Tiếng Việt | English

27/07/2023 - 09:35

Tự hào những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Tháng 7 - tháng tri ân những người đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc, làm lay động nỗi nhớ khôn nguôi của các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) về người chồng, những người con đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc.

Cao cả những tấm lòng

Tuổi đời tròn một thế kỷ, sức khỏe Mẹ VNAH Trương Thị Chiếm (khu phố 3, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) đã yếu, đi lại khó khăn và những cơn đau mỏi ngày một nhiều hơn. Năm xưa, người mẹ kiên cường này từng nuốt nước mắt tiễn con ra mặt trận, nay mẹ vẫn vẹn nguyên, sắt son một lòng vì nước, nén nỗi đau riêng vì cuộc đời chung. Tinh thần ấy, được mẹ truyền cho thế hệ sau gìn giữ và phát huy.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn cùng lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng nhân dịp 27/7 

Mẹ Chiếm sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, nhiều người thân tham gia chống giặc ngoại xâm, trong số đó, có 2 người con của mẹ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Mẹ có chồng khi tuổi đời còn khá trẻ, chồng của mẹ là ông Trần Văn Inh (sau này đổi tên là Lê Văn Inh) tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhiều lần bị địch bắt, tra tấn nên sức khỏe suy yếu, ông mất năm 1995 do bệnh.

Mẹ Chiếm đã bao đêm không tròn giấc ngủ vì thương nhớ 2 người con trai là liệt sĩ Trần Văn Coi và Trần Văn Kiếm. Các anh hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đến nay, có người vẫn chưa tìm được hài cốt. Ngày các anh đi, mẹ còn nhớ rõ. Lúc đó, các anh còn trẻ lắm! Tuy nhiên, tuổi cao, những ký ức, hoài niệm của mẹ Chiếm không còn rõ ràng. Những buổi chiều mưa, mẹ lại ngồi bên thềm nhà nhìn ra ngoài ngõ nhớ về các con. Ở tuổi xế chiều, mẹ sống trong sự chăm sóc, yêu thương của vợ chồng người con trai út.

Tuổi già thường hay lẫn nhưng những câu chuyện về chồng, về con, về cách mạng thì Mẹ VNAH Trần Thị Năm (ấp Tân Đông, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc) vẫn nhớ như in. Qua lời kể của mẹ, ký ức như những thước phim quay chậm tái hiện một phần lịch sử dân tộc. Cũng như những phụ nữ khác trải qua chiến tranh, cả cuộc đời mẹ Năm gắn với sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước. Mẹ Năm có chồng và con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc đời mẹ trải qua những tháng ngày gian truân, nghèo đói khi vùng đất Tân Tập năm xưa không chỉ nhiễm mặn mà còn bị phèn nặng.

Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn Cần Giuộc thực hiện mô hình Người con hiếu thảo tại nhà mẹ Trần Thị Năm

Đất nước giải phóng đã gần 50 năm nhưng mẹ Năm vẫn đằng đẵng nhớ thương, dù biết rằng chồng, con sẽ mãi mãi không về. Tri ân những gia đình có công với nước, những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai, thực hiện mô hình Người con hiếu thảo bằng việc tổ chức các hoạt động chăm sóc Mẹ VNAH, cựu cán bộ Đoàn, cựu thanh niên xung phong, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn trong toàn tỉnh. Qua chặng đường hơn 35 năm, mô hình với tên gọi thân thương, ý nghĩa này được Huyện Đoàn Cần Giuộc duy trì và lan tỏa. Những ngày tháng 7, Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn đã đến nhà mẹ Năm để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và nghe mẹ kể chuyện xưa. Qua đó, hiểu thêm về truyền thống cách mạng, giáo dục lòng yêu nước của thế hệ trẻ.

Mẹ Năm bộc bạch: “Mẹ biết cũng phải có người hy sinh thì đất nước mới được độc lập nhưng mỗi lần nhớ đến các con mẹ lại nghẹn ngào. Còn sống đến từng tuổi này, được chứng kiến quê hương ngày càng đổi mới, phát triển, mẹ rất vui mừng. Mẹ chỉ mong tuổi trẻ hôm nay ra sức gìn giữ nền độc lập mà thế hệ đi trước đã hy sinh để đánh đổi”.

Thành kính tri ân

Từ công lao đóng góp của các mẹ VNAH, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tôn vinh các mẹ: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả 2 miền Nam, Bắc đã sinh ra và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hiện nay, các bà mẹ chiến sĩ đã khuyến khích con cháu mình vào bộ đội đánh giặc cứu nước, còn ân cần nuôi nấng, giúp đỡ và bảo vệ cán bộ, chiến sĩ khác như con cháu mình. Nước ta tự hào có hàng ngàn, hàng vạn bà mẹ quý báu như vậy”.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, dân và quân Long An đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

Công đoàn cơ sở và Chi đoàn cơ sở Báo Long An thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hạnh do đơn vị nhận phụng dưỡng

Kết thúc chiến tranh, tỉnh có 5.365 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH” (hiện nay, chỉ có 83 mẹ còn sống); có trên 3.000 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Kỷ niệm chương tù đày; gần 80.000 người có công được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến. Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đặc biệt, tại Đại hội Anh hùng - chiến sĩ thi đua toàn miền lần thứ II (tháng 9/1967), tỉnh Long An vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út cho biết, những năm qua, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn quan tâm đặc biệt đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Những Bà mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể nhận phụng dưỡng suốt đời và thường xuyên thăm hỏi, động viên về vật chất và tinh thần để an ủi phần nào nỗi đau của các mẹ. Long An cũng là tỉnh đầu tiên có chủ trương xây dựng nhà tình nghĩa cho người thờ cúng Mẹ VNAH.

Thành Đoàn Tân An và Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Uyển (phường 4, TP.Tân An)

Tuy nhiên, sự phụng dưỡng, chăm lo đó so với sự hy sinh, mất mát của các mẹ là rất nhỏ bé. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Út cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể tiếp tục chăm lo nhiều hơn nữa cho các gia đình chính sách; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, dành sự quan tâm đặc biệt đối với các mẹ và gia đình của Mẹ VNAH.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương lòng của bao Bà mẹ VNAH có chồng, con hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc vẫn còn đó. Chẳng có sự đền đáp nào xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các Bà mẹ VNAH. Câu chuyện về cuộc đời, sự hy sinh vô cùng to lớn của các mẹ sẽ sống mãi với thời gian, trở thành huyền thoại, ngàn đời được Tổ quốc ghi công./.

Bà mẹ VNAH là danh hiệu cao quý mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng hoặc truy tặng những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Trong tổng số 5.365 Bà mẹ VNAH trên toàn tỉnh, có 1 mẹ (có chồng và 6 người con là liệt sĩ); 4 mẹ (có chồng và 5 người con là liệt sĩ); 8 mẹ (có chồng và 4 người con là liệt sĩ); 54 mẹ (có chồng và 3 người con là liệt sĩ); 282 mẹ (có chồng và 2 người con là liệt sĩ); 864 mẹ (có chồng và 1 người con là liệt sĩ); 8 mẹ (bản thân và 1 người con là liệt sĩ); 1 mẹ (có 8 người con là liệt sĩ); 3 mẹ (có 6 người con là liệt sĩ); 32 mẹ (có 5 người con là liệt sĩ); 122 mẹ (có 4 người con là liệt sĩ); 766 mẹ (có 3 người con là liệt sĩ); 2.741 mẹ (có 2 người con là liệt sĩ); 479 mẹ (có 1 người con độc nhất là liệt sĩ)

(nguồn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết