Tiếng Việt | English

06/11/2019 - 09:00

Long An: Đưa pháp luật vào cuộc sống

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về việc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; người dân được thông tin, học tập pháp luật để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Hướng về cơ sở

Định kỳ hàng tuần, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Trăng lại đến nhà các hộ dân, đoàn thể trên địa bàn đơn vị đóng quân để làm công tác dân vận, khi thì giúp người dân sửa nhà, khi thì dọn vườn, trò chuyện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân sống trên khu vực biên giới. Trong mỗi câu chuyện, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Trăng lại kết hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến biên giới để người dân hiểu và chấp hành nghiêm. Theo Đại úy Nguyễn Xuân Linh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Trăng, trước đây, công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng biên giới chủ yếu được thực hiện trong các cuộc họp dân nhưng thời gian qua, đồn còn đẩy mạnh tuyên truyền nhỏ, lẻ, hướng đến từng nhóm hộ và từng hộ dân. Đây vừa là cách tuyên truyền hiệu quả, vừa là cách để mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Trăng đến từng hộ dân tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Quán Cà phê sách của Huyện đoàn Cần Giuộc từ khi đi vào hoạt động đến nay đã trở thành điểm đến lý tưởng của đoàn viên, học sinh và người dân địa phương. Theo Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Nguyễn Hải Phú, ngoài không gian ấm cúng để thưởng thức ly cà phê, nước uống thì gần 2 năm qua, quán còn là nơi hội tụ những người yêu sách, muốn tìm hiểu tri thức, pháp luật. “Với hơn 500 đầu sách hiện có và thường xuyên được bổ sung, nơi đây đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các bạn đoàn viên, học sinh cũng như người dân. Đặc biệt, các chương trình tuyên truyền, PBGDPL, ngày hội đọc sách thường xuyên được tổ chức tại quán; bố trí các tủ sách pháp luật, nhất các luật, nghị định mới được cập nhật đầy đủ, kịp thời, qua đó, giúp người dân tiếp cận sâu hơn với quy định của pháp luật” - Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Nguyễn Hải Phú cho biết.

Nếu như huyện Cần Giuộc xây dựng được mô hình Cà phê sách thì tại huyện Cần Đước, nhiều năm qua, duy trì và phát huy hiệu quả tốt mô hình Điểm sáng pháp luật và Niềm tin trợ giúp. Mô hình Điểm sáng pháp luật hiện duy trì và phát triển tại tất cả các xã, thị trấn, thậm chí một số doanh nghiệp cũng xây dựng được tủ sách pháp luật phục vụ nhu cầu của công nhân. “Riêng mô hình Niềm tin trợ giúp, hiện nay, huyện Cần Đước thành lập Trung tâm Tư vấn pháp lý do Hội Luật gia của huyện thực hiện, trụ sở đặt ngay điểm tiếp dân để tạo thuận tiện cho người dân khi cần tư vấn pháp luật. Trong thực hiện các mô hình, huyện luôn chú trọng nội dung và hình thức, tùy từng đối tượng mà tuyên truyền phù hợp. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thông tin công khai, minh bạch các thủ tục để người dân thuận tiện hơn trong làm việc hồ sơ, giấy tờ cũng như nắm rõ các quy định của pháp luật” - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Bảy cho biết.

Ngoài ra, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cũng được các trường học áp dụng, triển khai phù hợp với tâm lý, lứa tuổi học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, hội thi, hội trại chủ đề pháp luật, tiết học pháp luật, các chương trình đọc sách pháp luật, biên soạn tài liệu pháp luật,...

Mô hình Cà phê sách của Huyện đoàn Cần Giuộc là nơi hội tụ những người yêu sách, muốn tìm hiểu tri thức, pháp luật

Mô hình Cà phê sách của Huyện đoàn Cần Giuộc là nơi hội tụ những người yêu sách, muốn tìm hiểu tri thức, pháp luật

Theo thống kê của Sở Tư pháp, Hội đồng PBGDPL tỉnh cấp phát 10.800 quyển sách pháp luật mới và hơn 120 cuốn đề cương tuyên truyền. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến được 26.992 cuộc với 799.465 lượt người dự. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, PBGDPL cũng được thực hiện đầy đủ đối với các đối tượng đặc thù theo quy định, trong đó trọng tâm là người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, người lao động trong doanh nghiệp; nạn nhân bị bạo lực gia đình, người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc,... Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân.

Tập trung đổi mới

Theo Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp - Lê Thị Lo, quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL cho thấy, nhiều địa phương duy trì, nâng chất được các mô hình với nội dung, hình thức ngày càng gần gũi, dễ hiểu và phát huy hiệu quả tích cực. Đó là các mô hình: Nghe thời sự trong và ngoài nước, các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào sáng thứ hai hàng tháng của Trường Chính trị tỉnh; Giờ pháp luật của Sở Giao thông Vận tải; Lắng nghe người nộp thuế của Cục Thuế; Khu nhà trọ tự quản của Liên đoàn Lao động tỉnh; Fanpage Tuổi trẻ Long An, Phiên tòa giả định của Tỉnh đoàn; Hội quán nông dân của Hội Nông dân tỉnh; Ngày chính trị văn hóa tinh thần của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Câu lạc bộ Người hoàn lương, Gia đình hạnh phúc, chương trình Thắp sáng niềm tin của Công an Long An; Phòng, chống thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật của huyện Thủ Thừa; Gặp gỡ cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật theo “01+5”, Tín đồ họ đạo Cao đài Chơn lý không vi phạm pháp luật của huyện Mộc Hóa; Điểm sáng pháp luật, Niềm tin trợ giúp của huyện Cần Đước; Cà phê sách của huyện Cần Giuộc; Cà phê doanh nhân, Điểm tiếp cận pháp luật của huyện Bến Lức;... Từ việc thực hiện các mô hình, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được truyền tải sâu, rộng hơn đến nhân dân, đưa pháp luật ngày càng đi vào cuộc sống.

Ngày hội đọc sách thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh, đoàn viên

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tư pháp, một vài cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận cán bộ và người dân chưa thực sự quan tâm đến công tác PBGDPL, từ đó, việc đề ra các chương trình, kế hoạch về PBGDPL còn chậm, thậm chí không ban hành theo yêu cầu; chưa quan tâm trong việc chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện cũng như bố trí kinh phí, trang thiết bị thực hiện,... Trong tuyên truyền, nội dung PBGDPL đôi lúc chưa sát với từng nhóm đối tượng, với nhu cầu được thông tin, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Hình thức PBGDPL mặc dù khá đa dạng nhưng một vài nơi còn áp dụng hình thức chưa phù hợp với đối tượng tuyên truyền, có lúc thiếu hấp dẫn, chậm đổi mới, gây nhàm chán, chưa thu hút được người nghe. Trước những khó khăn trên, theo Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp - Lê Thị Lo, đổi mới công tác PBGDPL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài những hình thức tuyên truyền, PBGDPL truyền thống, hướng về cơ sở, đổi mới nội dung, hình thức thì việc áp dụng khoa học - công nghệ trong PBGDPL cũng là một giải pháp để người dân được tiếp cận sâu hơn, hiểu rõ hơn khi cần thông tin pháp luật.

Theo đó, từ năm 2020 trở đi, các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện tiếp tục hoàn chỉnh, nâng cấp trang thông tin điện tử cơ quan, đơn vị, địa phương để cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp luật cũng như liên kết, chia sẻ với Cổng thông tin điện tử PBGDPL của Bộ Tư pháp, phấn đấu đến năm 2021 sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu PBGDPL, tủ sách pháp luật điện tử quốc gia cũng như tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp qua các hình thức đối thoại trực tuyến. Ngoài ra, trong công tác PBGDPL, cũng cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến trên mạng xã hội, công nghệ viễn thông, thông tin như Facebook, Youtube, Twitter, tin nhắn,... - Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp - Lê Thị Lo cho biết thêm./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích