Tiếng Việt | English

21/04/2017 - 08:50

Cải thiện PCI - bắt đầu từ cán bộ

Những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI được nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Long An rất quan tâm, xây dựng và tìm giải pháp nâng cao.

Chỉ số này là tiêu chuẩn để đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền, qua đó, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

PCI còn phản ánh những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tạo “đất lành” thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống, giảm nghèo. Khi thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ là điều kiện tốt để tiếp cận khoa học - công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý tiên tiến, tăng năng suất lao động. Từ đó, tăng nguồn thu ngân sách đầu tư cho phát triển, an sinh xã hội,...

Việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh luôn được Long An đặc biệt quan tâm. Điều này được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và thể hiện qua chỉ số PCI của tỉnh luôn đứng trong nhóm tốt của cả nước.

Tuy nhiên, chỉ số PCI của tỉnh chưa bền vững, gần đây có xu hướng giảm thứ hạng và điểm số (năm 2015 hạng 9, năm 2016 hạng 15). Mặt khác, chỉ số PAPI đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2016 cũng giảm hạng. Điều này phản ánh hiệu quả của cải cách hành chính chưa cao, môi trường đầu tư chưa thật sự tốt, chưa thu hút nhiều doanh nghiệp bởi họ cũng xem PCI là một tiêu chuẩn khi quyết định đầu tư.

Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 7 (khóa X), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh phân tích một số hạn chế, yếu kém (liên quan đến chỉ số PCI): Đó là sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền ở một số nơi chưa quyết liệt, thiếu giải pháp khả thi và đồng bộ, nhất là đối với việc tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc kéo dài.

Công tác cải cách hành chính hiệu quả chưa cao, chưa thật sự đồng bộ, thông suốt, nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo đến việc tổ chức thực hiện; tình trạng thiếu nhiệt tình trong hướng dẫn, gây khó khăn trong giải quyết hồ sơ hành chính vẫn còn. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc của một số cấp ủy, người đứng đầu đôi lúc chưa sâu sát, quyết liệt.

Còn Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Thanh Nguyên chỉ ra 3 nguyên nhân ảnh hưởng đến thứ hạng PCI của tỉnh giảm: Vụ “lùm xùm” ở Khu công nghiệp Tân Đức giữa nhà đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp thuê đất; tỉnh tiến hành sàng lọc, chấn chỉnh các dự án; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh mới đưa vào hoạt động, chưa phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính.

“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, việc cải thiện thứ hạng PCI do con người trong bộ máy công quyền quyết định. Đó chính là đạo đức công vụ của bộ phận cán bộ làm thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Khi có sự “đồng bộ, thông suốt, nhất quán” từ tỉnh đến cơ sở, từ cán bộ lãnh đạo đến người thực hiện thì mọi việc sẽ thành công, hiệu quả hơn. Cải thiện PCI, nên bắt đầu từ cán bộ./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết