Tiếng Việt | English

12/03/2016 - 07:39

Hàng tiêu dùng nhanh ngày càng 'hốt bạc' tại nông thôn

Trong năm 2015, doanh số của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại khu vực nông thôn đạt mức tăng trưởng 5,5%.

Theo báo cáo mới được công bố bởi Nielsen - công ty đo lường hiệu suất toàn cầu, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong Quý IV tại 6 thành phố chính của Việt Nam tiếp tục phục hồi tích cực với mức tăng trưởng 5,7% (so với 4,5% trong Quý III), chủ yếu nhờ vào sản lượng tăng đạt mức 4,9% (so với 3,6% trong Quý III).

Báo cáo của Nielsen cho biết, sự phục hồi tích cực của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 6 thành phố ở Việt Nam xảy ra ở hầu hết 7 ngành hàng lớn bao gồm đồ uống, thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc lá và sản phẩm chăm sóc trẻ em.

Khu vực nông thôn đang nổi lên như một nguồn lợi nhuận để tăng trưởng đối với các nhà sản xuất. (Ảnh: KT)

Trong đó, ngành hàng đồ uống tiếp tục đạt mức tăng trưởng ổn định với mức tăng 7,7% sản lượng, đóng góp 38% vào tổng doanh số của toàn ngành hàng FMCG. Quý cuối của năm 2015 cũng chứng kiến sự tăng trưởng trở lại của ngành hàng thực phẩm và sữa (mức tăng sản lượng lần lượt đạt 0,9% và 3,7%). Hầu hết các ngành đã cho thấy dấu hiệu của sự phục hồi, duy chỉ có ngành hàng chăm sóc cá nhân vẫn thể hiện sự trì trệ.

“Ngành hàng FMCG tiếp tục phục hồi và thị trường đã không còn trông chờ vào sự tăng trưởng đạt mức 2 chữ số. Sự biến đổi liên tục của thị trường đã mang đến cho các nhà sản xuất nhiều thách thức để đưa ra quyết định kịp thời nhằm nắm bắt những cơ hội trên thị trường để giúp tăng trưởng lợi nhuận cho công ty”, Giám đốc Bộ phận Dịch vụ Đo lường bán lẻ của Nielsen cho biết.

Cũng theo nhận định của Nielsen, khu vực nông thôn đang nổi lên như một nguồn lợi nhuận để tăng trưởng đối với các nhà sản xuất. Trong năm 2015, doanh số của ngành hàng FMCG tại khu vực nông thôn đạt mức tăng trưởng 5,5%, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng của sản lượng.

Báo cáo của Nielsen dựa trên kết quả đo lường mức bán lẻ của những nhóm sản phẩm tiêu dùng chính, thông qua việc theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định. Các chỉ số bán lẻ phục hồi đã cho thấy nỗ lực của nhà sản xuất và các nhà bán lẻ cũng như sức tiêu thụ của người tiêu dùng./.

Theo PV/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết