Tiếng Việt | English

24/10/2022 - 08:44

'Chạy chức, chạy quyền' - Vấn nạn cần được xử lý nghiêm

Ngày 06/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định (QĐ) số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng (TCĐ), đảng viên (ĐV) vi phạm. Đây được xem là QĐ hoàn thiện nhất từ trước đến nay về công tác thi hành kỷ luật trong Đảng. Những nội dung trong QĐ vừa mang tính bao quát, vừa cụ thể, chi tiết, bổ sung nhiều nội dung mới phù hợp với tình hình thực tiễn. QĐ được đánh giá như là “một bộ luật trong Đảng”. Đặc biệt, tại QĐ số 69, lần đầu tiên Bộ Chính trị đề cập đến mức kỷ luật cụ thể, chi tiết cho việc xử lý ĐV "chạy chức, chạy quyền".

Theo đó, Điều 30 của QĐ số 69 nêu rõ vi phạm quy định về chống "chạy chức, chạy quyền"; tùy từng trường hợp, ĐV vi phạm phải chịu mức kỷ luật tương ứng là khiển trách, cảnh cáo và khai trừ ra khỏi Đảng. Kỷ luật bằng hình thức khiển trách khi tác động, mua chuộc, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác vào vị trí, chức vụ có lợi cho cá nhân; mặc cả, đặt điều kiện, đòi hỏi không chính đáng đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm để được sắp xếp vào chức vụ, vị trí công tác,...

Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng, bao che hành vi tiêu cực; can thiệp, tác động trái quyết định vào công tác cán bộ; bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; để cho người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để bố trí, bổ nhiệm cán bộ,... ĐV bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng trong trường hợp vi phạm các quy định trên gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Với từng mức kỷ luật tương ứng mức độ vi phạm rất cụ thể, chi tiết, QĐ số 69 được xem là “kim chỉ nam” cho các TCĐ trong thi hành kỷ luật ĐV. Đồng thời, QĐ còn có tác dụng răn đe với những ĐV có ý định "chạy chức, chạy quyền". Điều này được ĐV và nhân dân đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, tình trạng "chạy chức, chạy quyền" diễn ra rất tinh vi, nó như một căn bệnh trầm kha, ăn dần mòn sức mạnh của TCĐ. Nó biểu hiện ở việc ưu ái, thiên vị vì tình cảm cá nhân: Người trong gia đình, dòng họ, quê hương, quan hệ bạn hữu...; có khi là sự thỏa thuận “tôi giúp người của anh, anh giúp người của tôi”; hoặc “chạy” bằng tiền bạc, vật chất kiểu mua bán,...

Vì vậy, từ lâu nay trong xã hội đã lưu truyền câu nói: “Nhất hậu duệ, Nhì tiền tệ, Ba quan hệ, Bốn trí tuệ”. Thậm chí, để hợp thức hóa việc nhận tiền của đối tượng “chạy”, có những cán bộ còn nói dối rằng “trường hợp này là cấp trên gọi điện nhờ giúp đỡ”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cán bộ cấp trên. "Chạy chức, chạy quyền" cứ âm ỉ phá hoại đoàn kết nội bộ, làm triệt tiêu động lực phấn đấu của những người chính trực, có tâm huyết, trình độ,... gây tâm tư trong công tác tư tưởng, công tác cán bộ, tạo tiền lệ xấu trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu thẳng vấn đề: “Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực, chống "chạy chức, chạy quyền" một cách hiệu quả. Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?”. Nguyên nhân chính là tình trạng "chạy chức, chạy quyền" hết sức tinh vi; khó bắt tận tay, không dễ thừa nhận từ hai phía. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, ĐV còn nhận thức rằng chức quyền là gắn với bổng lộc, lợi ích kinh tế và “một người làm quan, cả họ được nhờ”.

Điều 30 của QĐ số 69 cũng đã bao quát được hành vi đang diễn ra trong thực tiễn cuộc sống và được thể chế hóa trong QĐ của Đảng một cách chặt chẽ, rõ ràng hơn để cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn cán bộ, ĐV có ý định "chạy chức, chạy quyền". Tất nhiên, một QĐ chỉ thực sự hiệu quả khi được áp dụng công tâm, khách quan và có trí tuệ. Chống "chạy chức, chạy quyền" là vấn đề vô cùng khó khăn, nhạy cảm nhưng hết sức cần thiết để củng cố sức mạnh của Đảng.

Ngoài xây dựng một hệ thống thể chế, chống được cơ chế “xin - cho” thì cần đổi mới chính sách để hạn chế tối đa việc chức vụ gắn với lợi ích kinh tế và lợi ích cá nhân. Từ đó sẽ giảm thiểu tư duy "chạy chức, chạy quyền" để vụ lợi cá nhân và “thu hồi vốn”; lúc ấy, cán bộ, ĐV sẽ “không thể, không dám, không muốn và không cần chạy chức, chạy quyền"./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết