Ảnh minh họa. (nguồn: la34.com.vn)
Trước đây, hai bên đường là bưng biền nhiễm phèn, tràm với cỏ dại, thì nay thành ruộng lúa, rẫy khoai. Giữa vườn cây xanh mát thấp thoáng những mái nhà ngói đỏ, tường vôi. Ngỡ ngàng nửa quen nửa lạ, tôi no mắt ngắm nhìn những đổi mới tuyệt vời trên quê hương Tân Thạnh. Và, ký ức tôi chợt lục tìm lại cảnh cũ, người xưa,…
Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Tân Thạnh - Lê Hùng Sơn dẫn tôi tham quan toàn thị trấn, tự hào khoe những đổi mới của quê anh. Hai anh em ngồi dưới tán hoa huỳnh anh vàng rực ven bờ kênh Dương Văn Dương, nhìn con nước đục lờ không gợn sóng trôi xuôi. Có lẽ, kỷ niệm bao giờ cũng đẹp nên những khó khăn, thiếu thốn, vất vả ngày ấy bây giờ nhắc lại cũng cảm thấy dễ thương. Hồi đó, tôi cùng các đồng nghiệp mới ra trường, trẻ trung, hồn nhiên ăn cơm tập thể ngày chay nhiều hơn ngày mặn; những hôm nước ròng bỏ bãi xa lắc, cả bọn xắn quần lội qua bãi bùn, múc từng thùng nước lợn cợn lá cỏ nát để tắm, nấu ăn,… Ấy vậy mà, đứa nào cũng tròn vo, da dẻ trắng hồng, nụ cười rạng rỡ trên môi.
- Em thấy không, Tân Thạnh bây giờ đẹp hơn xưa nhiều lắm!
Tôi xoay ly nước cho đá kêu lanh canh, nhìn vẻ mặt kiêu ngạo của anh, cười cười gật đầu. Không nơi nào đẹp bằng nơi mình sinh ra, lớn lên với bao người yêu thương và kỷ niệm gắn bó.
- Chiều nay, anh dẫn em đi thăm một
gia đình đặc biệt.
- Gia đình thương binh hả anh ?- Tôi đoán vậy. Thôi, em có quen biết gì đâu mà đi, kỳ lắm.
- Không phải gia đình thương binh hay liệt sĩ, nhưng em sẽ không uổng công khi đi đến đó, anh cam đoan.
Không cho tôi kịp trả lời, anh hỏi dồn:
- Một người mẹ hy sinh con mình để cứu hàng trăm người khác thì có phải là anh hùng không?
- Anh hùng chớ! - Tôi gật đầu ngay mà không cần suy nghĩ.
- Một em bé 9 tháng tuổi chết đi để dành sự sống cho hàng trăm người thì có xứng đáng là liệt sĩ không?
- Liệt sĩ chớ! - Tôi trả lời không do dự và theo chân anh Sơn đến thăm ngôi nhà số 75, ấp Hiệp Thành, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, ngay trong buổi trưa hôm ấy.
Ngôi nhà cấp 4 giản dị nằm giữa vườn cây ven đường là nơi cô Nguyễn Hồng Thắng sống cùng chồng là chú Võ Chí Sang - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Tân Thạnh, nay đã nghỉ hưu. Nhìn đồ đạc đơn sơ trong phòng khách, nhìn đôi vợ chồng cựu chiến sĩ cách mạng bệnh tật, gầy guộc, lòng tôi dâng lên kính ý và khi chuyện trò cùng cô Ba Nga (tên thường gọi của cô Nguyễn Hồng Thắng), tôi hiểu được nỗi đau trĩu nặng trong lòng cô suốt hơn 50 năm qua. Gương mặt hiền lành, phúc hậu của cô đẫm nước mắt, nghẹn ngào kể cho tôi nghe chuyện đau lòng mà cô giấu kín bao năm qua.
- Cháu cũng đã là mẹ, chắc cháu hiểu được nỗi niềm của cô. Từ lúc cấn bầu, biết trong bụng mình có một sinh linh bé nhỏ đang tồn tại, lớn lên từng ngày, cô thương biết chừng nào. Lúc đó trong lòng, trong tâm tưởng của cô đều là ăn gì cho con thông minh, xinh đẹp, làm thế nào cho con khỏe mạnh, có năng khiếu sau này,…Và cô trông mong từng phút, từng giờ ngày mẹ con gặp mặt. Một cú quẫy, một cái đạp của con lúc còn trong bụng mẹ cũng làm cô vui sướng và hạnh phúc tột cùng. Ngày sinh con, nhìn thấy con đủ đầy mắt, mũi, tay, chân là mừng đến quên mệt, quên đau,… Nghe con khóc, rồi nhìn con nghiêng ngó khi nghe tiếng động lại mừng thêm gấp bội. Lúc cho con bú, con tròn mắt nhìn mẹ say đắm, tay vung vẫy nghịch đùa, nhởn nhơ nút sữa,… mà yêu con đến mềm ruột mềm gan. Những ai mang thiên chức làm mẹ sẽ được đặc quyền tận hưởng niềm hạnh phúc vô biên không gì so sánh nổi... Ấy vậy mà, cô phải bóp chết con trai của mình.
Tôi nhìn cô lặng đi trong nấc nghẹn, lòng đắng chát không biết phải nói gì. Tôi cũng đã hai lần vượt cạn, cũng được tận hưởng niềm vui tột cùng của người làm mẹ. Có mệt nhọc đến mấy, khi nhìn thấy con là khỏe lại, trong mọi ngóc ngách trái tim như có dòng nước ấm chảy qua êm dịu và ngọt ngào... Tôi ôm đôi vai gầy run rẩy của cô, nghe nổi đau như thấm qua từng mạch máu.
Lâu thật lâu, cô mới bình ổn cảm xúc, dõi mắt nhìn về xa xăm, đắm hồn trong ký ức.
“Thằng bé nhà cô bụ bẫm lắm. Nó có đôi mắt to với lông mi dài cong cong, mũi nó cao, nước da trắng nõn và rất hay cười,... Mới 9 tháng mà ẵm rất nặng tay. Trên đường chạy tránh càn, cô cố hết sức mới theo kịp người ta. Có lúc mỏi mệt quá, cô hun nó mấy cái để lấy sức rồi vác nó trên vai chạy tiếp. Cô ôm con cùng hàng trăm người khác: Bộ đội, cán bộ, đồng bào khu chiến,... ẩn nấp trong đìa dứa gai um tùm, dày đặc, rộng hàng mấy công đất bên Campuchia. Xe tăng, lính cộng hòa bao vây quanh, bắn súng và ném lựu đạn như rải trấu. Qua kẽ hở của những lá dứa đan xen, cô cùng mọi người đang ẩn trong rìa cỏ nhìn thấy một số quân lính chỉa súng, tiến tới gần sát dò xét, chỉ cách khoảng chừng 2 - 3m. Một số bộ đội định nổ súng nhưng có mấy anh cản lại, ra hiệu giữ im lặng chờ xem sao, vì lúc ấy, nếu trực diện chiến đấu mở đường máu chạy đi thì chắc chắn, chẳng ai còn sống sót. Đúng ngay lúc nguy hiểm như ngàn cân treo sợi tóc, thằng bé lại khóc. Cô bụm miệng nó một hồi rồi lại buông vì sợ nó ngộp và nó lại khóc. Cô không còn cách nào khác... đành hy sinh con để giữ an toàn cho mọi người. Bọn lính không nghe động tĩnh gì nên quanh quẩn hồi lâu rồi bỏ đi. Cô đặt xác con mềm oặt, còn ấm nóng trên rìa cỏ, điếng hồn không khóc nổi, quán tính chạy theo mọi người thừa lúc bọn lính lơ là canh gác giữa đêm khuya”.
Chú Ba cầm tay cô vỗ về, giọng buồn buồn kể lại chuyện xưa:
“Tôi còn nhớ, lúc ấy vào năm 1970. Ngay thời điểm nghiệt ngã đó, tôi chỉ cách vợ con có một khoảng thôi mà không hay biết gì, mãi đến một tháng sau mới hay tin con chết. Tôi với vợ đều là lính của ông Thọ ở khu 6 (xã Thạnh Phước ngày nay). Chúng tôi chế tạo thuốc cung cấp cho bộ đội và bán cho đồng bào để gây quỹ. Thời ấy, đơn vị quân y chỗ tôi làm thuốc trị cảm cúm, ho, sốt và si-rô bổ máu từ huyết bò, kháng sinh dạng cấy dưới da gọi là phi-la-tốp. Nhân viên trong đơn vị lội bộ khắp nơi cấy thuốc cho cả đồng bào ngoài khu chiến để gom quỹ cho bộ đội. Con mất, tôi đau lòng lắm!.”
Nhìn về khung đá trên đầu tủ ghi “phần mộ Võ Trọng Hữu. Sinh tháng 10/1969. Tử nạn chiến tranh tháng 3/1970”, cô Nga nghẹn ngào: “Lúc ấy gấp gáp, cô chỉ kịp ôm thằng bé chạy đi mà không kịp mang theo thứ gì, may là nó còn bú nên đỡ lo chuyện đói khát. Sau này trở lại chỗ ở cũ thì chẳng còn chút gì để làm di vật chôn cất cho con”.
“Không manh áo mảnh quần, không bình sữa, tã lót, không tấm hình, sợi tóc,… nó tiêu thất giữa cuộc đời này, không để lại chút dấu vết nào, giống như nó chưa từng tồn tại. Nếu bây giờ rơi vào hoàn cảnh oái oăm đó, chắc chắn, cô cũng phải làm như vậy, không thể khác được để cứu hàng trăm sinh mệnh. Cô đau khổ, day dứt vì cảm thấy mình có lỗi với con, sinh ra con mà không bảo vệ, không chăm bẳm được, không nhìn thấy con từng ngày lớn khôn, trưởng thành,…”.
Nếu tôi là cô, trong tình huống như thế, có lẽ, tôi cũng không làm khác được. Nhưng hy sinh núm ruột mang nặng đẻ đau, một sinh mệnh đáng yêu đang cười, đang khóc thì quả là ngoài sức tưởng tượng. Chỉ nghĩ đến thôi, trái tim tôi quặn thắt, nhói đau. Tôi không muốn so sánh nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào mà chỉ muốn thông hiểu, sẻ chia nỗi dằn vặt của một người mẹ yêu con vô vàn nhưng phải bóp chết con vì sự sống của bao người khác. Thầm lặng khổ đau theo đuổi cô trong suốt quãng đời còn lại và sau khi hòa bình, cô chọn công việc hộ sinh trong bệnh viện để khuây khỏa tâm linh. Tự tay mình cắt rốn cho từng trẻ sơ sinh còn non nớt, nghe tiếng khóc chào đời, nhìn ánh mắt trong trẻo của các bé,… lòng cô như ấm lại, trái tim cô như mở ra, dào dạt thương yêu.
Chiến tranh tàn khốc với bao thảm kịch bi thống khôn cùng; biết bao mất mát, hy sinh và đau khổ. Kể lại câu chuyện đau lòng, cô muốn tôi truyền đi thông điệp nhỏ nhoi: Các bà mẹ được sống trong hòa bình hãy thương yêu, chăm sóc con mình thật tốt, bảo vệ chúng được bình yên lớn lên và nuôi dạy chúng trở thành người có ích cho xã hội./.
Nguyễn Thị Tuyết Mai