Tiếng Việt | English

30/07/2020 - 18:35

Việt Nam cam kết hết mình trong cuộc chiến với tội phạm mua bán người

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7).

Sáng 30/7, tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An), Bộ Công an phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tỉnh Nghệ An tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7).

Tham dự lễ mít tinh có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ công an, biên phòng, thanh niên, phụ nữ tỉnh Nghệ An.


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động lễ mít tinh. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng diễn ra phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến những quyền cơ bản nhất của con người, tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội. Mua bán người là tội phạm có nguồn thu nhập bất hợp pháp cao thứ ba trên thế giới, sau ma túy và mua bán vũ khí. Nạn nhân của mua bán người phải chịu những tổn thất rất to lớn về tâm sinh lý. Họ bị bóc lột, lạm dụng, có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, gia đình họ bị đe dọa... Hậu quả không dừng lại ở cá nhân nạn nhân và gia đình, mà còn ảnh hưởng đến phong tục, tập quán, đạo đức xã hội, tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

“Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt, từ hoàn thiện khung pháp lý cho đến tăng cường thực thi pháp luật”, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định.

Do thiếu nhân tính, do lòng tham từ lợi nhuận nên các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn để hoạt động phạm tội, nhất là lợi dụng những bất cập trong công tác quản lý hộ khẩu, xuất nhập cảnh, hôn nhân và con nuôi có yếu tố nước ngoài để hoạt động phạm tội với thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế khó khăn, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới, nơi người dân còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, cơ hội khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tìm kiếm việc làm... cũng là yếu tố thúc đẩy nạn mua bán người gia tăng.

Phần lớn nạn nhân của mua bán người là phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin. Đồng thời, các đối tượng phạm tội lợi dụng sự phát triển của các trang mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân lừa gạt tình cảm, lừa giới thiệu việc làm... để bán ra nước ngoài.

Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mua bán người. Các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình phòng, chống mua bán người. Đồng thời, tích cực tham gia các cơ chế quốc tế về phòng, chống mua bán người như: Công ước về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước về quyền trẻ em, Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em... Qua đó, hoạt động tuyên truyền phòng ngừa tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, cùng với các mô hình, điển hình dựa vào cộng đồng đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân.

“Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa các ngành tư pháp từ Trung ương đến địa phương, cấp uỷ các cấp đã tạo ra những kết quả tốt. Các ngành tư pháp đã phát huy hiệu quả điều tra, khám phá các vụ án nâng cao lên. Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng là những bằng chứng cho thấy cam kết và nỗ lực thực tế của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến với tội phạm mua bán người”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Năm 2020, Liên Hợp Quốc xác định chủ đề truyền thông là “Cam kết giải quyết vấn đề tận gốc, cùng tuyến đầu xóa bỏ mua bán người” như một yêu cầu đối với các quốc gia phải đồng thời thực hiện yêu cầu kép là giải quyết tận gốc nguyên nhân của mua bán người và đấu tranh kiên quyết xoá bỏ loại tội phạm này.

Đối với Việt Nam, việc thực hiện thắng lợi Chương trình phòng, chống mua bán người (Chương trình 130/CP) giai đoạn 2016-2020 là tiền đề quan trọng để tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai Chương trình 130/CP giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

4 nhiệm vụ lớn của công tác phòng chống mua bán người

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt của phụ nữ và trẻ em để có kiến thức, kỹ năng phòng vệ trước các thủ đoạn tinh vi của tội phạm và tích cực tố giác tội phạm. Đề nghị các cơ quan, đoàn thể hãy phát huy tính sáng tạo, đổi mới phương thức tuyên truyền, bắt kịp sự phát triển của công nghệ thông tin, xây dựng thông điệp phù hợp các nhóm đối tượng để công tác này thực sự phát huy hiệu quả và có tính lan toả rộng khắp.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo toàn diện đời sống của nhân dân, tạo công ăn việc làm ổn định, giảm nghèo bền vững, thực hiện thật tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân ngày càng tốt hơn, tiến tới khá giả. Song song với tuyên truyền, cần đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế ở địa phương, chú trọng hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, có nguy cơ là nạn nhân của mua bán người thông qua đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và các đại biểu đi bộ diễu hành hưởng ứng lễ mít tinh. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Thường trực cũng biểu dương Bộ TT&TT đã có sáng kiến lan truyền tin nhắn đến 126 triệu thuê bao di động với trị giá 400 tỷ đồng, có nội dung tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mua bán người là “Hãy tích cực tham gia phòng, chống mua bán người, đưa người di cư trái phép. Khi phát hiện dấu hiệu liên quan thông báo đến cơ quan công an”.

Hai là, tiếp tục phát động phong trào toàn dân phòng, chống mua bán người theo chỉ đạo của Chính phủ để huy động được sức mạnh của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị-xã hội, kết hợp các biện pháp quản lý hành chính, tuần tra, kiểm soát nhằm sớm phát hiện các đối tượng có biểu hiện liên quan đến mua bán người. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm việc chấp hành quy định về công tác quản lý Nhà nước trong các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để chủ động phát hiện, ngăn chặn hoạt động liên quan đến tội phạm mua bán người, nhất là tại các địa bàn biên giới.

Ba là, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng thế trận phòng, chống tội phạm mua bán người, tập trung lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nhằm đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, cơ quan tư pháp các quốc gia để hợp tác toàn diện về phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra xử lý nghiêm minh các đường dây mua bán người, giải cứu kịp thời nạn nhân bị mua bán.

Phó Thủ tướng đánh giá cao chiến công của lực lượng công an do Bộ Công an chỉ đạo vừa phá thành công đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, bắt 4 đối tượng cầm đầu. Tổ chức này hoạt động trong nhiều năm, đã đưa 300 nạn nhân ra nước ngoài.

Các lực lượng tiếp tục quyết liệt điều tra, làm rõ các đường dây, tổ chức, xử lý nghiêm minh trước pháp luật, phối hợp với các nước có giải pháp hữu hiệu để giải cứu các nạn nhân.

Bốn là, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện sớm các hành vi phạm tội mua bán người. Người dân cần chủ động trang bị kiến thức về thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng di cư an toàn, chỉ di cư khi có đủ thông tin. Đặc biệt, đối với phụ nữ, trẻ em gái cần thận trọng khi làm quen, tiếp xúc, quan hệ trên mạng xã hội. Các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên cần chú ý quản lý việc sử dụng điện thoại, internet của các cháu và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để quản lý, giáo dục con kịp thời.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp mấy ngày qua, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, chúng ta đang tận dụng tất cả nguồn lực, sức mạnh, ý chí với các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn và dập dịch. Trong đó, công tác tuyên truyền để người dân hiểu biết phòng ngừa rất quan trọng, đồng thời quyết tâm tìm bệnh nhân F0, F1 để điều trị. Cả hệ thống chính trị và toàn dân đồng lòng và quyết tâm hưởng ứng, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Kế hoạch của Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh thành công.

Tại buổi mít tinh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng gửi thông điệp “Việt Nam cam kết hết mình, chung lưng cùng tuyến đầu xóa bỏ nạn mua bán người, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, với công bằng, dân chủ, văn minh”.

Các loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, xuyên quốc gia

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, tình hình tội phạm trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, xuyên quốc gia. Các loại tội phạm bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em gia tăng, có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng.

Riêng tội phạm mua bán người, 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện 60 vụ, liên quan đến 85 đối tượng, lừa bán 90 nạn nhân (giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so với cùng kỳ 2019), nạn nhân đa số là phụ nữ và trẻ em.

Ông Brett Dickson, Quyền Trưởng đại diện Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhắc lại thảm kịch vụ 39 người Việt Nam chết trong thùng container tại Anh và cho rằng, đã đến lúc phải chấm dứt nạn mua bán người tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Ông Brett Dickson đề nghị Chính phủ, các tổ chức quốc tế, toàn xã hội tiếp tục chung tay phòng chống mua bán người, tăng cường hỗ trợ các nạn nhân, đưa các đối tượng mua bán người ra trước pháp luật. Đồng thời khẳng định sẽ luôn sát cánh cùng Việt Nam để chấm dứt nạn mua bán người.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, trong thời gian qua, Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, đoàn thể, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm mua bán người nói riêng, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là ở địa bàn vùng miền núi, giáp biên, hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm mua bán người.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự gắn với phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi, rẻo cao. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống mua bán người; chỉ đạo các lực lượng chức năng tấn công, trấn áp quyết liệt tội phạm mua bán người, gắn với hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương, ổn định cuộc sống./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết