Tiếng Việt | English

06/09/2016 - 10:21

Long An phát triển tổ chức hành nghề Thừa phát lại giai đoạn 2016-2020

UBND tỉnh Long An vừa ký Quyết định ban hành Đề án phát triển tổ chức hành nghề Thừa phát lại giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, năm 2016, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, quán triệt trong hệ thống chính trị và nhân dân chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về chế định Thừa phát lại; xây dựng và triển khai Đề án phát triển tổ chức hành nghề Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị điều kiện đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm đội ngũ có chức danh Thừa phát lại, xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự trong quản lý, đào tạo cho tổ chức hành nghề Thừa phát lại hoạt động, phát triển.

Từ năm 2017-2020, tỉnh ưu tiên thành lập tổ chức hành nghề Thừa phát lại đối với những địa phương phát triển về KT-XH, số lượng bản án, quyết định của tòa án, nhu cầu thi hành án cao như: TP.Tân An; các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước và thị xã Kiến Tường.

Long An hiện có 15 đơn vị hành chính thuộc tỉnh (1 thành phố, 1 thị xã, 13 huyện) và 192 xã, phường, thị trấn. Trong lĩnh vực xét xử, hệ thống tòa án nhân dân trong tỉnh hàng năm thụ lý trên 10.000 vụ việc. Căn cứ quy định của pháp luật và thực tiễn công tác tố tụng đối với việc giải quyết 1 vụ án, tòa án nhân dân phải thực hiện tống đạt trung bình khoảng 20 văn bản, giấy tờ. Tính ra, mỗi năm, cơ quan tòa án trên địa bàn tỉnh phải tống đạt khoảng 207.000 văn bản, giấy tờ.

Về lĩnh vực thi hành án dân sự, bình quân mỗi năm, thụ lý trên 28.000 vụ việc. Theo quy định, mỗi vụ việc, chấp hành viên phải tống đạt ít nhất 3 loại giấy tờ, văn bản. Trường hợp cưỡng chế thi hành án, phải tống đạt khoảng 15 loại giấy tờ/vụ việc. Bình quân, 1 năm, cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong tỉnh phải tống đạt khoảng 280.000 văn bản, giấy tờ.

UBND tỉnh, từ thực tế trên, việc phát triển tổ chức hành nghề Thừa phát lại sẽ tham gia thực hiện việc tống đạt các loại văn bản, giấy tờ của cơ quan tòa án nhân dân, thi hành án dân sự và tham gia tổ chức thi hành các bản án dân sự, quyết định của tòa án,... Qua đó, góp phần giảm tải công việc của các tòa án, cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Thừa phát lại còn có nhiệm vụ thi hành lập vi bằng - đây là tài liệu bằng văn bản (có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo) mô tả, ghi nhận một cách trung thực, khách quan hành vi, sự kiện do Thừa phát lại chứng kiến. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước tòa nếu các bên có tranh chấp; từ đó, Thừa phát lại giúp người dân có đủ bằng chứng, chứng cứ thuyết phục trong tố tụng và thi hành án dân sự./.

Khương Minh

Chia sẻ bài viết