Tiếng Việt | English

02/08/2021 - 11:12

Tăng mức phạt tiền tối đa trong nhiều lĩnh vực khi vi phạm hành chính

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua ngày 13/11/2020 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Đặc biệt, lần này, Luật XLVPHC sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan trực tiếp đến những khó khăn, vướng mắc thường gặp trong thực tiễn thi hành pháp luật về XLVPHC thời gian qua.

Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành và các văn bản có liên quan

Thời gian qua, một số hành vi vi phạm trong nhiều lĩnh vực xảy ra ngày càng phổ biến, tinh vi, nguồn thu lợi bất hợp pháp lớn, gây hậu quả lớn đến xã hội, làm thiệt hại lớn về kinh tế, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, mức phạt tối đa áp dụng trong Luật XLVPHC hiện hành, đối với nhiều hành vi vẫn chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, từ đó, thiếu tính răn đe và không đủ sức phòng ngừa hành vi VPHC. Vì vậy, một trong những đổi mới trong Luật XLVPHC sửa đổi năm 2020 là tăng mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực. Cụ thể, Luật XLVPHC sửa đổi năm 2020 tăng mức phạt tiền tối đa trong 10 lĩnh vực: Giao thông đường bộ từ 40 lên 70 triệu đồng; phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 lên 75 triệu đồng; cơ yếu từ 50 lên 75 triệu đồng; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia từ 50 lên 75 triệu đồng; giáo dục từ 50 lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 lên 200 triệu đồng; thủy lợi từ 100 lên 250 triệu đồng; báo chí từ 100 lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản từ 100 lên 500 triệu đồng.

Ông Lương Văn Chuyên - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 1, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, cho biết: “Hiện nay, giao thông nông thôn tương đối hoàn chỉnh, nhiều tuyến đường được bêtông, nhựa hóa giúp người dân đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, một bộ phận thanh, thiếu niên, kể cả người lớn vẫn còn uống rượu say rồi điều khiển phương tiện không chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ, gây hậu quả nghiêm trọng, có vụ tử vong. Vì vậy, việc tăng mức phạt sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân”.

Ngoài ra, Luật XLVPHC sửa đổi còn bổ sung mức phạt tối đa của 8 lĩnh vực: Đối ngoại, cứu hộ - cứu nạn, an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, kiểm toán nhà nước, cản trở hoạt động tố tụng, bảo hiểm thất nghiệp và in ấn.

Luật XLVPHC sửa đổi cũng bổ sung thêm một số chức danh có thẩm quyền xử phạt, nhất là trong lĩnh vực kiểm ngư: Kiểm ngư viên, Trạm trưởng trạm kiểm ngư,… các chức danh mới như Chủ tịch ủy ban cạnh tranh quốc gia; Trưởng đoàn kiểm toán; Kiểm toán trưởng; một số chức danh trong lực lượng công an nhân dân, quản lý thị trường.

Luật XLVPHC sửa đổi cũng quy định tăng thẩm quyền xử phạt trong một số lĩnh vực cụ thể như tăng thẩm quyền xử phạt tiền của chủ tịch UBND cấp huyện và Giám đốc Công an cấp tỉnh từ 50 lên 100 triệu đồng. Luật cũng bổ sung 8 nhóm chức danh (chủ yếu là các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC mà không phụ thuộc vào giá trị tang vật và phương tiện.

Luật XLVPHC sửa đổi bổ sung biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng là một trong các biện pháp thay thế để XLVPHC người chưa thành niên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Biện pháp dựa vào cộng đồng áp dụng cho người chưa thành niên từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự mà có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý giáo dục. Căn cứ vào quy định này, tòa án nhân dân quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng. Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng vẫn được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập, dạy nghề, tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết