Tiếng Việt | English

07/03/2019 - 09:54

Phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Cần quyết tâm và biện pháp đồng bộ - Bài 2: Nhiều vụ việc tham nhũng được đưa ra ánh sáng

Hàng loạt các vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí được các cơ quan chức năng tỉnh Long An xử lý kịp thời, tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, lãng phí, nhất là “tham nhũng vặt” vẫn diễn ra và thậm chí diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị.

Cải cách thủ tục hành chính - một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng

Cải cách thủ tục hành chính - một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng

Nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng (TN) được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý, đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi điều tra các vụ án liên quan đến TN.

3 năm, phát hiện 34 vụ việc liên quan đến tham nhũng

Theo Đại tá Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Công an tỉnh, 3 năm qua, lực lượng công an trong tỉnh tiến hành điều tra, truy tố 34 vụ việc/43 bị can phạm tội về TN, thu hồi số tiền trên 6,3 tỉ đồng.

Điển hình như năm 2016, phát hiện kế toán Huỳnh Duy Thanh, Công an huyện Bến Lức, tham ô tài sản với giá trị hơn 2,3 tỉ đồng của đơn vị; Nguyễn Văn Luông - cán bộ UBND xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản; Triệu Thị Hồng Ngọc - công chức Tài chính - Kế hoạch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, nhận hối lộ; Trần Thị Ngọc Cúc và Lê Minh Phi, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nhận hối lộ; Nguyễn Trọng Tính - cán bộ Chi cục Thuế huyện Bến Lức, nhận hối lộ; Nguyễn Đình Vương - công chức Chi cục Thuế huyện Đức Huệ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; Huỳnh Văn Hữu - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7, lợi dụng quyền hạn, chức vụ trong thi hành công vụ. Năm 2017, phát hiện Nguyễn Quốc Lộc, Bảo hiểm Xã hội huyện Mộc Hóa, tham ô tài sản; Trần Tử Vân, Chi cục Thuế thị xã Kiến Tường, tham ô tài sản; Trương Thị Kim Vân, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tham ô tài sản;...

Ngoài ra, còn có các vụ việc liên quan đến TN khác được dư luận quan tâm như vụ vi phạm trong gói thầu cung cấp, lắp đặt camera quan sát do Sở Y tế làm chủ đầu tư tại Khối nhà 4 cơ quan; vụ sai phạm tại Ban Quản lý dự án, Sở Giao thông Vận tải; vụ sai phạm của Trịnh Văn Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu; vụ sai phạm tại UBND xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành; vụ việc chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủ Thừa - Lê Minh Trung tham ô tài sản;...

Qua các vụ việc TN được phát hiện, điều tra, truy tố, đến nay, các cơ quan tố tụng trong tỉnh đã đưa 9 vụ/9 bị cáo ra xét xử trước pháp luật, trong đó, mức án cao nhất 18 năm tù. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng các đơn vị cũng tiến hành xử lý trách nhiệm đối với 14 trường hợp là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu liên quan đến án TN.

Từ việc phát hiện, điều tra, truy tố các vụ việc liên quan đến TN đã góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân vào hệ thống chính trị và các cơ quan bảo vệ pháp luật, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

Điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng gặp nhiều khó khăn

Bên cạnh kết quả đã đạt, theo Công an tỉnh, hiện nay, công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm TN còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối với tình hình phức tạp hiện nay. Tiến độ điều tra, giải quyết các vụ án liên quan đến TN còn chậm, kéo dài, tỷ lệ thu hồi tài sản TN chưa cao,... Sở dĩ công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) gặp nhiều khó khăn, theo Đại tá Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Công an tỉnh, có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, hành vi TN của các đối tượng thường rất tinh vi, phức tạp, có tính liên kết “lợi ích nhóm”, đan xen giữa khu vực công và khu vực tư, xảy ra trên nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tuy thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện nhưng vẫn còn bất cập nhất định, tạo kẽ hở để các đối tượng có điều kiện lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.

“Đối tượng phạm tội liên quan đến TN thường là chủ thể đặc biệt, có chức vụ, có ảnh hưởng và quan hệ xã hội rộng. Quá trình phạm tội thường các đối tượng đã chuẩn bị trước những lý do, tình huống và hợp thức hóa chứng từ, sổ sách, tài liệu hoặc cản trở, gây khó khăn cho quá trình phát hiện, thu thập tài liệu. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có chế tài xử lý đối với đối tượng được mời làm việc nhiều lần nhưng không đến hoặc viện lý do để không hợp tác với cơ quan công an dẫn đến cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn trong việc củng cố chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội” - Đại tá Nguyễn Văn Đức cho biết.

Mặt khác, theo Công an tỉnh, một trong những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ điều tra các vụ việc liên quan đến TN là từ công tác giám định tư pháp hiện nay còn nhiều bất cập, kéo dài, nhất là đối với các vụ việc phải tiến hành trưng cầu giám định về tài chính, kế toán; kinh phí lớn như các vụ việc liên quan đến giám định chất lượng công trình giao thông, xây dựng; một số trường hợp phải trưng cầu giám định ở nhiều nội dung, nhiều ngành, thậm chí có trường hợp chưa xác định được cơ quan trưng cầu giám định như vụ đấu thầu thuốc tại Sở Y tế,... Những nguyên nhân này phần nào dẫn đến thời hạn điều tra một số vụ án kéo dài, quá hạn điều tra.

Theo Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững, hiện nay, tình hình TN, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tình trạng “TN vặt” gây bức xúc trong dư luận nhân dân. PCTN, “TN vặt” rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân./.

(còn tiếp)

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh - Cao Văn Tạo:

Thực hiện Kế hoạch số 82-KH/TU, ngày 24/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống “TN vặt” trên địa bàn tỉnh, Đảng ủy Cục Thuế ban hành Kế hoạch số 267-KH/ĐU, ngày 28/01/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN (“TN vặt”) và Công văn số 28/CT-KTNB, ngày 03/01/2019 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTN. Trong đó, tập trung làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục, quản lý đảng viên, công chức thuế chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên, công chức thuế ở các bộ phận nhạy cảm như thanh tra, kiểm tra, kê khai và kế toán, bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế. Bên cạnh đó, Cục Thuế công bố công khai địa chỉ thư điện tử, số điện thoại tiếp nhận thông tin, phản ánh hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý. Thực hiện nghiêm túc việc quản lý, giám sát qua hệ thống camera công vụ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý công chức có hành vi vi phạm. Nghiêm túc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan khi để xảy ra TN.

Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng:

Nhằm đưa công tác PCTN trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, hàng năm, Sở Xây dựng ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể và triển khai trong toàn đơn vị. Theo đó, năm 2019, sở tiếp tục đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác PCTN, kết hợp triển khai vào ngày tuyên truyền pháp luật định kỳ, chào cờ hàng tuần và các buổi sinh hoạt của từng cơ quan, đơn vị trực thuộc. Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa TN như công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; kê khai tài sản, thu nhập các đối tượng phải kê khai và công khai theo quy định. Phát động cá nhân cán bộ, công chức, viên chức nội bộ cơ quan tích cực phát hiện, tố cáo hành vi TN, lãng phí và tự giác thực hành tiết kiệm. Ngoài ra, sở phối hợp chặt chẽ và thống nhất hành động, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, cấp ủy các chi bộ với Thanh tra sở, Ủy ban kiểm tra Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân trong giám sát, kiểm tra, thanh tra việc PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc thường xuyên tự kiểm tra trách nhiệm của công chức, viên chức nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi TN, lãng phí tại cơ quan, đơn vị mình./.

Kỳ Nam(ghi)

Bài 3: Kiên quyết đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, "tham nhũng vặt"

Kiên Định

Chia sẻ bài viết