Tiếng Việt | English

23/05/2022 - 09:12

Phải chuyển đổi nhận thức trước khi chuyển đổi số

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.

Những năm gần đây, nhất là trong và sau đại dịch Covid-19 bùng phát, vấn đề chuyển đổi số lại được bàn bạc, đề cập nhiều và thường xuyên hơn. Từ khóa “chuyển đổi số” phủ sóng ở nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn của các cấp, các ngành. 

Điều này cho thấy nhu cầu, mục đích, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong xu thế phát triển. Chính phủ và các cấp chính quyền đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về triển khai, thực hiện chuyển đổi số. Thực tế cuộc sống thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong trạng thái “bình thường mới” cũng đòi hỏi mọi người phải quan tâm đến chuyển đổi số.

Hòa trong xu thế chung, tỉnh Long An rất quan tâm đến chuyển đổi số và đạt những bước tiến, kết quả nhất định. Năm 2020, Long An xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index) của Bộ Thông tin và Truyền thông, dựa trên 3 trụ cột được đánh giá là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin.

Hiện tỉnh đã định hình khu kinh tế công nghệ cao gắn với đô thị thông minh theo mô hình, kiểu mẫu của Hàn Quốc để làm nơi thu hút, ươm tạo các dự án công nghệ cao.

Vào ngày 26/4/2022, tỉnh tổ chức “Lễ ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) và Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Long An”. Việc xây dựng hoàn thiện Trung tâm IOC, Kho cơ sở dữ liệu dùng chung gắn liền với công cuộc chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trung tâm IOC cùng với Kho cơ sở dữ liệu dùng chung là nơi thu thập, lưu trữ, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu trên tất cả lĩnh vực, giúp lãnh đạo tỉnh và các cấp theo dõi, chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định đối với các hoạt động của tỉnh, sở, ngành và địa phương. Đồng thời, Trung tâm IOC, Kho cơ sở dữ liệu dùng chung còn giúp người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin, dữ liệu, dịch vụ thông minh nhanh chóng, tiện lợi, ít chi phí và giảm phiền hà.

Tuy vậy, thực trạng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ. Đó là hạ tầng số chưa đồng bộ; công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn bất cập; số lượng, chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin thấp; số lượng doanh nghiệp số còn ít, quy mô, tỷ trọng kinh tế số còn nhỏ; đặc biệt, nhận thức, khả năng ứng dụng công nghệ số của người dân, doanh nghiệp còn chưa cao.

Từ yêu cầu cho thấy, chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức, từ trong hệ thống chính trị tới người dân, doanh nghiệp. Mọi người phải thấy được nhu cầu và lợi ích khi tham gia chuyển đổi số. Do đó, chuyển đổi số phải là cuộc cách mạng mang tính toàn dân, toàn diện; nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của cả hệ thống chính trị; người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số.

Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu luôn trong nhóm tỉnh, thành phố có thứ hạng cao về chuyển đổi số; đưa công nghệ số vào mọi mặt của đời sống KT - XH; thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng để bảo vệ thành quả chuyển đổi số luôn bền vững. Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2030 phát triển vùng kinh tế công nghệ cao tại tỉnh; tỷ trọng kinh tế số chiếm 15% GRDP.

Để quá trình chuyển đổi số đúng lộ trình và mang lại hiệu quả cao, ngày 18/5/2022, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 1449/CT-UBND về phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Long An.

Chỉ thị yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về việc tăng cường quản lý đầu tư bảo đảm hiệu quả, an toàn thông tin, an ninh mạng trong phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số. Thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở, phường, xã, thị trấn, khu phố, ấp với nòng cốt là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, có sự tham gia của Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ và đại diện các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại mỗi địa phương; tham gia vào Mạng lưới công nghệ số cộng đồng toàn quốc,...

Chuyển đổi số là một quá trình bao gồm nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Cần khẳng định: Chuyển đổi số không phải chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề nhận thức và thói quen./.

Tân An

Chia sẻ bài viết