Tiếng Việt | English

25/07/2019 - 14:06

Tội phạm hình sự ngày càng manh động, nguy hiểm hơn

6 tháng qua, toàn quốc xảy ra hơn 25.000 vụ phạm pháp hình sự. Tội phạm hình sự có chiều hướng hoạt động manh động, nguy hiểm hơn.

Sáng nay (25/7), tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6  đầu năm và triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ, Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
6 tháng qua, toàn quốc xảy ra hơn 25.000 vụ phạm pháp hình sự. Trong đó, tội phạm hình sự có chiều hướng hoạt động manh động, nguy hiểm hơn, một số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hoạt động tội phạm núp bóng doanh nghiệp, bảo kê bến bãi, “tín dụng đen”, cầm đồ, siết nợ thuê, gắn với hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản mặc dù đã được kiềm chế, nhưng diễn biến phức tạp, gây lo lắng trong nhân dân.

Tội phạm mua bán người với thủ đoạn nổi lên là: các đối tượng thông qua mạng xã hội, giả danh là cán bộ Công an, Bộ đội Biên phòng gọi điện làm quen nạn nhân, giả vờ yêu, tổ chức đám cưới, hẹn hò, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán  ra nước ngoài. Đáng chú ý, xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai; xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em gây bức xúc dư luận xã hội.

Tình trạng buôn lậu, sản xuất, vận chuyển kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, có chiếu hướng gia tăng ở khắp các vùng miền với nhiều mặt hàng như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm, dược liệu…hoạt động buôn bán hàng hóa qua mạng Internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng…

Với sự chỉ đạo cùng sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ đã kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 0,99 % số vụ phạm pháp hình sự; điều tra khám phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn; nhiều vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao…

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 138 tăng cường và đổi mới nội dung, hình thức truyền thông phòng ngừa tội phạm; phòng, chống mua bán người và tệ nạn xã hội; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao, các địa bàn phức tạp, trọng điểm về trật tự an toàn xã hội, dễ phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội.


Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng Công an phối hợp các lực lượng chức năng của Quân đội, Hải quan và các lực lượng liên quan khác triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây, băng ổ nhóm tội phạm; đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma túy, hoạt động “tín dụng đen", tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người; tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép... Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự.

Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, hoạt động cùa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời, thường xuyên rà soát kịp thời phát hiện chấn chỉnh sơ hở, yếu kém đề tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Phó Thủ tướng yêu cầu hai Ban tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng "tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức.

Đồng thời tổ chức phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thuế,.. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm./.

Việt Cường/VOV.VN

Chia sẻ bài viết