Tiếng Việt | English

18/03/2019 - 08:48

Hạnh phúc từ sự yêu thương và chia sẻ

Hạnh phúc là mục đích vươn tới của mọi người, mọi gia đình. Đại thi hào Goethe khẳng định: “Dù là vua hay dân cày, kẻ nào tìm thấy sự bình an trong gia đình, kẻ ấy là người  hạnh phúc nhất”. Câu nói của Goethe không những đề cao vai trò, ý nghĩa của gia đình mà còn nêu ra một quan niệm về hạnh phúc hết sức ý nghĩa, thiết thực. Với người Việt Nam xưa nay luôn đề cao giá trị gia đình thì xây dựng gia đình hạnh phúc luôn là mục tiêu cao đẹp nhất.

Hạnh phúc là một khái niệm rất rộng, tùy vào nhận thức, quan điểm của mỗi người. Tuy nhiên, hạnh phúc của từng cá nhân có liên quan mật thiết đến hạnh phúc của gia đình, hạnh phúc của từng gia đình có liên quan đến cộng đồng và ngược lại. Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là nơi chúng ta sinh ra, lớn lên, hình thành nhân cách. Chính gia đình là nơi nuôi dưỡng trách nhiệm xã hội và tình yêu quê hương, đất nước. Gia đình là môi trường sống thân thuộc, là nơi quan tâm, đồng cảm, yêu thương và chia sẻ của những người ruột thịt. “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” - một thành viên kém may mắn, một gia đình bất hòa sẽ không có được hạnh phúc. Một gia đình hạnh phúc là nơi con người có thể tìm về trú ngụ, tìm sự an ủi khi rơi vào buồn chán, lầm lạc. Gia đình hạnh phúc là gia đình an toàn, lành mạnh. Do vậy, cộng đồng an toàn, hạnh phúc, xã hội lành mạnh là môi trường hết sức quan trọng để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Hiện nay, dù các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể rất quan tâm, xây dựng nhiều phong trào, mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng an toàn nhưng tình trạng bạo hành trong gia đình vẫn còn xảy ra nhiều; ngoài xã hội, vấn nạn hành xử bạo lực còn phổ biến, tệ nạn xã hội còn đe dọa cuộc sống bình yên,... Để xây dựng cuộc sống hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc phải cùng góp phần chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Mỗi thành viên trong gia đình phải nỗ lực làm việc, công tác, lao động, sản xuất, tiết kiệm chi tiêu để phát triển kinh tế gia đình. Xây dựng gia đình văn hóa, tránh xa tệ nạn xã hội; mọi người quan tâm, yêu thương và biết chia sẻ cùng nhau những buồn, vui trong cuộc sống cũng như trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con cái. Các cấp chính quyền, đoàn thể cần đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, văn hóa tinh thần, an ninh, trật tự. Phát huy hiệu quả mô hình Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em; đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm công tác hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn mới phát sinh ở gia đình, cộng đồng, không để phát triển thành điểm nóng. Ngoài ra, cần quan tâm tổ chức các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao để gắn kết gia đình, cộng đồng với nhau.

Với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”, Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2019 (ngày 20/3) sẽ là dịp, chất xúc tác để các thành viên trong gia đình, cộng đồng quan tâm lẫn nhau, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng an toàn, hạnh phúc để những điều tốt đẹp, nhân văn lan tỏa rộng rãi trong xã hội./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết