Nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến
Thời gian qua, các địa phương thí điểm triển khai sử dụng nền tảng chính quyền số phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan trên môi trường số. Qua đó, phục vụ tốt công tác cải cách hành chính; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tại địa phương. Các chỉ số, chỉ tiêu phục vụ đánh giá mức độ phát triển chính quyền số của các địa phương được thí điểm đều đạt và vượt so với chương trình, kế hoạch năm đề ra.
Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hỗ trợ các đơn vị thí điểm triển khai mô hình Ngày thứ tư không hẹn; Cán bộ, công chức hướng dẫn người dân đến làm thủ tục hành chính để nộp hồ sơ (HS) trực tuyến mức độ 3, 4; Đội hình IT Xanh;… trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao tỷ lệ nộp HS trực tuyến. Đến nay, HS nộp trực tuyến, số hóa thành phần HS tăng gấp nhiều lần so với năm 2021. HS giải quyết đúng hạn đạt trên 99%. HS nộp trực tuyến tại thị trấn Cần Giuộc đạt 98,08% (năm 2021 chỉ đạt 16,8%); xã Dương Xuân Hội đạt 86,41% (năm 2021 đạt 18,98%); riêng phường 4, do triển khai chậm nên đạt 53,53% (năm 2021 chưa có HS nộp trực tuyến). Tỷ lệ số hóa thành phần HS đạt trên 60%, đạt chỉ tiêu cấp trên giao trong năm 2022.
Đoàn viên, thanh niên huyện Cần Giuộc hướng dẫn người dân cách nộp hồ sơ trực tuyến
Anh Nguyễn Duy Khang (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Trước đây, tôi không biết dịch vụ nộp HS trực tuyến. Khi đến bộ phận “một cửa”, được đoàn viên hướng dẫn về nộp HS trực tuyến, tôi thấy rất tiện lợi, giúp giảm chi phí, thời gian đi lại. Được các đoàn viên hỗ trợ tạo tài khoản, sau này, khi cần giải quyết thủ tục hành chính, ở nhà, tôi vẫn có thể đăng ký”.
Chủ tịch UBND thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc - Hoàng Văn Long cho biết, thời gian qua, UBND thị trấn tập trung bồi dưỡng kiến thức về CĐS cho cán bộ, công chức, đoàn viên, thanh niên và trưởng khu phố; trang bị đầy đủ thiết bị cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tỷ lệ sử dụng hệ thống thư điện tử ở đơn vị đạt 100%, văn bản được ký số đạt 100%, HS giải quyết đúng hạn đạt 99,9%,...
Đưa chuyển đổi số vào cuộc sống
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT - Bùi Nguyên Khởi, hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các địa phương được thí điểm dần hiểu về CĐS, tiếp cận và ứng dụng các tiện ích từ thương mại điện tử, các dịch vụ nông nghiệp số vào sản xuất, kinh doanh. Các chỉ số phát triển kinh tế số của các địa phương thí điểm đạt mức khá so với mặt bằng chung của tỉnh.
Triển khai mô hình chợ 4.0 tại chợ truyền thống
Đến nay, trên 90% hộ gia đình, các địa điểm công sở tại các địa phương thí điểm được Bưu điện tỉnh tạo lập địa chỉ số Vpostcode. Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn nông sản, sản phẩm đặc trưng của các xã thí điểm như trái thanh long tươi của Hợp tác xã Dương Xuân và thanh long sấy Long Châu (xã Dương Xuân Hội); lạp xưởng Hữu Châu, lạp xưởng Thanh Hương, cải ngồng, rau má đồng (thị trấn Cần Giuộc) đưa lên sàn thương mại điện tử của tỉnh, Voso, Postmart, Lazada, Shopee,... và đưa các quán ăn, nhà hàng (phường 4) lên Cổng thông tin du lịch Long An để quảng bá.
Hiện nay, trên 80% hộ gia đình tại các địa phương thí điểm có điện thoại thông minh và trên 75% hộ gia đình có kết nối Internet cáp quang. Các điểm truy cập Internet công cộng miễn phí được hình thành, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ số, phục vụ giải trí, sinh hoạt hàng ngày trên môi trường số. Bên cạnh đó, các dịch vụ y tế số, giáo dục số, ngân hàng số được triển khai đồng bộ, góp phần tích cực trong thay đổi thói quen của người dân.
Các địa phương thí điểm cũng tích cực phối hợp doanh nghiệp viễn thông triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, thúc đẩy người dân tạo lập tài khoản ví điện tử, Mobile Money, triển khai mô hình Chợ 4.0 tại các chợ truyền thống. Kết quả, có trên 35% hộ gia đình có tài khoản ngân hàng, hộ gia đình sử dụng dịch vụ ví điện tử đạt trên 18%.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải thông tin: Sau gần 1 năm thí điểm ở xã Dương Xuân Hội góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của đội ngũ cán bộ và một bộ phận người dân trên địa bàn về CĐS. Huyện sẽ nhân rộng mô hình theo từng giai đoạn, từng bước với phương châm lấy người dân làm trung tâm, xem CĐS là cách tiếp cận gần dân, sát dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Giám đốc Sở TT&TT - Nguyễn Bá Luân cho biết, trên cơ sở kết quả đã đạt trong triển khai thí điểm CĐS cấp xã, Sở đề xuất, xin ý kiến UBND tỉnh chỉ đạo nhân rộng mô hình CĐS cấp xã trên phạm vi toàn tỉnh, thực hiện đồng bộ trên cả 3 trụ cột với định hướng lấy CĐS chính quyền làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số./.
Thời gian tới, tỉnh tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức về chuyển đổi số, trong đó xác định chú trọng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp ủy, HĐND và UBND cấp xã. Tuyên truyền, hướng dẫn các tiện ích của thương mại điện tử để khuyến khích người dân thay đổi thói quen sử dụng thương mại điện tử thay thế các hình thức mua sắm truyền thống. Tập trung đào tạo, tập huấn, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận, cài đặt và sử dụng các nền tảng số,... |
Hà Lan