Tiếng Việt | English

23/07/2015 - 11:40

Văn hóa ứng xử nơi công cộng

Văn hóa ứng xử nơi công cộng là một trong những thước đo giá trị nhân phẩm mỗi người, phản ánh trình độ giáo dục của một nước.

Một người có hình thức thật nổi bật, cá tính thật hay, nhưng thiếu đi những kỹ năng ứng xử đúng mực trước mọi người thì tự khắc làm xấu đi hình ảnh của mình.

Tuy nhiên, thực tế ngoài xã hội, ít nhiều những hành vi thiếu văn hóa, nhất là một bộ phận không nhỏ của giới trẻ, dần trở thành “thói quen” tai hại, đáng báo động.

Chẳng hạn như hành vi chen lấn, xô đẩy, không xếp hàng nơi công cộng, khu vực chờ thang máy, quầy thu ngân, bán vé,... hoặc có vụ việc hàng trăm người chen lấn hỗn loạn giẫm đạp lên nhau để trèo cổng, phá rào, chen chúc trong bể nước ở công viên nước Hồ Tây khiến dư luận chưa hết bàng hoàng, xấu hổ và thất vọng là ví dụ cụ thể.

Bên cạnh đó, “thói quen” xả rác nơi công cộng (công viên, hàng quán…) mãi là vấn đề nan giải của chúng ta.

Trong các cuộc họp hay hội nghị, ta thường thấy những người vô tư để chuông điện thoại rất to, dù trước đó đã được nghe lời đề nghị lịch sự của ban tổ chức nhắc nhở mọi người tắt điện thoại hoặc để chế độ rung. Thậm chí có người còn thản nhiên nói chuyện điện thoại oang oang trong cuộc họp như chốn không người.

Trong một cuộc hội thảo về vấn đề ứng xử có văn hóa trong cộng đồng, có ý kiến cho rằng: Ý thức, lương tâm, tinh thần trách nhiệm là 3 yếu tố hàng đầu trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và ứng xử có văn hóa, nhưng khi 3 yếu tố này không được xem trọng, luật pháp phải can thiệp.

Bởi ứng xử văn hóa là một hành vi không phải lúc nào cũng đến từ tinh thần tự nguyện. Chính vì vậy mà tại các nước tiên tiến, pháp luật quy định những khoản phạt rất nặng đối với các hành vi vi phạm văn hóa, xâm hại đến quyền lợi của người khác và cộng đồng.

Ngoài giáo dục ý thức thì xử phạt các vi phạm cũng góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa và văn minh, tôn trọng người khác và cộng đồng.

Phương Trà 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích