Ông Huỳnh Văn Út (xã Lương Hòa , huyện Bến Lức) có gần 1ha trồng mía nhiều năm nhưng hiện ông chuyển đổi sang trồng chanh
Nhà máy thu mua mía ở địa phương ngừng hoạt động
Có thời gian, cây mía phát triển mạnh, mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân ở huyện Bến Lức, Thủ Thừa. 1ha mía có sản lượng từ 80-100 tấn; có năm bán giá từ 1-1,1 triệu đồng/tấn mía, sau khi trừ chi phí, nông dân lời 600.000-700.000 đồng/tấn. Nhiều nông dân làm giàu nhờ cây mía, trở thành thương lái thu mua mía. Có những thời điểm, diện tích trồng mía ở hai địa phương này hơn 11.000ha.
Trước giá trị cây mía mang lại, tỉnh cũng từng kỳ vọng rất lớn và thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu trồng mía để có những chính sách, giải pháp phát triển cây trồng này.Thế nhưng, từ năm 2013 đến nay, cây mía gặp nhiều khó khăn.
Có năm, nông dân không thu hoạch vì sau khi trừ chi phí thuê nhân công, vận chuyển thì chẳng có lời, thậm chí thua lỗ. Cũng vì giá mía bèo bọt, đầu ra khó khăn nên hiện nay, trên những vùng trồng mía tại các xã: Lương Hòa, Bình Đức, huyện Bến Lức vẫn còn những ruộng mía già cỗi chưa được thu hoạch cùng với nhiều đám mía bị đốt cháy để dọn dẹp làm sạch đất. Theo một số người dân ở đây, những đám mía già cỗi này lẽ ra đã thu hoạch trong năm 2018 nhưng vì giá thấp, bán sẽ thua lỗ nên “bỏ” hẳn mía tại ruộng.
Sở dĩ, nông dân rơi vào tình cảnh trên là do trước đây, diện tích trồng mía trên địa bàn phục vụ sản xuất của Nhà máy Đường Nivl đóng tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức. Nhưng những năm gần đây, công ty này làm ăn thua lỗ, thường xuyên nợ tiền mía của nông dân kéo dài. Có lúc, người dân kéo vào nhà máy, giăng băngrôn đòi nợ, thậm chí có thời điểm, người dân phải bán mía lấy đường. Hiện nhà máy này đã dừng hoạt động do thiếu kinh phí sản xuất, nợ tiền thuế. Tình cảnh này càng làm cho những nông dân huyện Bến Lức, Thủ Thừa trở nên khó khăn gấp bội khi còn “bám” cây mía. Bà Nguyễn Thị Bảy, ngụ xã Lương Hòa, cho biết: “Nhờ tỉnh quan tâm tháo gỡ khó khăn, người dân đưa mía đi bán tại nhà máy đường ở tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, vì chi phí đầu tư, thuê nhân công, vận chuyển xa nên lời chẳng được bao nhiêu, thậm chí còn thua lỗ.Trong khi đó, chi phí đầu tư phân bón đã 10 triệu đồng/ha mía gốc; còn trồng mới thì chi phí phải 20 triệu đồng/ha”.
Diện tích mía liên tục giảm sâu
Mấy chục năm trồng và giàu lên nhờ cây mía nhưng trước tình cảnh này, cũng như nhiều người khác, ông Nguyễn Huệ, ngụ xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, rất buồn khi phải dần giã từ cây mía. Gia đình ông trồng 36ha mía (trong đó 30ha đất thuê). Từ năm 2013 đến nay, cây mía liên tục thua lỗ vì đầu ra khó khăn, giá bán thấp, khó thuê nhân công nên hiện ông đã trả lại toàn bộ 30ha đất thuê. “6ha đất còn lại của gia đình, hiện tôi chỉ để vài hécta mía (gốc cũ chứ không trồng mới) với hy vọng cây mía sẽ có tín hiệu tốt hơn, hơn nữa, để đất không bỏ hoang. Đầu năm 2019, tôi chuyển 2ha sang trồng dừa” - ông Nguyễn Huệ chia sẻ.
Như lời ông Huệ chia sẻ, gia đình có cuộc sống, nhà cửa đàng hoàng, con cháu học hành đến nơi, đến chốn, thành đạt như hôm nay là nhờ vào cây mía. Thế nhưng, vì nhiều năm liền trồng mía thua lỗ nên ông buộc phải “chia tay” cây mía để tìm một cây trồng mới với hy vọng sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Còn gia đình ông Huỳnh Văn Út (xã Lương Hòa) có gần 1ha đất, nhiều năm qua trồng mía. Thế nhưng mấy năm trở lại đây, cây mía không mang lại giá trị kinh tế nên ông chuyển đổi sang trồng chanh. “Trồng mía quen rồi, bỏ cũng tiếc nhưng vì không có đầu ra, giá cả thấp, thậm chí thua lỗ nên có năm, tôi không thu hoạch mà đốt bỏ.Vì vậy, tôi phải tìm cây trồng khác thay thế, chứ cứ bám cây mía thì chắc nghèo thêm.Nếu tình trạng này kéo dài thì chẳng bao lâu nữa sẽ chẳng còn ai trồng mía ở địa phương” - ông Út bộc bạch.
Hiện nay, diện tích trồng mía của tỉnh liên tục giảm sâu qua từng năm. Bến Lức vốn được xem là “thủ phủ” của cây mía nhưng do liên tiếp gặp khó khăn, năm 2019, diện tích giảm xuống, chỉ còn khoảng 3.000ha. Toàn tỉnh chỉ còn hơn 4.000ha. Theo đó, nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác, trong đó chủ yếu là cây chanh. Những người còn giữ cây mía vẫn đang hy vọng sẽ có đầu ra ổn định, lợi nhuận cao hơn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin, thời gian qua, tỉnh đang gặp khó khăn trong việc giải quyết đầu ra cho cây mía. Hiện nay, giá nhân công tăng cao, cây mía ở tỉnh phải đưa đi bán cho các nhà máy đường ở một số tỉnh khác nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn, lời chẳng được bao nhiêu. Trước thực tế này, tỉnh đã tìm nhiều giải pháp cho cây mía có đầu ra ổn định nhưng vẫn chưa tháo gỡ được.
Cụ thể, trước việc Công ty Nivl dừng hoạt động, các ngành chức năng đã nhiều lần làm việc với Công ty Thành Thành Công (tỉnh Tây Ninh) để doanh nghiệp này thu mua mía cho nông dân. Qua đó, Công ty Thành Thành Công đang xúc tiến để tiếp nhận và khôi phục sản xuất của Nhà máy Nivl; đồng thời triển khai khôi phục lại vùng nguyên liệu mía. Tuy nhiên, quá trình thương lượng giữa các bên hiện nay cũng đang gặp khó, nông dân chưa đồng ý ký hợp đồng với doanh nghiệp này vì mức giá đưa ra khá thấp, khoảng 630.000 đồng/tấn. Việc thương lượng tiếp nhận nhà máy giữa Công ty Thành Thành Công và Công ty Nivl cũng chưa thực hiện được.
Theo ông Nguyễn Chí Thiện, tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bên để thúc đẩy việc thương lượng tiếp nhận nhà máy đường; thu mua mía cho nông dân./.
Vũ Quang