Tiếng Việt | English

18/01/2021 - 09:52

Cánh đồng lớn hiệu quả nhưng còn khó mở rộng

Cánh đồng lớn (CĐL) hướng đến sản xuất lúa, gạo hiện đại, theo chuỗi khép kín, tạo ra sản phẩm đồng đều, chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện CĐL, tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rất cần những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn của các cấp, các ngành liên quan.

Mô hình Cánh đồng lớn mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Ảnh: Ngọc Tùng

Mang lại hiệu quả cao

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, toàn tỉnh thực hiện được 129 CĐL với diện tích 14.020,5ha, có 3.097 hộ tham gia, đạt 42% kế hoạch (33.446ha). Khi tham gia CĐL, lượng giống sử dụng giảm so với bên ngoài từ 10-20kg/ha, giảm lượng phân bón 20-22kg/ha, giảm số lần phun và liều lượng phun thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, nông dân sản xuất trong CĐL có lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 2-3 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nông dân tham gia CĐL còn được cung ứng vật tư đầu vào, đào tạo, tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, nhất là nông sản được bao tiêu, tránh tình trạng bị thương lái ép giá.

Thời gian tới, Sở tăng cường phối hợp các ngành liên quan thực hiện chương trình liên kết và phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo và cây ăn quả, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác và câu lạc bộ nông dân, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ nông nghiệp, nhất là dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện

Cách đây 3 năm, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh phối hợp Công ty Cổ phần Mecofood thực hiện CĐL tại ấp Kênh Văn Phòng,  diện tích 210ha với  49 hộ tham gia. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa - Nguyễn Thanh Phương cho biết: “Theo thống kê, thời gian qua, Công ty Cổ phần Mecofood thu mua lúa của nông dân với giá bằng hoặc cao hơn thị trường. Cụ thể, vụ Đông Xuân 2020-2021, Công ty thu mua lúa IR 50404 với giá 6.900 đồng/kg, cao hơn bên ngoài 200 đồng/kg. Ngoài liên kết với Công ty Cổ phần Mecofood, xã còn phối hợp Tập đoàn Lộc Trời xây dựng CĐL tại ấp Đông Nam với diện tích 159ha, 74 hộ tham gia, trong đó nông dân được bao tiêu nông sản với giá thu mua cao hơn bên ngoài 100 đồng/kg; đồng thời, được cung ứng vật tư nông nghiệp đến cuối vụ, không tính lãi. Hàng tuần, nhân viên kỹ thuật của công ty đều thăm đồng, theo dõi tình hình sản xuất”.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, ngụ xã Tân Hòa, là 1 trong 49 hộ được Công ty Cổ phần Mecofood bao tiêu nông sản thời gian qua. Để duy trì liên kết với Công ty Cổ phần Mecofood, bà Ngọc nói riêng, nông dân tham gia CĐL đều chấp hành tốt các khuyến cáo của công ty; đồng thời, công ty cũng luôn quan tâm đến lợi nhuận của nông dân. Bà Ngọc khẳng định: “Qua 3 năm ký kết với Công ty Cổ phần Mecofood, nông dân chưa từng bị ép giá. Thậm chí, giá lúa có thấp hơn so với ký kết giữa nông dân và công ty thì công ty vẫn mua theo giá đã ký kết, không “bẻ kèo” với nông dân. Điều này giúp nông dân tin tưởng khi tham gia CĐL”.

Còn tại xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, thời gian qua, nông dân cũng liên kết với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng CĐL. Cụ thể, hiện nay, Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng được hơn 50ha CĐL tại xã Bình Hòa Tây. Anh Trần Minh Quang, ngụ xã Bình Hòa Tây, cho biết: “Nông dân sợ nhất là mua phải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Vì vậy, khi Tập đoàn Lộc Trời ký kết với nông dân về việc bao tiêu sản phẩm và cung cấp vật tư nông nghiệp đến cuối vụ, không lấy lãi, tôi đồng ý ngay. Tính đến nay, tôi đã phối hợp Tập đoàn Lộc Trời được 5 năm”.

Tham gia cánh đồng lớn, số lần phun và liều lượng phun thuốc bảo vệ thực vật giảm

Để “cánh đồng lớn” thật sự “lớn”

Bên cạnh kết quả, việc nhân rộng hoặc duy trì CĐL ở tỉnh vẫn còn gặp  khó khăn. Cụ thể, nông dân và các công ty, doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung, chưa chia sẻ hài hòa lợi ích khi giá cả thị trường biến động, làm phá vỡ liên kết dẫn đến mất lòng tin giữa hai bên.

Nông dân tham gia cánh đồng lớn được bao tiêu nông sản

Số lượng doanh nghiệp đến các địa phương còn ít, từ đó nông dân không có nhiều cơ hội lựa chọn doanh nghiệp để tham gia liên kết. Một số doanh nghiệp, công ty đến địa phương trên tiêu chí xây dựng cánh đồng lớn nhưng chủ yếu là giới thiệu và bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cánh đồng lớn chậm phát triển về quy mô, số lượng”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và  Thủy lợi tỉnh - Lê Hồng Sơn

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Nguyễn Thị Kham Ly cho biết: “Trước đây, một số công ty, doanh nghiệp đã ký kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng khi giá lúa xuống thấp thì lại bỏ không mua, thậm chí mua mà không trả tiền cho nông dân. Trong khi đó, nông dân lại không dám bán ra bên ngoài vì sợ phá vỡ hợp đồng sẽ phải đền bù. Ngoài ra, một số công ty, doanh nghiệp đến địa phương trên tiêu chí xây dựng CĐL nhưng không bao tiêu sản phẩm mà chú trọng đến bán vật tư nông nghiệp; một số chính sách ưu đãi còn nặng về thủ tục hành chính và chưa thu hút, tác động mạnh đến liên kết và tiêu thụ sản phẩm;... Những khó khăn này đã làm ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích CĐL của huyện thời gian qua không đạt chỉ tiêu, kế hoạch tỉnh giao”.

CĐL là sự liên kết tối ưu giữa nông dân và doanh nghiệp nhưng hiện nay, doanh nghiệp thiếu vốn trong việc bao tiêu nông sản cho nông dân, từ đó chuyển dần sang phương thức thu mua truyền thống như trước đây. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Nguyễn Thanh Nam, trước đây, huyện cũng có nhiều công ty, doanh nghiệp hỗ trợ chi phí ban đầu cho nông dân trước mùa vụ từ 3-5 triệu đồng/ha để bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, một phần vì lợi nhuận, một phần vì thiếu vốn nên đến nay, các công ty, doanh nghiệp không tiếp tục hỗ trợ nông dân mà chuyển sang mua lúa thông qua “cò”. Điều này làm cho địa phương khó thực hiện được việc xây dựng CĐL.

Nhìn nhận về những khó khăn hiện nay trong phát triển CĐL, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Lê Hồng Sơn cho biết, hiện nay, một số địa phương còn lúng túng trong việc nắm tình hình thực hiện CĐL của các doanh nghiệp dẫn đến việc quản lý, điều hành còn hạn chế. Bên cạnh đó, nông dân cũng còn tâm lý ngại tham gia hội họp cũng như ít tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác. Mặt khác, hợp đồng liên kết đôi khi thiếu chặt chẽ, nông dân và doanh nghiệp đều có thể dễ dàng phá vỡ hợp đồng khi giá cả biến động.

“Số lượng doanh nghiệp đến các địa phương còn ít, từ đó nông dân không có nhiều cơ hội lựa chọn doanh nghiệp để tham gia liên kết. Một số doanh nghiệp, công ty đến địa phương trên tiêu chí xây dựng CĐL nhưng chủ yếu là giới thiệu và bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến CĐL chậm phát triển về quy mô, số lượng” - ông Sơn cho biết thêm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin, năm 2021 và những năm tới, để CĐL đạt những kết quả cao hơn, Sở xác định một số nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện như: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, xây dựng, phát triển các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp; tiếp tục phối hợp các ngành liên quan hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, tìm kiếm các đối tác, thu hút các doanh nghiệp tham gia xây dựng CĐL; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các cuộc hội chợ, triển lãm; xây dựng thương hiệu cho các nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh; hướng dẫn địa phương lập kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ của hợp tác xã và doanh nghiệp; tham mưu tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình thực hiện liên kết sản xuất tại địa phương, nắm bắt những khó khăn, thuận lợi để kịp thời đưa ra hướng giải quyết.

“Thời gian tới, Sở tiếp tục hỗ trợ địa phương triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ đóng vai trò tham mưu trong việc triển khai thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời về hợp tác thực hiện phát triển chuỗi giá trị lúa gạo. Ngoài ra, Sở tăng cường phối hợp các ngành liên quan thực hiện chương trình liên kết và phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo và cây ăn quả, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác và câu lạc bộ nông dân, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ nông nghiệp, nhất là dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh” - ông Thiện thông tin thêm.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, hy vọng nông dân sẽ tích cực tham gia CĐL. Có như vậy, CĐL mới có thể thật sự “lớn” trong thời gian tới./.

Khi tham gia cánh đồng lớn, lượng giống sử dụng giảm so với bên ngoài từ 10-20kg/ha, giảm lượng phân bón 20-22kg/ha, giảm số lần phun và liều lượng phun thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, nông dân sản xuất trong cánh đồng lớn có lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 2-3 triệu đồng/ha.

Kim Ngọc - B.Tùng

Chia sẻ bài viết