Tiếng Việt | English

15/06/2015 - 15:22

Mỹ sợ công nghệ mới khiến tàu ngầm tàng hình dễ bị phát hiện

Công nghệ mới này sẽ giáng một đòn chí mạng vào niềm kiêu hãnh của Mỹ khi sở hữu các tàu ngầm hạt nhân có khả năng “biến mất” hoàn toàn dưới biển.

Theo Sputnik News, nhận định trên được Giáo sư James Holmes thuộc trường Đại học Thủy chiến Mỹ đưa ra.


Công nghệ mới sẽ khiến tàu ngầm tàng hình của Mỹ khó duy trì được vị trí thống trị dưới nước (Ảnh AP)

Giáo sư Holmes cho biết, ưu thế được cho là “bất khả chiến bại” của các tàu ngầm hạt nhân tàng hình của Mỹ là khả năng không thể bị phát hiện ra khi ở dưới nước sẽ sớm bị đánh bại nhờ một công nghệ mới và điều này sẽ giáng một đòn chí mạng vào khả năng thực hiện các nhiệm vụ của Hải quân Mỹ tại nhiều vùng biển trên toàn thế giới.

“Trừ khi Mỹ có thể nhanh chóng thích nghi và thay đổi công nghệ của mình thì kỷ nguyên mà Mỹ được coi là thống trị hoàn toàn dưới mặt biển có thể sẽ đột ngột chấm dứt”, ông Bryan Clark, chuyên gian thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA) nhận định.

Khoảng 60 năm trước, các tàu ngầm tàng hình của Mỹ được coi là yếu tố then chốt thay đổi hoàn toàn cục diện các cuộc chiến dưới nước. Không chỉ có thể hoạt động trong một thời gian dài do được trang bị năng lượng hạt nhân, các tàu này còn không thể bị địch phát hiện bằng sóng radar hoặc radio.

Tuy nhiên, một công nghệ mới mang tên Big Data sẽ khiến Mỹ hoàn toàn thất vọng, bởi công nghệ này cho phép phát hiện tàu ngầm không cần dựa vào sóng âm và giúp các tàu ngầm của đối phương theo dấu các tàu ngầm tàng hình của Mỹ.

“Đây là một điềm báo rất xấu. Điều này có thể là cơn ác mộng đối với Hải quân Mỹ và họ rất khó có thể đi trước công nghệ này”, Giáo sư Holmes thừa nhận.

Tuy nhiên, tình hình không đến nỗi là hoàn toàn tuyệt vọng đối với các tàu ngầm của Mỹ. Giáo sư Holmes cho rằng, Mỹ nên tính đến việc nghiên cứu cơ chế phòng vệ chủ động và bị động cho các tàu ngầm giống như đã làm đối với các máy bay chiến đấu F-22 và F-35 vốn dựa vào chủ yếu khả năng phản công chủ động hơn là khả năng tàng hình.

Ngoài ra, Mỹ có thể sử dụng các thiết bị lặn không người lái để tăng cường khả năng đối phó với tàu ngầm địch. Trong khi đó, việc trang bị các ngư lôi thế hệ mới và tên lửa đối hạm Tomahawk có thể “giúp giải quyết một phần vấn đề này”.

Tuy nhiên, dù sao thì các tàu ngầm tàng hình của Mỹ sẽ không còn vô hình trước mắt kẻ thù, và Giáo sư Holmes cho rằng, các cuộc chiến dưới nước giờ sẽ không khác mấy với các cuộc chiến trên không và trên mặt nước.

“Nói tóm lại, các tàu ngầm sẽ không còn ưu thế tàng hình như trước. Chúng sẽ không thể hoạt động một mình để thực thi các chiến dịch độc lập. Đây không chỉ là một cuộc cách mạng về công nghệ mà còn là về cách thức thực thi nhiệm vụ”, Giáo sư Holmes kết luận./.

Trần Khánh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết