Tiếng Việt | English

02/02/2016 - 16:58

Tết này, con không về

Hằng năm, cứ mỗi độ tết đến, các thành viên trong gia đình lại quây quần, sum họp, nhất là những người con xa quê, rời mảnh đất quê hương mưu sinh nơi khác luôn mong ngóng ngày được về quê ăn tết cùng gia đình. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể thực hiện mong muốn ấy, một số người phải tiếp tục bám trụ lại nơi đất khách tìm cho mình công việc làm thêm hoặc vì hoàn cảnh khó khăn phải ở lại đón tết tại nhà trọ.

Ảnh minh họa: internet

Tết xa quê

Năm nào, vào dịp tết, giá vé tàu, xe cũng tăng vùn vụt. Từ ngày 21-1-2016, Bến xe miền Đông bắt đầu tăng 20% - 60% (tùy theo tuyến, ngày đi) so với ngày thường. Hầu hết những hãng xe lớn như Phương Trang, Mai Linh, Thuận Thảo,... đã bán hết vé những ngày cao điểm từ lâu. Một số xe khác hoạt động ngoài bến thì giá vé xe tết tăng gấp 2, gấp 3 lần. Đơn cử như vé xe về Quảng Nam, Đà Nẵng ngày thường khoảng 380.000 đồng/lượt (bao ăn hai bữa) thì từ ngày 24-12 âm lịch tăng đến 1,1 triệu đồng/lượt.

Chị Nguyễn Thị Thảo, quê ở Thanh Hóa, đang làm việc tại Cty dệt kim Đông Phương, Khu công nghiệp (KCN) Xuyên Á tâm sự: “Tết nào, giá vé tàu, xe cũng tăng cao, tính tiền tàu xe cả 2 lượt cũng hết gần cả tháng lương. Hơn nữa, tết về quê phải chuẩn bị quà thăm viếng họ hàng, không phải ai cũng có điều kiện về quê nên nhiều công nhân chọn giải pháp ăn tết tại nhà trọ”.

Võ Viết Hải, quê ở Quảng Nam, sinh viên năm 4 Trường Đại học Bách khoa TP.HCM than thở: “Năm trước em không về tết, định về nhưng giá vé xe tăng cao quá. Thế là, em ở lại TP.HCM tìm việc làm thêm cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong 1 tháng, năm nay chắc cũng vậy”.

Đồng cảnh ngộ với Hải, anh Trần Văn Quang, quê ở Thanh Hóa, công nhân làm trong KCN Long Hậu chia sẻ: “Vợ chồng mình từ quê vào Long An làm công nhân cũng được 5 năm rồi. Mỗi năm, vợ đều về tết, còn mình, 2 năm mới về 1 lần, chứ 2 vợ chồng cùng về thì tiền xe “tiêu” luôn tháng lương. Ở lại nhớ quê, nhớ nhà, nhớ con nhưng mình đành chịu thôi. Thời gian ở lại tết, nếu không trực Cty mình cũng tranh thủ lên TP.HCM làm bảo vệ tại các quán ăn cũng kiếm được kha khá”.


Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn các khu công nghiệp tổ chức chương trình “Tết sum vầy” cho công nhân lao động

San sẻ yêu thương

Ông Võ Văn Của, chủ nhà trọ tại ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa cho biết: “Gia đình tôi có 25 phòng trọ, bình quân mỗi phòng có từ 3, 4 cháu từ các tỉnh khác đến thuê để đi làm công nhân. Năm nào cũng vậy, các cháu quê ở Cà Mau, Vĩnh Long thì còn cố gắng dành dụm tiền về quê, còn các cháu ở miền Bắc thì hầu như ở lại đón tết tại nhà trọ. Năm nào, vợ chồng tôi cũng mua quà tết tặng các cháu, tuy giá trị không nhiều nhưng cũng phần nào giúp cho các cháu cảm thấy ấm lòng trong những ngày tết khi không có người thân bên cạnh. Ngày mùng 1 tết, tôi làm mâm cơm và mời tất cả các cháu không về quê cùng quây quần vui xuân cho đỡ nhớ nhà”.

Đức Hòa hiện có 10 cụm và 10 KCN tập trung hơn 40.000 công nhân, trong đó, phần đông là người nhập cư. Tết năm nay, Liên đoàn Lao động huyện trao tặng 200 phần quà (mỗi phần 500.000 đồng) cho công nhân không có điều kiện về quê ở khu nhà trọ ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam thuộc Cụm công nghiệp Hoàng Gia. Ngoài ra, UBND huyện Đức Hòa cũng tặng 120 phần, mỗi phần 200.000 đồng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng chung tay chăm lo cho công nhân lao động nghèo không có điều kiện về quê ăn tết, Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn các KCN phối hợp tổ chức chương trình “Tết sum vầy” cho hàng ngàn công nhân đang làm việc tại KCN Tân Đức, huyện Đức Hòa. Chủ tịch Công đoàn các KCN - Nguyễn Xuân Mai cho biết thêm: “Thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn về việc tổ chức “Tết sum vầy” cho tất cả công nhân tại các KCN, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần mang lại cho người lao động một cái tết đầm ấm nhằm thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo, tổ chức công đoàn đến người lao động”.

Tết về, niềm vui sum họp, đoàn viên cùng gia đình luôn thôi thúc những người con xa quê về họp mặt. Thế nhưng, mỗi người mỗi cảnh, không phải ai cũng có đủ điều kiện để về đón tết bên người thân. Vì cuộc sống, nhiều người gác lại nỗi nhớ quê hương, tìm vui trong công việc làm thêm vào những ngày tết để mong có được tương lai tốt đẹp hơn./.

Đức Minh - Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết