Tiếng Việt | English

22/10/2018 - 08:46

Hợp tác xã - cầu nối vững chắc trong liên kết tiêu thụ nông sản

Hơn 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, nhận thức về phát triển kinh tế hợp tác trong cán bộ, nhân dân có nâng lên, phong trào phát triển HTX nông nghiệp có chuyển biến. Các HTX từng bước thực hiện tốt vai trò liên kết hộ nông dân cùng sản xuất theo một quy trình tạo ra sản phẩm hàng hóa với chất lượng tốt hơn.

Một số HTX làm tốt dịch vụ cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra, tham gia liên kết xây dựng cánh đồng lớn đối với lúa và góp phần liên kết tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực của địa phương như lúa, rau, chanh, thanh long,... đem lại hiệu quả, tạo nên hình thức liên kết hợp tác kiểu mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Nhiều HTX, tổ hợp tác đổi mới tổ chức sản xuất, sản xuất quy mô lớn và gắn kết với thị trường; chú trọng nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm,... Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình đó, tỉnh thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ HTX: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ cao; cải thiện chất lượng con giống; xúc tiến thương mại; vay vốn ngân hàng, quỹ hỗ trợ phát triển HTX; gặp gỡ giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân,...

Toàn tỉnh hiện có 3 Liên hiệp HTX , 135 HTX đang hoạt động. Có 65 HTX nằm trong vùng Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ, trong đó có 16 HTX điểm. Qua đánh giá, xếp loại 52 HTX nông nghiệp theo Thông tư số 09 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì có 12% hoạt động tốt, 23% hoạt động khá, trung bình 2%, yếu 6%; HTX không xếp loại chiếm 58% (do ngưng hoạt động, hoạt động chưa đủ 12 tháng).

Hiện nay, số lượng HTX hoạt động hiệu quả còn ít, thiếu vốn, trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý còn hạn chế; thiếu định hướng kinh doanh, chủ yếu là cung ứng dịch vụ đầu vào, thiếu liên kết tiêu thụ đầu ra; tham gia vào chuỗi liên kết giá trị không nhiều; chưa thật sự là cầu nối vững chắc liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản; người dân chưa “mặn mà” với kinh tế hợp tác,...

Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh thành lập mới thêm 90 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả của tỉnh đạt 187 HTX và có ít nhất 30 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; số HTX hoạt động khá, tốt đạt 50% trên các HTX hoạt động. Mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới có HTX hoạt động hiệu quả, có liên kết tiêu thụ bền vững.

Tại Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động các HTX nông nghiệp gắn với Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) giai đoạn 2016 - 2018 và phương hướng phát triển HTX đến năm 2020, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh chỉ đạo cần tập trung triển khai Luật HTX năm 2012, Chương trình đột phá về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường gặp gỡ, đối thoại các HTX nông nghiệp, thành viên HTX và nông dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; rà soát tình hình hoạt động, áp dụng chính sách khuyến khích phát triển HTX của Trung ương, tỉnh ban hành, trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc sản phẩm,.../.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết