Tiếng Việt | English

05/03/2019 - 14:43

Xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ luôn chú trọng xây dựng kế sách bảo vệ biên giới - vùng “phên giậu” của đất nước. Vấn đề cốt lõi, nhân cốt của kế sách, phương lược bảo vệ biên giới của ông cha ta suốt hàng ngàn năm giữ nước là dựa vào nhân dân mà trực tiếp là nhân dân, các dân tộc cư trú ở biên giới. Kế thừa truyền thống quý báu đó, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định tầm quan trọng của việc xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sau tháng 7/1954, đất nước ta bước vào giai đoạn đấu tranh mới, mỗi miền thực hiện một nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau và cùng chung một mục tiêu là đấu tranh thống nhất nước nhà, trước hết là bảo vệ biên cương bờ cõi của Tổ quốc. Để thống nhất các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, nội địa và giới tuyến, ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-TW. Trên cơ sở đó, vào ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 100/TTg “Thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang”, là tiền thân của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Việt Nam. Ngay từ khi mới ra đời, lực lượng Công an nhân dân vũ trang vừa làm tốt nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu trọng yếu về KT-XH, đồng thời triển khai nhiệm vụ bảo vệ biên giới; vừa tổ chức lực lượng bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở chính trị, vận động quần chúng thực hiện chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp đỡ đồng bào ổn định sản xuất, phát triển KT-XH, xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng “Lũy thép Biên phòng nhân dân”.

Tiển đoàn Huấn luyện cơ động nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu

Tiển đoàn Huấn luyện cơ động nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Thanh Chương  

Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, trong suốt 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lực lượng BĐBP luôn xác định phương châm hoạt động, đó là: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, thực hiện tốt việc “3 bám, 4 cùng”; tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực phòng thủ biên giới, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, góp phần tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo môi trường ổn định để xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện, ổn định lâu dài, hòa bình, hữu nghị, hội nhập và cùng phát triển.

Tỉnh Long An là vùng đất nối liền giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ, tiếp giáp với TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có cảng sông ra biển, có tuyến biên giới đất liền tiếp giáp 2 tỉnh Svay Rieng, Prey Veng (Vương quốc Campuchia) với chiều dài 132,97km; có 1 cửa khẩu quốc tế (Bình Hiệp/Kiến Tường), 1 cửa khẩu quốc gia (Mỹ Quý Tây/Đức Huệ) và 3 cửa khẩu phụ (Hưng Điền A và Long Khốt/Vĩnh Hưng, Cửa khẩu Tân Hưng/Tân Hưng) cùng với nhiều đường tiểu ngạch qua lại biên giới. Với vị trí chiến lược trọng yếu đó, xác định được tầm quan trọng của công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện; những năm qua, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Long An đã ban hành nhiều quy định, chính sách kịp thời và hiệu quả trong việc xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nhằm quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng BĐBP tỉnh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng BĐBP Việt Nam, BĐBP Long An đã chủ động thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác biên phòng; phối hợp tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện; xây dựng nền biên phòng toàn dân và xây dựng lực lượng BĐBP địa phương vững chắc về nhiều mặt; quan tâm xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. BĐBP Long An còn góp phần quan trọng cùng với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng, chống tội phạm, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố hệ thống chính trị cơ sở địa bàn biên giới. Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh còn tích cực tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội tại địa bàn biên giới, nhất là triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động xây dựng: “Nhà đại đoàn kết cho người nghèo”, “Mái ấm cho chiến sĩ nơi biên giới”, “Quỹ bò giống cho người nghèo”, “Quỹ hiếm muộn trong BĐBP”, chương trình “Nâng bước em tới trường”,... Qua đó, xây dựng hình ảnh “Người thầy giáo mang quân hàm xanh”, “Người thầy thuốc mang quân hàm xanh” luôn là hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân khu vực biên giới tỉnh nhà.

Đồn Biên phòng Long Khốt thường xuyên luyện tập, sẵn sàng chiến đấu

Đồn Biên phòng Long Khốt thường xuyên luyện tập, sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: TC  

Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của BĐBP bên cạnh những thuận lợi cơ bản, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội; tình hình trên các tuyến biên giới, biển, đảo vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, khó lường. Để tiếp tục phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống 60 năm chiến đấu và trưởng thành của lực lượng BĐBP Việt Nam, xây dựng BĐBP Long An vững mạnh làm nòng cốt trong nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc trong tình hình mới, các cấp, các ngành, lực lực BĐBP của tỉnh cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Trước hết, tập trung triển khai, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Trung ương, của tỉnh về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; trọng tâm là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”; Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09-01-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị “Về phát triển KT-XH các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại”; Đề án số 01-ĐA/BCĐ, ngày 07/01/2005 của Ban Chỉ đạo Bảo vệ an ninh quốc gia tỉnh về “Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trên khu vực biên giới”.

Thứ hai, tăng cường xây dựng cơ sở chính trị, phát triển KT-XH ở khu vực biên giới làm cơ sở để xây dựng nền biên phòng toàn dân, an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân vững mạnh. Thực hiện hiệu quả và đồng bộ nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh để đáp ứng yêu cầu bảo vệ biên giới, nhất là việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đường tuần tra biên giới gắn với quy hoạch, bố trí lại dân cư, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ biên giới, đấu tranh chống các loại tội phạm. Tiếp tục nâng cao ý thức quốc phòng, ý thức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và lợi ích quốc gia để người dân và các thành phần kinh tế không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng và trực tiếp tham gia vào việc quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm, củng cố hệ thống chính trị cơ sở địa bàn biên giới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, xây dựng và củng cố thế trận lòng dân vững chắc.

Thứ ba, nắm chắc tình hình nội, ngoại biên, theo dõi, nắm sát diễn biến tình hình biên giới; việc hiệp đồng phối hợp giữa các lực lượng phải đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ trong tham mưu, xử lý các tình huống; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, nhất là khu vực nhạy cảm trong phân giới cắm mốc, phát hiện kịp thời âm mưu, ý đồ, hoạt động của các đối tượng phản động, quá khích; chủ động xử lý các vụ việc xảy ra đúng chủ trương, đối sách không để sơ hở, tạo căng thẳng, phức tạp trên tuyến biên giới; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng lợi dụng địa bàn biên giới để thâm nhập vào nội địa thực hiện hoạt động phá hoại.

Thứ tư, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với chính quyền và nhân dân tỉnh Svay Rieng và Prey Veng (Vương quốc Campuchia), thực hiện tốt công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại quân sự; hợp tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự biên giới; duy trì, thực hiện tốt các cuộc hội nghị giao ban giữa các cấp chính quyền, đồn biên phòng 2 bên biên giới theo quy chế đã ký kết. 

Thứ năm, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện và hoàn thành kế hoạch phân giới cắm mốc biên giới trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhân dân trong tỉnh nói chung và nhân dân khu vực biên giới nói riêng về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phân giới cắm mốc; thực hiện tốt, chấp hành đúng các hiệp định, quy chế, quy định về biên giới quốc gia đã được ban hành, ký kết; giải quyết tốt các chính sách liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân sau khi phân giới cắm mốc (đất đai, nhà cửa, hoa màu...), tạo sự đồng thuận của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Thứ sáu, tiếp tục xây dựng lực lượng BĐBP tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị; thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, nâng cao lòng yêu nước, quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ; chủ động đấu tranh với những quan điểm, nhận thức sai trái, không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, coi trọng xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, đủ sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; trọng tâm là thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương, gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” của Quân ủy Trung ương trong toàn lực lượng.

Thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trên sẽ tạo nền tảng vững chắc để Đảng bộ, quân và dân Long An tiếp tục xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới./.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Phạm Văn Rạnh

 

Chia sẻ bài viết