Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Cách đây 77 năm (1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đứng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa giành độc lập, giành chính quyền và xây dựng chế độ mới, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây không chỉ là một trong những sự kiện nổi bật, vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn là mốc son chói lọi trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, sự kiện mang tầm vóc thời đại, cổ vũ các dân tộc thuộc địa, nhân dân bị áp bức, bóc lột trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội...
Một góc đô thị Tân An hôm nay. Ảnh: Thanh Nga
14 giờ ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam). Trong thông điệp đầu tiên, Người đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Chỉ vài ngày sau đó, Người viết Thư gửi cho học sinh nhân Ngày Khai giảng năm học đầu tiên (1945 - 1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó Người gửi gắm nhiệm vụ và khát vọng chung của cả dân tộc: “... ngày nay chúng ta phải cần xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho nước ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu... Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Tuy nhiên, khát vọng dân tộc “sánh vai với các cường quốc năm châu” đành phải gác lại để dồn sức cho quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn sức mạnh đại đoàn kết trong nước và quốc tế giúp dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và giành thắng lợi vẻ vang, thống nhất non sông. Sau ngày giải phóng miền Nam, hậu quả của hai cuộc chiến tranh kéo dài để lại khiến đời sống của người dân trên khắp cả nước vô cùng khó khăn. Trong hoàn cảnh ấy, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc tiếp tục trở thành động lực để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dốc sức cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết nước nhà.
Những thành tựu nổi bật
Trải qua 77 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng ta đã hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, từng bước đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thành quả vĩ đại và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành động lực, sức mạnh to lớn và là hành trang để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đề ra Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên hành trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sau Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa đường lối đổi mới và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011). Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước với cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng KT - XH lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn mình trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn; khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững; độc lập, chủ quyền được đảm bảo; vị thế và uy tín đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.
Khu dân cư Trung tâm phường 6, TP.Tân An. Ảnh: Thanh Nga
Cùng với những kết quả phát triển về kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên; trang thiết bị, vũ khí hiện đại, vũ khí công nghệ cao được đầu tư nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đã nâng cao vị thế Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong thời gian qua; tiếp tục khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đại hội XIII của Đảng xác định tầm nhìn 5 năm, 10 năm và 25 năm: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa XHCN Việt nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Bảo vệ thành quả 77 năm xây dựng đất nước, đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị
Với mưu đồ phá hoại, từ lâu các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã sử dụng nhiều chiêu trò chống phá Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng và những thành quả xây dựng Nhà nước “của Dân, do Dân và vì Dân” trên đất nước ta. Trong số đó, có những quan điểm cho rằng, chủ nghĩa xã hội là nghèo khổ vì “chủ nghĩa Mác-Lênin dị ứng với sự giàu có”; rằng “Việt Nam không chịu phát triển”, “không thể phát triển” bởi Việt Nam “lạc nhịp” với thế giới,... Thủ đoạn được các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị sử dụng nhiều nhất để phản bác chủ nghĩa Mác-Lênin là sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Theo họ, sự sụp đổ này chứng tỏ chủ nghĩa Mác-Lênin sai lầm từ bản chất, chứ không phải là do nó được nhận thức sai, vận dụng sai...
Long An thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin trong "cuộc chiến" chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Ngân
Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, chúng xuyên tạc rằng các vụ “đại án” liên tiếp xảy ra là do có “đấu đá quyền lực” trong Đảng. Trong "cuộc chiến" chống dịch Covid-19, họ tung ra các luận điệu: “Việt Nam chậm trễ, bị động”; “thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm vắc-xin Covid-19”;... Khi Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe nhân dân; hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn trong dịch bệnh,... thì họ cho đó là “mị dân”. Khi Việt Nam thực hiện chiến lược tiêm vắc-xin phòng Covid-19, họ suy diễn đưa ra những nhận xét phi khoa học, kích động người dân chọn vắc-xin này, tẩy chay vắc-xin kia, và còn rất nhiều luận điệu, thủ đoạn xảo quyệt khác... nhưng xét cho cùng, mục đích cuối cùng của họ cũng chỉ là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ chính trị trên đất nước ta.
Thực tiễn xây dựng đất nước 77 năm qua, trong đó có thành quả của công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay hoàn toàn bác bỏ nhận thức cho rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội cản trở, kìm hãm sự phát triển của đất nước... là những quan điểm sai trái cả về lý luận và thực tiễn. Do đó, cần khẳng định rằng, muốn đất nước giàu có, không những phải “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”; không những phải khơi dậy, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, trí tuệ, sự thông minh, sáng tạo, ý chí khát vọng của con người Việt Nam để chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, làm giàu cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà đồng thời, còn phải chủ động đấu tranh, phê phán, bác bỏ những nhận thức lệch lạc, sai trái bởi nó cũng là một trong những lực cản vô hình nguy hiểm không thể xem thường trên con đường đi tới giàu có, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam./.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Đình Cán