Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Ngành Văn hóa tỉnh Long An

Đa dạng hoạt động mừng xuân

Tết Nguyên đán Ất Mùi đang đến gần, không khí mùa xuân đã bắt đầu lan tỏa trên khắp đường làng, ngõ xóm. Góp phần không nhỏ để người dân đón một cái tết trọn vẹn, không thể thiếu vai trò của ngành Văn hóa, một bài ca, một điệu múa cũng là một “cánh én” mang xuân về…

Ảnh minh họa: Kim Khánh

Nhờ các hoạt động văn hóa, văn nghệ mà ngày xuân của người dân thêm phần vui tươi, ý nghĩa

Hiện nay, các diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An đang ráo riết tập luyện để chuẩn bị chương trình phục vụ tết. Theo Phó đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An - Biện Hữu Hùng Dũng, tết năm nay, đoàn sẽ bắt đầu phục vụ từ 23 tháng Chạp âm lịch. Những nơi đoàn biểu diễn là Hội Hoa xuân ở Công viên TP.Tân An, các phân trại K1, K2, K3 của Trại giam Thạnh Hòa,… Ngoài ra, đoàn còn phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa của các huyện: Bến Lức, Thạnh Hóa, Thủ Thừa. Bên cạnh đó, để mang đến bữa tiệc tinh thần vui tươi, góp thêm nụ cười trong những ngày xuân mới cho công nhân xa nhà không về quê đón tết. Ngày 29 tháng Chạp và mùng 3 tết, đoàn sẽ biểu diễn tại Vườn xuân Khu công nghiệp Tân Đức (Đức Hòa). Chương trình sẽ là một chuỗi tổng hợp các bài tân nhạc, cổ nhạc với chủ đề “Xuân quê hương”. Trong đó, khán giả sẽ thưởng thức màu sắc cổ trang qua vở cải lương mang tên “Người giấu mặt”. Đây là vở diễn hứa hẹn thu hút đông đảo khán giả vì được dàn dựng, đầu tư kỹ với phần diễn xuất của những gương mặt diễn viên trẻ trong đoàn.

Còn đối với hoạt động triển lãm, trưng bày các hiện vật lịch sử, khảo cổ, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh - Nguyễn Thị Sáu cho biết: “Bảo tàng sẽ mở cửa ngày đêm phục vụ người dân tham quan từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 3 tết. Trong đó, các hoạt động trưng bày chủ yếu là Văn hóa Óc Eo - thời kỳ Sơ sử, Tiền sử và thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đồng thời, Bảo tàng trưng bày Mỹ thuật - Mỹ nghệ, chủ yếu là các tượng điêu khắc; mỹ thuật cách mạng gồm các tranh kháng chiến; phối hợp các huyện triển lãm bộ ảnh “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Lịch sử Việt Nam 4000 năm dựng nước và giữ nước”, “Lịch sử Việt Nam qua tư liệu và hình ảnh”. Đặc biệt, Bảo tàng sẽ cùng các huyện lần lượt tổ chức lễ đón nhận 3 bằng chứng nhận Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây (huyện Tân Trụ), Lễ Làm chay (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) và Lễ hội vía Bà Ngũ Hành (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) được đưa vào danh mục Di sản phi vật thể cấp quốc gia. Riêng trong ngày rằm tháng Giêng, ngoài Lễ Làm chay, đình Tân Xuân sẽ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trước đó, Bảo tàng sẽ kết hợp với báo, đài tuyên truyền thông tin về 5 Di sản phi vật thể cấp quốc gia vừa được chứng nhận bao gồm 3 lễ hội trên cùng Tục cúng Việc lề và Nghề dệt chiếu lác (huyện Cần Đước, Bến Lức, Tân Trụ).

Bên cạnh các hoạt động nêu trên, đây cũng là thời điểm các Trung tâm Văn hóa (TTVH) huyện “chạy nước rút” chuẩn bị phục vụ người dân trong những ngày xuân. Tại huyện Vĩnh Hưng, hiện TTVH đang khẩn trương huy động nhân sự, bao gồm cả các cộng tác viên thường xuyên để chuẩn bị tập dợt biểu diễn trong các sự kiện, lễ hội sắp đến. “Năm nay, TTVH sẽ phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức Hội thi “Phụ nữ duyên dáng Vĩnh Hưng”. Hội thi gồm các phần thi về dáng vóc, trang phục, ứng xử với mục đích không chỉ chọn ra những người đẹp về ngoại hình lẫn tâm hồn mà còn tạo cho các chị em một sân chơi để thể hiện tài năng, có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau.  Trong chuỗi hoạt động phục vụ tết, TTVH phối hợp Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên tổ chức Hội thi “Ca nhạc trẻ mừng xuân mới” với các bài hát chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân, các ca khúc về Bác Hồ, mừng quê hương đổi mới,... Ngoài ra, TTVH còn tổ chức giao lưu Đờn ca tài tử giữa CLB của các xã trong huyện. Là huyện biên giới, hằng năm, Vĩnh Hưng còn biểu diễn phục vụ tết đối nội, đối ngoại. Với tết đối nội, TTVH sẽ biểu diễn trong các cuộc họp mặt lãnh đạo huyện đầu năm. Về đối ngoại thì biểu diễn các tiết mục văn nghệ chào xuân trong buổi giao lưu, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân các xã 2 bên biên giới” - Giám đốc TTVH huyện Vĩnh Hưng - Châu Phú Hùng thông tin.

Một trong những TTVH có nhiều hoạt động nhất tỉnh là huyện Cần Đước với sự kiện nổi bật là Hội xuân. Theo Giám đốc TTVH huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Phục, năm nay, Hội xuân được chia thành 4 cụm gồm các chuỗi hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân kéo dài từ ngày 25 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến hết mùng 4 tháng Giêng năm Ất Mùi. Bên cạnh các thông tin tuyên truyền, triển lãm, nội dung được nhiều người dân hưởng ứng nhất của Hội xuân chính là các chương trình văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là các hội thi đã duy trì lâu năm như: Phụ nữ duyên dáng, Thanh niên thanh lịch, Liên hoan nhóm ca khúc trẻ, Tiểu phẩm sân khấu, Tiếng hát măng non từ các trường mẫu giáo, Hội diễn nghệ thuật quần chúng của các trường THPT. Tuy chỉ là các phong trào quần chúng, “cây nhà lá vườn” nhưng năm nào cũng thu hút người dân tham gia, cổ vũ. Ngoài ra, Hội thi cắm hoa và cắt tỉa củ, quả nghệ thuật, Hội thi chim hót cùng các dịch vụ thương mại như gian hàng chụp ảnh, thư pháp, quà lưu niệm cũng được người dân quan tâm trong nhiều năm liền. Về Cần Đước những ngày xuân, chắc chắn mọi người sẽ cảm nhận được không khí rộn rã với các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc diễn ra hằng đêm để phục vụ nhân dân.

Không chỉ tại những địa phương trên mà khắp nơi trong tỉnh, thời điểm này, nơi nơi đều đang tất bật chuẩn bị cho mùa xuân mới. Đôi khi, các hội thi, các tiết mục biểu diễn là của những “nghệ sĩ” không chuyên nhưng các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ mộc mạc, giản dị mà vui tươi lại giúp người dân có thêm món ăn tinh thần để ngày xuân càng thêm ý nghĩa.

Thùy Hương-Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết