Tiếng Việt | English

16/03/2018 - 14:58

Cố tình bao chiếm đất công: Phải xử lý nghiêm!

Từ cuối tháng 12/2017 đến nay, hơn 100 hộ dân từ một số địa phương khác cố tình đến khu vực đường cặp kênh Bà Kiểng, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An dựng lều, bạt phân chia đất, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự cũng như đời sống của người dân địa phương. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm.

Những căn lều, chòi lá dựng sơ sài, không có vật dụng cá nhân, chủ yếu nhằm mục đích bao chiếm đất công

Những căn lều, chòi lá dựng sơ sài, không có vật dụng cá nhân, chủ yếu nhằm mục đích bao chiếm đất công

Tự ý bao chiếm đất công

Khoảng 5 giờ, ngày 23/12/2017, một số đối tượng lạ mặt từ địa phương khác đến, tụ tập khu vực cặp kênh Bà Kiểng trên địa bàn xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, dùng dao, mác phát cỏ, đốn cây và dùng bình sơn xịt tự ý phân chia đất của Nhà nước với diện tích ngang 15m, dài 100m. Phát hiện sự việc, lực lượng chức năng địa phương tuyên truyền, vận động giải tán nhưng những người này không chấp hành mà tiếp tục có hành vi dựng lều, bạt cặp tuyến lộ.

23 giờ cùng ngày, lực lượng Công an xã Thạnh Lợi đi tuần tra, phát hiện khu vực này có 18 lều, bạt dựng trái phép nhưng không có người ở qua đêm. Lực lượng Công an xã lập biên bản, tháo dỡ và tạm giữ. Ngày 24/12/2017, các hộ dân tiếp tục kéo đến khu vực này cắm ranh, tự ý phân chia đất trên phần diện tích đất công do Nhà nước quản lý.

Trước tình hình này, UBND xã Thạnh Lợi tiếp tục tổ chức vận động, tuyên truyền, giải thích nhưng những người này có hành vi manh động, quá khích đối với tổ vận động; sau đó kéo đến UBND huyện Bến Lức và UBND tỉnh yêu cầu được chia đất, nếu không sẽ tự ý tổ chức phân chia. Có khoảng 60 người đề nghị phân chia đất.

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi 2 lần tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân để tìm biện pháp tháo gỡ, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân quay trở về địa phương vì hiện trạng phần đất đang bao chiếm thuộc quỹ đất công do Nhà nước quản lý, chuẩn bị thực hiện công trình giao thông.

Tuy nhiên, ngày 08/3/2018, những đối tượng này vẫn bao chiếm đất công, số lều, bạt dựng trái phép lên đến 171 lều, bạt nối tiếp nhau từ khu vực đường cặp kênh Bà Kiểng đấu nối với Quốc lộ N2, mỗi lều từ 7-12m2, trong đó có 118 chòi lá. Phần lớn lều, bạt dựng sơ sài trên nền đất, không có vật dụng cá nhân. Ở khu vực này, ban ngày, khoảng 40-50 người tụ tập thành từng nhóm, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương.

Ghi tên khống trong danh sách xin cấp đất

Trước tình trạng bao chiếm đất công xảy ra trên địa bàn xã Thạnh Lợi, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương trong tỉnh có người dân tham gia vụ việc này tuyên truyền, vận động họ trở về địa phương. Đồng thời, giải thích cho người dân hiểu, hành vi bao chiếm đất công là vi phạm pháp luật, nếu tiếp tục thực hiện thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An tổ chức đối thoại, vận động và giải thích được 100 người có tên trong danh sách xin cấp đất và 80 người ký biên bản cam kết không tham gia chiếm đất công. Tuy nhiên, đáng chú ý, trong danh sách những người được tuyên truyền, vận động, nhiều người không hề biết mình có tên trong danh sách xin cấp đất.

Như trường hợp bà Nguyễn Thị Thùy Trang, ngụ xã Bình Quới, huyện Châu Thành, khẳng định không hề biết sự việc và không tham gia cùng những người bao chiếm đất công, còn trước đó, có người đến mượn chứng minh nhân dân và hộ khẩu của bà.

Hay ông Nguyễn Thanh Hùng, ngụ thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, có tên trong danh sách xin cấp đất nhưng khi địa phương đến vận động thì ông cho biết “người khác tự ý ghi tên vào danh sách”,...

Mặt khác, trong danh sách 100 hộ dân xin cấp đất, có những trường hợp ghi tên khống, không có ở địa phương. Cụ thể, trong danh sách xin cấp đất có tên ông Lê Văn Thạnh, ngụ phường 2, TP. Tân An nhưng qua xác minh, ở địa phương không có người tên Lê Văn Thạnh mà chỉ có người tên gần giống là ông Lê Văn Thanh. Qua trao đổi, ông Thanh cho biết, gia đình ông không có ai tham gia vụ bao chiếm đất công.

Hay trong danh sách có ghi tên bà Huỳnh Thị Ngọc Hân, xã Gò Đô, huyện Mộc Hóa, nhưng trên địa bàn huyện Mộc Hóa không có xã Gò Đô, hay xã Bình Hòa Tây có ấp Gò Dồ nhưng không có người nào tên Huỳnh Thị Ngọc Hân,...

Đáng lo ngại hơn, khi bao chiếm đất công, một số đối tượng cầm đầu ngoài việc xúi giục, tự ý ghi tên còn gợi ý người dân chi 60 triệu đồng để được chia đất. Ông Lê Thanh Của và ông Trần Khả Phong, ngụ xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, được một đối tượng thông tin, hiện tại, huyện Bến Lức có một số lô đất giá 60 triệu đồng/lô và kêu mỗi người đóng số tiền này để nhận đất, khi đi mang theo 1 cây rựa để tự vệ nếu có người khác xâm phạm.

Ông Của và ông Phong không đồng ý nhưng vẫn bị các đối tượng cầm đầu đưa tên vào danh sách. Rõ ràng, hành vi lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia khiếu kiện, bao chiếm đất công và ghi tên khống vào danh sách xin cấp đất là vi phạm pháp luật, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Lều, bạt được các hộ dân dựng trái phép cặp kênh Bà Kiểng trong phần đất công do Nhà nước quản lý

Phần đất bao chiếm thuộc quỹ đất công

Theo UBND huyện Bến Lức, hiện, phần đất đang bị bao chiếm thuộc phần đất công do Nhà nước quản lý với diện tích khoảng 30ha, từ kênh Bà Kiểng vào 100m, kéo dài khoảng 3km.

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi thông tin: “Từ trước đến nay, UBND huyện vẫn quản lý phần đất này và đưa vào sổ mục kê từ năm 2003, do khu vực này được quy hoạch tuyến dân cư trong tương lai. Trước đây, huyện có chủ trương cho người dân mượn đất để sản xuất nông nghiệp nhưng khi địa phương có nhu cầu sử dụng sẽ thu hồi, không bồi thường hoa màu”.

Mặt khác, trong Biên bản làm việc số 11/BB.UB, ngày 24/5/1996 của UBND huyện Bến Lức xác định cụ thể phần đất này: “Không cấp đất sản xuất kể từ chân đê vào mỗi bên 100m của trục kênh Bà Kiểng, T6. Quỹ đất này dùng để phát triển khu dân cư tập trung (như quy hoạch sử dụng đất 1996-2005). Trước mắt, Nhà nước chưa sử dụng, nông dân có thể tạm sản xuất nhưng khi cần, Nhà nước trưng dụng ngay và không giải quyết đền bù”.

Tuy nhiên, ngày 09/4/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1145/QĐ-UBND về việc bổ sung quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Bến Lức. Trong đó, bổ sung quy hoạch sử dụng đất khu dân cư và đường giao thông với diện tích 60ha cho xã Thạnh Lợi, khu vực cặp kênh Bà Kiểng được chuyển đổi sang đất dành cho giao thông.

Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phát triển giao thông - vận tải đường bộ tỉnh Long An đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo Quyết định 4704/QĐ-UBND tỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới đường tỉnh thêm 12 tuyến mới, trong đó có tuyến Lương Hòa - Bình Hòa Bắc với chiều dài 20,6km nối đường Lương Hòa - Bình Chánh qua sông Vàm Cỏ Đông, nối Quốc lộ N2 trùng vào đường Khu công nghiệp Hoàn Cầu, cặp kênh Bà Kiểng và Quốc lộ N1 tại xã Bình Hòa Bắc, quy hoạch đến năm 2030 đạt 6 làn xe, nền đường rộng 30m, đoạn trùng đường Khu công nghiệp Hoàn Cầu quy mô đường đô thị, nền đường rộng 34m.

Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, hiện, sở phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án đường Lương Hòa - Bình Hòa Bắc đi qua khu vực kênh Bà Kiểng. Để dự án được triển khai thuận lợi, lực lượng chức năng cần tập trung tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách đất đai đối với phần đất công do Nhà nước quản lý.

Qua vụ việc bao chiếm đất công, người dân cần cảnh giác với hành vi lợi dụng, lôi kéo, xúi giục của một số đối tượng cầm đầu. Bên cạnh đó, đối với các đối tượng quá khích, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm theo pháp luật./.

Thụy Anh

Chia sẻ bài viết