Sau khi bị Pháp bắt, kết án 10 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai (1940), Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí Lê Duẩn được đón trở về đất liền.
Ngày 23/9/1945, quân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cho cuộc tái xâm lược nước ta lần thứ hai, cũng là lúc cuộc kháng chiến ở Nam bộ bùng nổ. Ngày 25/10/1945, tại Hội nghị Thiên Hộ (tỉnh Mỹ Tho) - hội nghị chấn chỉnh và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về việc lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ, đồng chí Lê Duẩn được đề nghị đảm trách nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy.
Đến đầu năm 1946, đồng chí ra Hà Nội và cuối năm này, được Trung ương Đảng cử trở vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ.
Đồng chí Lê Duẩn nói chuyện tại cuộc míttinh ở Hội trường tỉnh trong lần về thăm Long An (tháng 3/1978). Người đi phía sau là Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Chính (Chín Cần)
Năm 1947, Hội nghị cán bộ Trung ương lần hai nghị quyết vấn đề xây dựng căn cứ địa, nhấn mạnh "mỗi khu, tỉnh phải xây dựng ngay căn cứ địa cho mình". Tỉnh Tân An (lúc này chưa có tỉnh Long An mà chỉ có Tân An - Chợ Lớn) với đặc thù có vùng Đồng Tháp Mười hiểm địa, từng là nơi Thiên Hộ Dương lấy làm căn cứ kháng chiến (1864-1866), là nơi các chiến sĩ ta trú đóng sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (1940), việc xây dựng căn cứ không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu tiến hành cuộc kháng chiến của địa phương mà còn để bảo vệ các cơ quan lãnh đạo của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang,... của khu và của Nam bộ.
Trên tinh thần ấy, Ban Căn cứ địa Khu 8 phối hợp Tỉnh ủy Tân An và Huyện ủy Mộc Hóa tiến hành “quy hoạch” khu căn cứ Đồng Tháp Mười, xác định khu vực trú đóng của từng cơ quan, đơn vị. Đồng Tháp Mười - Tân An trở thành căn cứ của các cơ quan đầu não của Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính, lực lượng vũ trang,..., gắn liền với hoạt động của các đồng chí: Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Nguyễn Bình, Phạm Văn Bạch,Trần Văn Trà, Huỳnh Tấn Phát,... trong những năm đầu lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ, từ năm 1946-1949.
Trong thời kỳ mà "cả Nam bộ đều có mặt ở Đồng Tháp Mười" này (theo cách nói của một đồng chí lãnh đạo Xứ ủy bấy giờ), đồng chí Lê Duẩn với cương vị là Bí thư Xứ ủy, chức vụ chính quyền là Trưởng phòng Dân quân, sống và làm việc tại nhà ông Nguyễn Văn Siêu (người dân Đồng Tháp Mười đặt tên là "Ông già Độc Lập") và bà Nguyễn Thị Thay (má Tám) ở xã Nhơn Hòa Lập (nay thuộc huyện Tân Thạnh). Gia đình ông Siêu, bà Thay nói riêng, người dân Tân Thạnh, Long An nói chung hết lòng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tạo mọi điều kiện để đồng chí Lê Duẩn làm việc, lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ.
Trong nhiều sự kiện diễn ra trong thời gian đồng chí Lê Duẩn ở Đồng Tháp Mười, có một sự kiện quan trọng, đó là cuối tháng 7/1948, tại địa điểm khu miếu Bà trên bờ kênh Năm Ngàn (nay thuộc xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh), Đại hội đại biểu Xứ Đảng bộ Nam bộ lần thứ nhất được triệu tập, do đồng chí Lê Duẩn (được ủy nhiệm thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng) chủ trì. Đại hội bầu Xứ ủy chính thức và trực tiếp bầu đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy.
Đây được xem là đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể của các địa phương Nam bộ trong giai đoạn chống chiến lược bình định của địch những năm 1948-1950, cũng là thời điểm Xứ ủy chính thức kết thúc thời kỳ hoạt động lâm thời kéo dài từ cuối 1945.
Những năm tháng đồng chí Lê Duẩn ở Đồng Tháp Mười - Tân An lãnh đạo cách mạng (1947-1949) cũng là thời gian nơi đây trở thành niềm tự hào không của riêng Long An mà cả Nam bộ, được cả nước biết đến như là "thủ đô kháng chiến" của Nam bộ với nền “văn hóa kháng chiến bưng biền”.
Đó là thời kỳ mà chính quyền kháng chiến với các chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa mới trong nhân dân, làm cho vùng căn cứ Đồng Tháp Mười có sự chuyển biến sâu sắc về đời sống KT-XH mà theo lời kể của đồng chí Hùng Sinh - Đội trưởng củng cố chi bộ thuộc Ban Tổ chức Xứ ủy Nam bộ, là có bô lão so sánh "như xã hội Nghiêu - Thuấn tái hiện" - một xã hội cổ đại ở Trung Quốc với hai vị vua "đại hiền" mà quan niệm trong nhân gian xem là hình mẫu của thái bình, thịnh đạt.
Từ nửa cuối năm 1949, cuộc kháng chiến của quân và dân tỉnh Tân An bước vào giai đoạn khó khăn hơn trước do chiến thuật De Latour với hệ thống đồn bót, tháp canh của địch giăng dựng khắp nơi, khống chế chặt chẽ hành lang liên lạc từ miền Đông xuống miền Tây của ta. Căn cứ Đồng Tháp Mười liên tục bị địch tổ chức đánh phá.
Sau Hội nghị Xứ ủy chuyên đề quân sự ở Đồng Tháp Mười (tháng 9/1949) do đồng chí Lê Duẩn chủ trì, ta chủ trương rút các cơ quan cấp Nam bộ về căn cứ U Minh. Ngày 20/10/1949, lực lượng vũ trang Khu 8 gồm 4 tiểu đội trên chính thức tiễn đưa đồng chí Lê Duẩn rời đất Tân An sau hơn 2 năm gắn bó về miền Tây để tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp (1945-1954).
Sau ngày đất nước thống nhất, giữa tháng 3/1978, Đảng bộ và nhân dân tỉnh vinh dự được đón đồng chí Lê Duẩn, lúc bấy giờ là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thăm lại Long An.
Thời gian này, đồng chí Lê Duẩn được lãnh đạo tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) - Bí thư Tỉnh ủy đưa đi thăm Nông trường Nước Mục, vùng trồng thơm Lương Hòa (Bến Lức), Xí nghiệp Dệt Cầu Voi, làm việc với Ban Chỉ huy Nông trường Long Hải I, II, xem triển lãm các hiện vật khảo cổ vừa được khai quật ở di chỉ An Sơn (huyện Đức Hòa) và đặc biệt là thăm lại căn cứ xưa, các cơ sở cách mạng ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh (lúc bấy giờ còn là huyện Mộc Hóa) sau 30 năm.
Tại tỉnh, đồng chí có cuộc nói chuyện với hơn 100 cán bộ lãnh đạo các ty, ban, ngành, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an cấp tỉnh trong buổi míttinh chào mừng được tổ chức ở Hội trường lớn.
Đồng chí Lê Duẩn (áo trắng, ngồi giữa) về lại căn cứ xưa, thăm cơ sở cách mạng ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh trong lần về thăm Long An (tháng 3/1978). Người ngồi bên phải là má Tám
(Nguyễn Thị Thay)
Với tư cách là người đứng đầu Trung ương Đảng, sự kiện đồng chí Lê Duẩn thăm lại Long An lúc bấy giờ là sự cổ vũ, động viên lớn đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh trong nhiệm vụ thi đua lao động sản xuất xây dựng lại quê hương và tập trung nỗ lực bảo vệ biên giới Tổ quốc.
Cho đến lúc từ trần (10/7/1986), đồng chí Lê Duẩn không có dịp trở lại Long An nhưng những gì đồng chí lưu dấu trên mảnh đất "trung dũng, kiên cường" này trong các thời kỳ cách mạng mãi mãi đi vào lịch sử vì là nơi từng chở che và ghi dấu hoạt động của nhà cách mạng lỗi lạc, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ - nơi đồng chí Lê Duẩn từng sống và lãnh đạo cách mạng miền Nam được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2007, đang triển khai xây dựng một số công trình hạng mục chính. Ðây là một trong những di tích trọng điểm của tỉnh nhằm giáo dục truyền thống, kết nối du lịch, quảng bá di sản văn hóa, hình ảnh địa phương, góp phần phát triển KT-XH tỉnh nhà./.
Nguyễn Tấn Quốc