Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Tản mạn Ngày truyền thống người cao tuổi

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Khởi ở ấp 3, xã Nhựt Chánh đã 98 tuổi luôn sống vui, sống khỏe cùng con cháu

Người cao tuổi cần được bảo đảm cuộc sống ấm no, vui, khỏe Ảnh: Hồng Tươi

1. Người cao tuổi (NCT) xưa gọi là bô lão - người già. Người già với những nghiệm sinh đầy lịch duyệt, luôn được người đời tín kính. Đời Trần ở thế kỷ XIII, khi giặc Mông Nguyên tràn sang cướp phá nước ta, vua Trần Nhân Tông đã triệu các vị bô lão về triều để trưng cầu ý kiến và khi vua hỏi thế giặc quá mạnh, ta nên hòa hay nên chiến, thì tất cả các vị bô lão đều vung nắm tay, đồng thanh hô: “Nên chiến!”. Trong nhạc cảnh Hội nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước có câu: “Thế nước biến lấy gì lo chiến chinh?” thì tất cả bô lão đồng thanh: “Hy sinh! Hy sinh!” đầy khí thế. Và các cụ không chỉ hô hào mà lúc trở về đã khua gậy đi vận động mọi người cùng tham gia đánh giặc. Đây là sự hình thành một truyền thống yêu nước vô cùng quý giá của giới bô lão Việt Nam từ ngàn xưa truyền lại đến ngàn sau. Ở thế kỷ XVIII, anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ với uy thế - sức mạnh sấm sét mà trước thầy giáo già Nguyễn Thiếp, ngài vẫn hết sức nhún nhường. Cả khi đã lên ngôi hoàng đế xưng vương hiệu Quang Trung, ngài vẫn một mực gọi Nguyễn Thiếp là tiên sinh - La Sơn Phu Tử. Qua 2 lần lấy cớ già yếu, xin thoái thác, đến lần thứ ba, Quang Trung - Nguyễn Huệ tiếp tục vời cho được ông già ở núi Thiên Nhẫn ra giúp nước thì cụ Nguyễn Thiếp hết còn từ nan, để rồi trở thành vị quân sư giúp vua Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh, tạo tiền đề thống nhất đất nước và chấn hưng nền quốc học (chữ Nôm) cho nước nhà. Ở thế kỷ XX thời đại Hồ Chí Minh, thì vai trò bô lão càng được đề cao. Qua các thư Bác Hồ gởi phụ lão cả nước, Người luôn kêu gọi bô lão phát huy vai trò mẫu mực “tuổi cao chí càng cao”, hăng hái đi đầu khua gậy khuyến khích thanh niên bước tới trước. Bô lão là nhân tố đoàn kết để làm gương cho con cháu, san sẻ kinh nghiệm cho thanh niên, độ lượng dìu dắt lớp trẻ. Bác Hồ tặng thơ cho các vị bô lão:Càng già, càng dẻo lại càng dai/ Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai/ Đôn đốc con em làm nhiệm vụ/ Vuốt râu mừng xã hội tương lai.

Và sự thật là các vị bô lão đã làm được điều mà Bác Hồ mong muốn.

2. Ngày nay, khái niệm người già đã được thay thế bằng “Người cao tuổi” (NCT). Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) ấn định, từ 60 - 74 tuổi là người có tuổi. Từ 75 - 90 tuổi là người già và trên 90 tuổi trở lên là người già sống lâu. Ở ta, căn cứ vào thực trạng sức khỏe và năng lực lao động của NCT, các nhà khoa học đã chia NCT thành 2 nhóm: 60-79 tuổi là NCT còn trẻ, tức nhóm tuổi còn có thể lao động phù hợp với sức mình. Và từ 80 tuổi trở lên mới gọi là NCT đã già, tức các cụ không còn sức lao động, cần phải được nghỉ ngơi và phụng dưỡng.

Mẹ Thérèse - một danh nhân văn hóa thế giới từng nói: “Cuộc đời là một thách thức. Hãy đối mặt với nó”; “Cuộc đời là một nỗi buồn. Hãy vượt qua nó” và “Cuộc đời là một cuộc chiến đấu. Hãy chấp nhận nó”. Người già mà tâm hồn vẫn trẻ, vẫn hành động thì như lưỡi cày càng cày càng sáng bóng, tươi đẹp. Cách nay chưa lâu, khi tham gia làm bộ phim tư liệu “Long An là tỉnh đạt kỷ lục nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sống trên 100 tuổi” để đề nghị Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam cấp bằng công nhận, người viết đã tiếp xúc với từng mẹ và thấy mẹ nào cũng có tâm hồn tươi trẻ, sống rất lạc quan, yêu đời khi tuổi đã vượt ngưỡng 100. Điều đáng nói là các mẹ đều có một quãng đời 20 năm, 30 năm không chỉ nuôi chồng, nuôi con làm cách mạng, mà tự thân còn tham gia cách mạng dưới nhiều hình thức, như má Hai - Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Vĩnh ở xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, có 6 con và chồng hy sinh, bản thân má cũng là cán bộ cách mạng từng bị địch bắt tù đày, tra tấn rất dã man mà từ ngày hòa bình đến giờ, dù đã bước qua ngưỡng tuổi 105, lúc nào má cũng sống vui, coi quá khứ đầy hy sinh gian khổ của mình chỉ là chuyện bình thường. Hay như Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Huỳnh ở xã Long Định, huyện Cần Đước, đã 107 tuổi vẫn cầm chổi quét dọn nhà cửa, con cháu có ngăn cản cụ cũng làm, vì “Phải để bà lao động cho bà khỏe, chớ bắt bà nằm một chỗ là bà bịnh liền à!”. Má Huỳnh luôn được người con dâu là chị Bảy Được chăm sóc hết sức chu đáo. Chồng chị Bảy hy sinh khi chị còn khá trẻ, chị vẫn ở vậy nuôi các con và nuôi mẹ chồng cả những năm chiến tranh gian khổ nhất (phải gánh con và dắt mẹ chạy băng qua bưng biền để tản cư mỗi khi bị giặc ruồng bố).

3. Theo số liệu năm 2014 của Hội NCT tỉnh Long An, tỉnh có 145.722 NCT. Trong số này có 28.507 cụ trên 80 tuổi được hưởng trợ cấp theo NĐ 06/2011. Có 32.367 cụ có thẻ BHYT miễn phí; trên 8.400 cụ tham gia các tổ chức chính trị-xã hội. Hội NCT các huyện, thị, thành phố đều có Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT, hoạt động khá có hiệu quả. Như huyện Cần Giuộc có trên 16.000 hội viên NCT, trong đó có 458 hội viên là Mẹ Việt Nam Anh hùng và 8.500 hội viên là người có công với nước. 5 năm qua, đã có 15.000 lượt NCT của hội được công nhận là nông dân sản xuất giỏi, kinh doanh giỏi, là tấm gương sáng trong phong trào thi đua “Tuổi cao-Gương sáng” và gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, gia đình hiếu học. Hay như huyện Đức Hòa có 520 hộ NCT đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Với bề dày trải nghiệm trường đời, các cụ chỉ bảo con cháu phương pháp làm ăn thế nào cho có hiệu quả. Ở xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, nhiều hộ NCT đóng góp trong xây dựng nông thôn mới (làm đường giao thông) tại địa phương mình với giá trị 200-300 triệu đồng. Và còn nhiều điển hình đáng biểu dương nữa, cho thấy khi người ông, người cha, người bà, người mẹ mẫu mực, được con cháu tôn kính thì tiếng nói của các cụ có sức thuyết phục khiến con cháu đều nghe và làm theo.

Có người nói: Tuổi già như một bến đợi của mỗi đời người. Vậy mỗi người nên chủ động chuẩn bị cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ. Không chỉ đơn thuần là việc tích lũy của cải, tiền bạc cho lúc về già, mà là sự chuẩn bị hành trang cho suốt cuộc đời, trước hết là một đời sống văn hóa-tinh thần thật sự phong phú. Nghĩa là cốt làm sao để khi bước vào tuổi già sẽ có một trạng thái sức khỏe về thể chất, tâm thần và xã hội thật sự thoải mái; bảo đảm cho cuộc sống vừa ấm no, vừa vui, khỏe và cuộc sống chan hòa nghĩa tình và có ích./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết