Tiếng Việt | English

09/02/2020 - 15:00

Giảm thiệt hại do xâm nhập mặn ĐBSCL: Một thách thức lớn

Nước mặn đã lấn sâu 100km vào đất liền ĐBSCL. Lo dịch bệnh trước mắt, người dân vùng nhiễm nước mặn càng rầu hơn khi sinh kế ngày càng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Văn Lân - xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre - cắt lúa non nhiễm mặn trên 5 công ruộng nhà mình về cho dê ăn. Ảnh: M.Trường

Không thể xem nhẹ tình trạng hạn mặn đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, được đánh giá có mức độ gay gắt hơn so với trận hạn mặn lịch sử mùa khô 2016.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định đến ngày 16/02 tới, nước mặn sẽ xuất hiện với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất khoảng 4‰, xâm nhập sâu hơn cùng kỳ năm 2016. Tình trạng khô hạn khốc liệt cũng được dự báo sớm và đang diễn ra. Những nguyên nhân nội tại và bên ngoài làm cho hạn mặn ngày càng khốc liệt hơn đã được chỉ rõ. Vấn đề là tình trạng hạn mặn diễn ra theo chu kỳ nhanh hơn, thay đổi thất thường, đòi hỏi sự chủ động thích ứng cùng các giải pháp ứng phó tốt hơn trước mắt và lâu dài.

Các dự án điều tiết nước đã giúp các địa phương trong vùng phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn hiệu quả. Cống âu thuyền Ninh Quới trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp góp phần điều tiết mặn - ngọt cho 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang, ngăn tác hại tình trạng xâm nhập mặn vùng lúa, hoa màu trong tiểu vùng. Tiểu dự án Măng Thít ở tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, dự án Bắc Bến Tre, trạm bơm Xuân Hòa ở tỉnh Tiền Giang cũng kịp hoàn thành vào cuối năm 2019, bước đầu ứng phó hạn mặn.

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 5.000ha lúa vùng bắc quốc lộ 1 tỉnh Bạc Liêu đang thiếu nước ngọt trầm trọng, 5.000ha nuôi tôm, một diện tích lớn tiểu vùng ngọt sản xuất rau màu đang bị đe dọa. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL.

Kinh nghiệm "sống cùng hạn mặn" trong dân gian cần tiếp tục phát huy. Từ bao đời nay, người dân ven biển đã biết dùng lu, khạp trữ ngọt mùa mưa dùng cho mùa khô. Lâu nay chúng ta xây dựng hệ thống thủy lợi chủ yếu để thoát lũ, nên chuyển sang trữ ngọt và dùng nước tiết kiệm. Từ xưa, cùng với mùa nước nổi, thiên nhiên đã hình thành các "túi nước tự nhiên" khổng lồ ở vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên để trữ nước.

Tư duy đó cần được nâng tầm bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Sản xuất nông nghiệp cần áp dụng "3 chuyển dịch": dịch chuyển lịch thời vụ để "né hạn mặn", sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa. Kèm theo đó là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công.

Tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi tự nhiên và xã hội. Vừa phòng tránh dịch bệnh vừa thích ứng, giảm tối thiểu thiệt hại hạn mặn gay gắt là một thách thức lớn. Những giải pháp công trình rất cần, nhưng các giải pháp phi công trình là không thể thiếu. Chính quyền và người dân không thể ngồi chờ, nhưng cũng không nên đổ tiền vội vã vào các công trình cục bộ. Bài toán cân bằng tổng thể và yêu cầu "chi phí - lợi ích" cần được đặt ra trước tiên cho bất kỳ một quyết định đầu tư nào.

Hạn mặn năm 2020 diễn ra gay gắt hơn năm 2016 nhưng đã được cảnh báo sớm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn mặn, thiệt hại có thể sẽ thấp hơn rất nhiều so với năm 2016 nếu được các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân chủ động, tích cực phòng tránh. Lo dịch bệnh nhưng không quên hạn mặn cũng là yêu cầu cấp bách!

Đã phải mua nước ngọt

Ông Võ Văn Nam - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre - cho biết hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 5.287ha lúa đông xuân, toàn bộ có nguy cơ bị mất trắng vì nước mặn. Ông Trần Quốc Khánh - trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre - cho biết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất đã xảy ra nhiều năm nay ở huyện. Người dân được khuyến cáo tích nước trong nương vườn để dành tưới cho cây màu mùa mặn.

Nhiều người khoan giếng lấy nước tưới cây. Riêng nước sinh hoạt, theo ông Khánh, ngay như gia đình ông ở ngay thị trấn Ba Tri mấy hôm nay cũng đã phải sử dụng nước có độ mặn 1,8‰. Nước này để tắm giặt, còn nấu nướng thì dùng nước mưa. Nhà nào không có điều kiện trữ nước mưa phải mua nước từ những xe bồn với giá cao ngất ngưởng, khoảng 70.000 đồng/khối.

Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng hạn mặn sớm nhất. Ngay từ những tháng cuối năm 2019, nước mặn đã lấn sâu vào các nhánh sông chính, gây xáo trộn sản xuất đến tận huyện Chợ Lách, một huyện nằm sâu trong đất liền của tỉnh Bến Tre. Đây được đánh giá là đợt xâm nhập mặn bất ngờ nhất và nhanh nhất từ trước đến nay.

Mậu Trường (ghi)

Ông Nguyễn Văn Lân (xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre):

Cắt lúa non cho bò dê ăn

Từ sau đợt mặn 2016, chúng tôi được khuyến cáo không gieo sạ lúa vụ 3. Năm nay, Nhà nước khuyến cáo từ đầu vụ. Khổ nỗi ruộng đất này không trồng lúa thì trồng gì! Ruộng bỏ không ai cũng tiếc và sống bằng gì nên cứ làm lúa, coi như 5 ăn 5 thua, nếu không bị mặn thì lúa đông xuân thường có năng suất cao. Nhà tôi có 5 công ruộng, lúa đã hơn 1 tháng, kết quả đo độ mặn nước ruộng nhà tôi là 3‰, đã mặn chát vầy rồi lúa nào sống nổi!

Nhà tôi có dê và bò. Biết trước sau gì cũng mất trắng mùa lúa này nên cắt hết lúa cho dê, bò được ăn lúa còn non. Cũng có người thôi trồng lúa, đã lên liếp trồng dừa, trồng cỏ, những thứ chịu được mặn. Nhưng không dễ quyết định chuyện này khi người dân chưa nhìn thấy sinh kế bền vững lâu dài thay cho việc trồng lúa.

Trần Hữu Hiệp/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết