Công nhân thi công hệ thống thoát nước ngầm trên Đường tỉnh 823D
Tín hiệu vui từ các công trình giao thông trọng điểm
Giữa tháng 9, chúng tôi có dịp khảo sát toàn tuyến DA Đường tỉnh (ĐT) 823D - Trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP.HCM. Đây là một trong những công trình giao thông quan trọng không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp - đô thị khu vực huyện Đức Hòa mà còn liên kết vùng giữa Long An - TP.HCM.
Sau gần 3 năm, hiện toàn DA thi công đạt trên 50% khối lượng. Nhiều đoạn trên tuyến được thảm nhựa để người dân lưu thông. Cách đây vài tháng, tại đoạn từ Tua 1 đến nút giao với tuyến Quốc lộ N2, việc thi công liên tục đứt đoạn do một số hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, huyện Đức Hòa, đến nay, những khó khăn này đã được tháo gỡ. Hiện các đơn vị tập trung thi công hoàn thiện hệ thống thoát nước ngầm, đắp cát nền đường.
Phó Chỉ huy trưởng DA ĐT823D - Nguyễn Văn Sự cho biết: “Xác định đây là công trình giao thông rất quan trọng của tỉnh nên thời gian qua, từ khi chưa có mặt bằng hoàn chỉnh, chúng tôi đều quán triệt đến các đơn vị thi công có mặt bằng đến đâu triển khai ngay các mũi thi công đến đó. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã nhận mặt bằng sạch để đẩy nhanh tiến độ thi công. Hiện các nhà thầu thi công đắp cát nền đường được gần 14km, sỏi đỏ hơn 12km, cấp phối đá dăm khoảng 10km. Đồng thời, các đơn vị thi công thảm bêtông nhựa hơn 2,5km. Với quyết tâm cao nhất, đơn vị phấn đấu đến cuối năm nay sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến và hoàn thành toàn bộ DA vào tháng 6/2025”.
Còn tại DA ĐT830E, trong ngày nghỉ cuối tuần, hơn 40 công nhân chia làm nhiều mũi thi công của Liên danh Núi Hồng - Tân Nam - 622 vẫn đang miệt mài hoàn thiện bản mặt cầu An Thạnh của đơn nguyên bên trái tuyến đoạn từ nút giao ĐT830 đến đường Nguyễn Văn Nhâm.
Theo đại diện đơn vị thi công, với yêu cầu tiến độ, hiện nay, các nhà thầu trong liên danh đang tập trung huy động toàn bộ nhân lực, vật lực, tranh thủ những khu vực có mặt bằng đưa phương tiện, thiết bị vào thi công.
Riêng thi công cầu An Thạnh thuộc đơn nguyên bên trái tuyến, đến nay, theo đánh giá của đơn vị thi công đạt gần 80% khối lượng khi hoàn thành bản mặt cầu từ mố M1 đến M2 và đang thi công sắt để chuẩn bị đổ bêtông mặt cầu. Còn toàn gói thầu này, hiện thi công đạt khoảng 42%.
Hiện toàn dự án Đường tỉnh 823D thi công đạt khoảng 50%, phấn đấu đến cuối năm thông xe kỹ thuật
Thông tin từ Ban Quản lý DA công trình giao thông, Sở Giao thông Vận tải (GTVT), đối với công trình trọng điểm ĐT830E, tại các gói thầu còn lại, tiến độ thi công tương đối bảo đảm. Trong đó, đơn nguyên bên phải tuyến do lên danh Cầu 14 - DV và TM 68 - Thắng Lợi thi công hoàn thành bản mặt cầu từ mố M1 đến trụ T3, đổ xà mũ trụ T4, T5, T6 cầu An Thạnh và đang thi công cọc xi măng đất, hệ thống thoát nước, gờ lan can cầu An Thạnh, tiến độ đạt 33,57%.
Còn gói thầu thi công xây dựng đoạn từ đường Nguyễn Văn Nhâm đến Quốc lộ 1, đơn nguyên bên trái tuyến đạt 23,3%, đơn nguyên bên phải tuyến đạt 30,49%.
Ngoài 2 công trình này, hiện ngành GTVT đôn đốc các đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm quốc gia đường Vành đai 3 TP.HCM và xúc tiến hoàn thành các thủ tục để khởi công DA giao thông trọng điểm ĐT827E, trước mắt sẽ triển khai xây dựng đường dẫn và 3 cầu: Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và Cần Giuộc.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án
Theo Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn, trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông luôn được xác định là một trong các chương trình đột phá. Cùng với đầu tư các công trình trọng điểm đã từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống GTVT đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao, qua đó, tạo ra sự khác biệt, dấu ấn để giành thế chủ động trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
Riêng tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tỉnh xác định 3 công trình giao thông trọng điểm là hoàn thiện đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; ĐT830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT830) và ĐT827E.
Ngoài ra, ngành GTVT đang tích cực triển khai các công trình thuộc Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm. Đến nay, công trình đường Vành đai TP.Tân An và 2/8 công trình thuộc chương trình đột phá đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Hình hài cây cầu An Thạnh dần hiện hữu sau thời gian thi công
Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, để các công trình giao thông “về đích” đúng kế hoạch, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt quán triệt đến tất cả các đơn vị thi công thực hiện đúng phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tổ chức thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “3 ca, 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ các DA.
Đồng thời, Sở tiếp tục đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh ưu tiên bố trí, điều chuyển, cấp đủ vốn cho các DA, nhất là các DA trọng điểm của tỉnh; chỉ đạo các địa phương nơi có công trình huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung tay hỗ trợ triển khai DA, đặc biệt là việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để có đất sạch cho việc triển khai thi công các DA được thuận lợi, sớm hoàn thành các công trình theo kế hoạch.
“Khi các công trình giao thông trọng điểm, các công trình thuộc chương trình đột phá về giao thông hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống GTVT đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao.
Ngoài quyết tâm của ngành, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành các DA giao thông, góp phần tạo sức bật cho tỉnh trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH” - ông Đặng Hoàng Tuấn cho biết./.
Cần sớm hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Đường tỉnh 830E
Thông tin từ UBND huyện Bến Lức, thời gian qua, huyện huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng DA giao thông trọng điểm ĐT830E. Đến thời điểm hiện tại, huyện chi được 779/878 trường hợp với tổng số tiền bồi thường hơn 1.390 tỉ đồng. Hiện còn 99 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng do chưa đồng ý với đơn giá bồi thường, hỗ trợ và chính sách tái định cư. Hầu hết các trường hợp này đề nghị nâng giá bồi thường thiệt hại về đất, bồi thường toàn bộ nhà, đất đối với nhà, đất giải tỏa một phần và chờ bố trí lô nền tái định cư.
Qua rà soát của UBND huyện Bến Lức, trong số các trường hợp chưa bàn giao mặt bằng có 6 trường hợp có nhà, đất ở nhưng không đủ điều kiện bố trí tái định cư; 14 trường hợp có đất ở nhưng chưa xây dựng nhà và 32 trường hợp ảnh hưởng một phần đất, tài sản trên đất.
Để đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út, trước mắt, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng. Đối với những trường hợp đủ điều kiện, huyện chỉ đạo các phòng, ban củng cố hồ sơ, thủ tục theo quy định để thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.
Ngoài ra, những trường hợp đủ điều kiện tái định cư nhưng chưa đồng ý nhận tiền hoặc đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng do chờ bố trí lô nền tái định cư, UBND huyện giao địa phương cùng các ngành huyện phối hợp chủ đầu tư, đơn vị thi công tập trung vận động, nếu các hộ đồng ý sẽ hỗ trợ thuê nhà để người dân di dời, bàn giao mặt bằng.
Bên cạnh đó, huyện đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Dịch vụ tài nguyên, môi trường đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện DA giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, để bố trí tái định cư ĐT830E và phát triển đô thị bảo đảm có lô nền để bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của DA.
|
Kiên Định