Căn cứ lòng dân giữa vùng bưng trấp!
Khu vực Bình Thành trong thời chiến tranh là vùng đất bưng biền, địa hình hiểm trở cùng tấm lòng người dân quyết chở che bộ đội là yếu tố thuận lợi để nơi đây trở thành căn cứ cách mạng. Đầu tiên là căn cứ Mớp Xanh được thành lập vào năm 1940.
Di tích lịch sử Cách mạng tỉnh từng là căn cứ cách mạng Tỉnh ủy Long An; ngày nay, di tích là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng giàu ý nghĩa. Ảnh H.Lý
Tại căn cứ này, lực lượng của ta sắp xếp lại chi bộ, tổ chức học tập chính trị, in truyền đơn, lập lò rèn, công binh xưởng,... chế tạo vũ khí. Tuy chỉ tồn tại 4 tháng nhưng căn cứ Mớp Xanh tạo tiền đề cho sự hình thành và phát triển các căn cứ cách mạng trên vùng đất Bình Thành.
Đến năm 1946, khu vực này được gọi với cái tên Quân khu Đông Thành.
Tháng 8/1957, Xứ ủy thành lập tỉnh Long An trên cơ sở hợp nhất tỉnh Tân An và tỉnh Chợ Lớn do đồng chí Huỳnh Châu Sổ làm Bí thư và đồng chí Nguyễn Văn Chính làm Phó Bí thư. Tỉnh ủy Long An chọn Bình Thành - Đức Huệ xây dựng căn cứ cách mạng với các cơ quan: Văn phòng Tỉnh ủy, Tuyên huấn,...
Tháng 9/1963, tại căn cứ Bình Thành, Tỉnh ủy Long An tổ chức hội nghị đề ra phương hướng phá ấp chiến lược, dùng lực lượng vũ trang tiêu diệt đồn bót và lực lượng càn quét của địch, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược. Và, trận đánh đêm 22 rạng ngày 23/11/1963 vào Trại Huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa mở đầu cho phong trào phá ấp chiến lược. Ngoài ra, cũng tại căn cứ Bình Thành, các phương hướng tác chiến được vạch ra nhằm hướng đến giải phóng cơ bản tỉnh Long An, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Căn cứ Bình Thành năm xưa giờ là DT lịch sử Cách mạng tỉnh, thuộc địa bàn xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ. Đến DT, đi sâu vào cánh rừng tràm phía sauĐền tưởng niệm là một số ngôi nhà tranh được phục dựng. Những ngôi nhà ấy từng là nơi hoạt động của các cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy Long An: Ban An ninh, Văn phòng Tỉnh ủy, Hội trường,... Trong số ấy, có ngôi nhà đầu tiên mang tên nhà ông Võ Văn Trạng - nơi các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Long An từng ở và hoạt động cách mạng.
Nhắc đến ngôi nhà này, ông Võ Văn Sóc (con ông Trạng) dù 80 tuổi nhưng vẫn nhớ rất rõ: “Tháng 10-1960 âm lịch, các đồng chí: Huỳnh Châu Sổ, Nguyễn Văn Cứng, Nguyễn Văn Chính, Võ Trần Chí,... ở tại nhà tôi. Lúc đó, trong nhà có 7 căn hầm để các đồng chí hoạt động. Tại đây, Mặt trận Giải phóng Dân tộc cũng được thành lập,...”.
Để chở che cho cách mạng, gia đình ông Sóc không sợ hiểm nguy và sự đánh phá tàn bạo của kẻ thù. Ông kể: “Năm 1962, biết gia đình tôi nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy nên giặc bắn phá nhà tôi tan hoang, cả gia đình phải sơ tán. Đến khi trở về, trong nhà chỉ còn một chiếc mùng, cái mền”.
Giữa vùng đất Bình Hòa Hưng (trước đây là Bình Thành), căn cứ lòng dân năm xưa được tái hiện bằng một công trình mang tên DT lịch sử Cách mạng tỉnh. Từng cụm DT gốc, từng tấm văn bia tưởng niệm, vinh danh anh hùng liệt sĩ cùng những hình ảnh, hiện vật trong nhà trưng bày đều khơi dậy niềm tự hào về truyền thống trung dũng, kiên cường của Long An. Từ đó, nhắc nhở thế hệ hôm nay mãi ghi nhớ công ơn của cha ông ngày trước, nhớ về căn cứ cách mạng từng là nơi hoạt động của Tỉnh ủy Long An. |
Chiến tranh không tránh khỏi sự tàn phá nhưng đáng quý hơn hết là tấm lòng của gia đình ông Sóc và người dân Bình Thành luôn hết lòng vì cách mạng, chở che bộ đội. DT lịch sử Cách mạng tỉnh vì thế được gọi là căn cứ lòng dân giữa vùng bưng trấp!
Phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống
Chiều! Đưa các cháu nhỏ vào khu DT, nhìn ngôi nhà của cha từng là nơi ở và hoạt động của Tỉnh ủy Long An được phục dựng, ông Võ Văn Sóc không khỏi xúc động. Đứng trước ngôi nhà, ông xúc động kể về sự ác liệt trong những năm tháng chiến tranh, về khoảng thời gian nơi này là căn cứ cách mạng để thế hệ con, cháu hiểu thêm về quá khứ cách mạng hào hùng.
“Không chỉ con, cháu trong nhà, thỉnh thoảng tôi cũng nói chuyện với đoàn viên, thanh niên ở địa phương về lịch sử khu DT. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ hôm nay” - ông Sóc chia sẻ.
Trong số cụm di tích gốc, ngôi nhà của ông Võ Văn Trạng cũng được phục dựng. Đây là nơi các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Long An từng ở và hoạt động cách mạng
Ngoài những ngôi nhà được phục dựng trong cánh rừng tràm, khi đến DT, nhìn từng dòng chữ khắc tên các anh hùng liệt sĩ trên 100 tấm bia ghi danh, nhiều người không khỏi nghẹn ngào.
“Qua tìm hiểu, tôi được biết có 26.183 liệt sĩ của tỉnh và những người con trên mọi miền đất nước hy sinh trên đất Long An được vinh danh trên các tấm bia. Sự hy sinh của thế hệ cha ông lớn quá! Vì hòa bình, độc lập hôm nay mà biết bao người hy sinh, vì vậy, thế hệ trẻ chúng ta phải trân quý và phát huy bằng những việc làm thiết thực nhất” - Bí thư Đoàn xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ - Huỳnh Thị Nữ Hoàng bộc bạch.
Tiếp bước truyền thống cha ông, trước hết, thế hệ trẻ phải hiểu về quá khứ lịch sử hào hùng, về những năm tháng hoạt động của quân và dân Long An tại căn cứ cách mạng này. Những chuyến Về nguồn của đoàn viên, thanh niên trong tỉnh tại DT lịch sử Cách mạng tỉnh trong thời gian qua giúp người trẻ hiểu sâu thêm về căn cứ, về truyền thống đấu tranh anh dũng cũng như sự lãnh đạo của Đảng lèo lái con thuyền cách mạng đến bến bờ vinh quang.
Và, mỗi lần đặt chân đến DT, thắp nén tâm hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đọc tên các liệt sĩ được vinh danh, lòng mỗi người lại trào dâng niềm xúc động, tự hào. Từ đó, thế hệ hôm nay càng nâng cao nhận thức, góp sức vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
DT lịch sử Cách mạng tỉnh - nơi ghi dấu bao sự kiện lịch sử trọng đại, bao chiến công oanh liệt của quân và dân Long An trong quá trình đấu tranh chống xâm lược. Thành tích đáng tự hào với 8 chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của quân và dân Long An được tạo nên dưới sự lãnh đạo của Đảng từ địa chỉ đỏ này. Với ý nghĩa ấy, DT xứng đáng được bảo vệ, tôn tạo và phát huy ý nghĩa lịch sử.
Để làm được điều này, theo Phó ban Quản lý DT lịch sử Cách mạng tỉnh - Phạm Hoàng Trang, ngoài việc có nhân viên thuyết minh sẵn sàng phục vụ khách tham quan như hiện nay, di tích cũng cần được quảng bá, giới thiệu qua nhiều hình thức để nhiều người trong và ngoài tỉnh biết, đến tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử.
Tự hào là mảnh đất của vùng căn cứ, chính quyền địa phương cũng chung sức phát huy giá trị di tích. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Hưng - Nguyễn Tấn Đạt cho biết: “Địa phương sẽ tuyên truyền đến người dân, học sinh trên địa bàn biết về DT. Vào các dịp lễ kỷ niệm: Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4; Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7; Quốc khánh 02/9,... địa phương mời các gia đình chính sách đến DT dâng hương tại Đền tưởng niệm và ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng. Phải nói rằng, DT là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân Long An thật ý nghĩa đối với người dân Bình Hòa Hưng nói riêng và thế hệ hôm nay, mai sau nói chung”.
Giữa vùng đất Bình Hòa Hưng (trước đây là Bình Thành), căn cứ lòng dân năm xưa được tái hiện bằng một công trình mang tên DT lịch sử Cách mạng tỉnh. Từng cụm DT gốc, từng tấm văn bia tưởng niệm, vinh danh anh hùng liệt sĩ cùng những hình ảnh, hiện vật trong nhà trưng bày đều khơi dậy niềm tự hào về truyền thống trung dũng, kiên cường của Long An. Từ đó, nhắc nhở thế hệ hôm nay mãi ghi nhớ công ơn của cha ông ngày trước, nhớ về căn cứ cách mạng từng là nơi hoạt động của Tỉnh ủy Long An.
Nhắc nhở thế hệ hôm nay mãi ghi nhớ công ơn của cha ông ngày trước, nhớ về căn cứ cách mạng từng là nơi hoạt động của Tỉnh ủy Long An
Dự án Khu DT lịch sử Cách mạng tỉnh với tổng diện tích 98,25ha, trong đó, phần diện tích xây dựng là 20,2ha với tổng kinh phí đầu tư gần 183 tỉ đồng. Hiện nay, cơ bản hoàn thành những hạng mục về hạ tầng kỹ thuật, Đền tưởng niệm, Nhà khách - nhà truyền thống; một số cụm di tích gốc;... Dự án được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2017).
Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Đức Huệ, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Hưng - Võ Văn Lễ Ngoài việc giáo dục truyền thống yêu nước, khu DT còn là điểm đến của khách tham quan, du lịch kết nối với các địa điểm tham quan khác trong tỉnh. Vì vậy, chúng tôi đề nghị, tỉnh tiếp tục đầu tư thêm cơ sở dịch vụ, nơi ăn, nghỉ cho khách tham quan, nhất là hệ thống giao thông thủy, bộ kết nối với các điểm tham quan khác. Thời gian gần đây, nhiều trường học tại TP.HCM tổ chức tham quan khu DT, ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất của thế hệ cha anh; đồng thời, tổ chức kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn cho thanh niên. Đó là việc làm ý nghĩa, cần nhân rộng. Hiện nay, chưa có tuyến xe buýt để học sinh, sinh viên, công nhân,... đến tham quan khu DT. Do vậy, chúng tôi đề nghị, các cấp, các ngành liên quan nên quan tâm vấn đề này nhằm tạo thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đến với khu DT nhiều hơn. Trần Công Minh - Học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, thị trấn Bến lức, huyện Bến Lức: Em mong muốn các khu DT còn lại của tỉnh được đầu tư xây dựng như Khu DT lịch sử Cách mạng tỉnh để thế hệ trẻ chúng em càng tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc. Ở trường, các thầy cô và Đoàn Thanh niên cũng tổ chức nhiều chuyên đề giáo dục về lịch sử. Ngoài Khu DT lịch sử Cách mạng tỉnh, em còn hiểu sâu thêm về quê hương Bến Lức với Vườn thơm Bà Vụ (xã Tân Hòa), Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (xã Thạnh Đức), Khu lưu niệm cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ,... Qua đó, chúng em càng tự hào về những hy sinh, gian khổ của các thế hệ cha ông trong kháng chiến. Em đề nghị, trong tiết học môn Lịch sử nên minh họa nhiều tranh, ảnh, bài hát,... về các DT lịch sử để tiết học thêm sinh động, hấp dẫn hơn. Minh Đăng (ghi)
|
Nguyễn Ngọc