Tiếng Việt | English

23/01/2023 - 19:47

Chống tham nhũng là việc khó khăn trong muôn vàn việc khó khăn 

Chống tham nhũng là đụng đến hình ảnh của cơ quan, sinh mệnh chính trị của cán bộ, đòi hỏi sự công tâm, khách quan, bản lĩnh

Chưa bao giờ cuộc chiến với tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, bài bản, hiệu quả được dư luận hoan nghênh như những năm qua. Là việc khó khăn, phức tạp nhất trong muôn việc khó khăn, phức tạp, nhưng giờ đây, cuộc chiến đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, không ai được đứng ngoài


(Đồ họa: CTV Quang Huy)

Ngày áp Tết ông Công, ông Táo năm Nhâm Dần, hai bản tin cùng được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy cuộc chiến với tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt và chưa thể có điểm dừng. Tại phiên họp thứ 23, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) yêu cầu trong năm 2023 phải đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm. Trong đó, nóng nhất vẫn là các vụ án do sai phạm khi thực hiện chính sách phòng, chống Coivd-19 mà hàng trăm cán bộ đã bị bắt với sự “góp mặt” của nhiều ngành như ngoại giao, y tế, quân đội, công an; rồi các đại gia bất động sản, chứng khoán... Đặc biệt là vụ án vừa “nổi lên” đang được lực lượng công an ráo riết mở rộng điều ra xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm ngay lập tức được Ban Chỉ đạo đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Cùng thời điểm, tại kỳ họp thứ 25, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Văn phòng Chính phủ; Ban Thường vụ Đảng ủy Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an; Ban cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội và những cán bộ liên quan. Thật xót xa!

Thực ra, tham nhũng thời nào cũng có, nó xuất hiện từ thời cổ đại và không trừ bất cứ quốc gia nào. Với nước ta cũng vậy. Ngay sau khi cách mạng giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo những thói hư, tật xấu dễ làm hỏng cán bộ, như ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, ông ủy viên nọ, bà ủy viên kia đều muốn đi xe sang, thử hỏi tiền của ở đâu ra,…. Tham nhũng như một thứ virus độc hại ẩn nấp trong mỗi con người, có cơ hội là trỗi dậy tấn công bất kỳ ai, kể cả cán bộ cấp cao được đào tạo cơ bản, rèn luyện thử thách ở những môi trường khắt khe nhất, làm cho không biết bao nhiêu người gục ngã.

Từ lâu, Đảng, Nhà nước ta đã thấy rõ tác hại khôn lường của tham nhũng và đã có nhiều giải pháp, nhưng chưa đủ sức ngăn chặn tệ nạn này. Đến khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị được thành lập (1/2/2013) do Tổng Bí thư làm Trưởng ban thì cuộc phòng chống tham nhũng trở nên quyết liệt, ráo riết, triệt để hơn bao giờ hết.


(Đồ họa: CTV Quỳnh Trang)

Nhiều khâu yếu, việc khó đã có cách khắc phục

Chống tham nhũng là "động chạm" đến đồng chí mình. Vì thế, nhiều lần Tổng Bí thư chia sẻ, không ai thích thú gì làm việc này, thậm chí là đau xót, nhưng vì dân, vì nước, vì uy tín, danh dự của Đảng mà phải làm; cắt bỏ một vài cành sâu mọt để cứu cả cây xanh. Đã làm là phải nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai.

Thực tế chống tham nhũng là đụng đến hình ảnh của cơ quan, sinh mệnh chính trị của cán bộ, đòi hỏi sự công tâm, khách quan, bản lĩnh và chuyên môn sâu của các lực lượng chức năng, nhất là trước mỗi vụ, việc phức tạp còn nhiều ý kiến khác nhau, liên quan nhiều ngành, địa phương, những mối quan hệ thân quen hay quyền lực. Cụ thể như vướng mắc về định giá, kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng; một vụ việc phải có sự vào cuộc của các ngành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử,… Trong từng vụ, việc ấy không thể thiếu vai trò Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đó cũng là nguyên nhân nhiều khâu yếu, việc khó trước đây đã tìm ra cách khắc phục hiệu quả; càng làm càng bài bản, càng có thêm nhiều kinh nghiệm, đưa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đi vào chiều sâu. Công tác phát hiện sớm, xử lý nhanh, sự phối hợp nhịp nhàng, bước nào làm trước, bước nào làm sau giờ đã thành bài bản. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì kiểm tra đảng làm trước, đến xử lý hành chính, sau đó là cơ quan pháp luật.

Nhiều cách làm mới được dư luận đồng tình, như xử vắng mặt, khuyến khích người vi phạm tự giác nhận sai phạm, tự nguyện nộp lại tiền, thì đó là yếu tố xem xét để giảm nhẹ hình thức xử lý.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” mang lại bình yên cho đất nước./.

Tổng Bí thư phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương

"Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng". Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi; nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!"

CTV Bắc Văn/VOV.VN

Chia sẻ bài viết