sai trái. Chủ động, kịp thời cung cấp, định hướng thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư chỉ rõ, cần phải tăng cường công tác xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong các cơ quan báo chí, xuất bản, xây dựng đội ngũ những người làm báo, xuất bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ ngày càng cao, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm đối với xã hội, đất nước. Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam” tiếp tục nêu bật các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến quản lý báo chí, trong đó nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng, chính trị, tư tưởng của Đảng và quyền tự do, dân chủ của nhân dân”.

Đặc biệt, trước những âm mưu, hoạt động chống phá ngày càng phức tạp, tinh vi của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, trong đó tiếp tục khẳng định: “Phát huy vai trò tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản”. Theo đó, quản lý thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo chí là yêu cầu nhiệm vụ quan trọng, tất yếu trong tình hình hiện nay. Phải kịp thời có những chế tài xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, tuyên truyền báo chí. Cùng với các văn bản pháp luật khác như Luật An ninh mạng; Luật Báo chí năm 2016 và Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam đã cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Để qua đó, mỗi cá nhân nhận thức tốt hơn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Có “ranh giới” để đội ngũ báo chí biết, nắm vững những điều nên làm và không nên làm, góp phần giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam.

Trải qua 99 năm hình thành và phát triển, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đi theo con đường do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng chính trị. Về cơ bản, hoạt động báo chí nước ta, tỉnh ta luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội; là diễn đàn của nhân dân; là một trong những lực lượng xung kích, đi đầu trong đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân.

Hơn ai hết, mỗi nhà báo cần ra sức tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng học tập, nghiên cứu, trau dồi, nâng cao bản lĩnh, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao đạo đức nghề nghiệp; khi tham gia MXH phải có trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết luật pháp để có tầm nhìn nhân văn đối với con người, xã hội và không bị “lạc lối”. Điều quan trọng hơn là làm thế nào để mang những giá trị tốt đẹp từ bao đời nay của báo chí là công bằng, khách quan, tôn trọng sự thật vào thế giới rộng lớn của MXH, làm cho nó lành mạnh hơn, mang tính trách nhiệm hơn, thu hút được trí tuệ, khả năng sáng tạo của hàng triệu con người nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi nhà báo, của người cầm bút phải “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” mới có thể làm nên cái đẹp, cái hay trong mỗi tác phẩm của mình./.

Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Trần Hoàng Nhân

Chia sẻ bài viết